Sau Hiệp định Paris: Tạm gác súng, đón xuân trong “ngôi nhà hòa hợp”

Sứ mệnh của những “ngôi nhà hòa hợp” dựng lên giữa ranh giới 2 phía chỉ tồn tại trong 3 năm, từ Mùa xuân năm 1973 đến Mùa xuân năm 1975.

Mùa xuân Đinh Sửu năm 1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Lúc này, hơn 85% diện tích của tỉnh Quảng Trị gồm các huyện, thị xã ở bờ Bắc sông Thạch Hãn và một phần đất của huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị được giải phóng. Con sông Thạch Hãn và vùng giải phóng Triệu Phong, thị xã Quảng Trị được xem là giới tuyến thứ 2 sau Vĩ tuyến 17- Sông Bến Hải. Tại khu vực này, những “nhà hòa hợp dân tộc” được dựng lên giữa hàng rào thép gai, lằn ranh giới tuyến giữa vùng giải phóng và vùng thuộc chính quyền Sài Gòn cai quản.

 Biểu diễn văn nghệ tại một điểm "hòa hợp dân tộc" được phát thanh trực tiếp. Ảnh: TL

Trong những “ngôi nhà hòa hợp” ấy, người của 2 phía gác lại hận thù, có những giây phút trò chuyện, tâm tình như người cùng một nhà. Không ít người từ bên kia chiến tuyến khát khao hòa bình, bỏ súng trở về với cách mạng. 45 năm trôi qua, nhiều người sống và chiến đấu vào những năm tháng đó ở Quảng Trị vẫn không thể nào quên những giọng nói, nụ cười trong những “ngôi nhà hòa hợp” mỗi độ Tết đến Xuân về.

Ông Nguyễn Tiến Bình ở phường 1, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị nhớ mãi Mùa xuân năm Đinh Sửu 1973. Ngày sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết cũng là lúc người dân 2 phía đón Tết cổ truyền.

Ngày đó, phía ta thành lập 4 cụm loa truyền thanh công suất lớn dọc bờ Bắc sông Thạch Hãn. Ông Bình là phóng viên của Đài phát thanh tỉnh Hải Dương được tăng cường vào làm công tác binh địch vận tại chốt Tích Tường - Như Lệ, thị xã Quảng Trị.

 

Ông Nguyễn Tiến Bình, nguyên cán bộ Đài Phát thanh tỉnh Hải Dương được tăng cường vào Quảng Trị vào năm 1972

Mùa xuân năm đó, trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam thường xuyên phát đi tin tức về chiến trường, kêu gọi hòa hợp dân tộc. Ông Bình nhớ mãi ngày đầu tiên ngừng tiếng súng, quân lính hai bên đua nhau cắm cờ, lập chốt phân chia ranh giới. Lúc đó, hơn 85% diện tích tỉnh Quảng Trị được giải phóng, một phần vùng đất bờ Nam sông Thạch Hãn, đặc biệt là huyện Triệu Hải nằm trong thế “da báo”. Lá cờ đỏ - xanh, sao vàng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cắm gần với cờ ba sọc của Việt Nam Cộng hòa dọc ranh giới 2 phía.

Dù theo Hiệp định, hai bên ngừng bắn, nhưng phía bên kia vẫn tìm cách xóa thế “da báo”, ngang nhiên lấn chiếm đất vùng giải phóng. Trên mặt trận này, súng tiếp tục nổ và máu vẫn đổ xuống. Từ đó, cấp trên chỉ đạo xây dựng “ngôi nhà hòa hợp dân tộc” tại các chốt dọc ranh giới để 2 bên ngồi lại bàn bạc việc thực thi Hiệp định Paris và giải quyết những bất đồng.

Bên ta chủ động gặp gỡ đề xuất làm “nhà hòa hợp”, có cả sân bóng chuyền để giao lưu, đánh cờ..., mỗi tuần, hai bên gặp nhau 3 lần tại “nhà hòa hợp”. “Cuối năm 1973, có 2 “nhà hòa hợp”. Lúc nào cần gặp thì hai bên có lịch với nhau. Bên kia và bên này cách nhau khoảng 5m. Có khi đánh nhau cả tuần thì không hòa hợp gì hết. Khi nào thấy êm êm thì ngồi lại với nhau. Mình phải tuyên truyền để thương lấy nhau chứ không nghe theo chiến thuật của Mỹ là dùng người Việt đánh người Việt. Chúng ta phải bắt tay nhau đoàn kết để đưa đất nước Việt Nam thống nhất”. Ông Nguyễn Tiến Bình nhớ lại

 

Biểu diễn văn nghệ tại một điểm "hòa hợp dân tộc" được phát thanh trực tiếp . (Ảnh: TL)

Sau ngày ký kết Hiệp định Paris, những “ngôi nhà hòa hợp” tại các chốt và dọc ranh giới liên tục mọc lên, từ Tích Tường, Như Lệ, thị xã Quảng Trị về chợ Sãi, An Lộng, Phù Liêu, Long Quang, Triệu Vân, huyện Triệu Phong… Dọc mỗi chốt có một “ngôi nhà hòa hợp”, có chốt hai đến ba nhà. Gọi là “nhà” nhưng đó chỉ là một cái lán nhỏ tạm bợ làm bằng tranh tre nằm giữa lằn ranh giới tuyến đầy thép gai, bom mìn. Trong “ngôi nhà hòa hợp” đó, không ít lần xảy những cuộc đấu khẩu nảy lửa do bất đồng quan điểm. Những câu chuyện mà người 2 phía thường nhắc tới có sức lay động trái tim, thắm đượm tình người máu đỏ da vàng.

Bà Dương Thị Hoài Năm, nguyên cán bộ binh địch vận tại chốt Bích La Trung, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong kể lại: “Có lần Đặc khu Vĩnh Linh tặng huyện Triệu Phong 10 con trâu để cày ruộng, khôi phục sản xuất. Trâu có đánh số thứ tự nhưng được vài ngày đã bị mất 8 con. Cán bộ bên ta đến Đài Truyền thanh thông báo yêu cầu phía miền Nam trả lại trâu. Vậy là 2 bên xảy ra mâu thuẫn, định rút súng giao chiến. Cán bộ binh địch vận liền mời đại diện 2 bên ra “nhà hòa hợp” để giảng hòa. Dù không thừa nhận bắt trâu của Việt Cộng nhưng lính Việt Nam Cộng hòa cũng tìm cách trả lại 4 con trâu như để bù đắp mất mát tình cảm”.

Bà Dương Thị Hoài Năm bảo rằng, lúc đầu tiếp cận với những người lính Việt Nam Cộng hòa rất khó, cán bộ binh địch vận phải dùng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, dần dà họ cũng hiểu ra chính nghĩa nằm ở đâu. “Ngày Tết, đem tiếng hát lời ca, hát những bài về cách mạng, hoặc có những năm đến Tết có thể hát cả những bài nhạc Vàng như bài "Xuân này con không về". Hát những bài hát chiến đấu cho quê hương, lòng anh có khi nào nghĩ đến tương lai cho một ngày mai.... để gợi lại tình người và tình cảm. Bây giờ Tết về mà lính đang còn ở trận mạc, đang còn ở trên chốt một mình nhớ mẹ. Sau đó, mình sẽ tuyên truyền đường lối của mình, dần dần đêm về có rất nhiều lính trở về với mình”. Bà Năm bồi hồi.

 

Bà Dương Thị Hoài Năm, nguyên cán bộ binh địch vận, hiện mở lớp dạy trẻ tại nhà.

Những ngày Tết cổ truyền, hai bên tạm gác súng, cùng đến “ngôi nhà hòa hợp” để ăn Tết. Bên ta mang theo bánh kẹo, thuốc lá, bia sang mời lính Việt Nam Cộng hòa cùng ăn uống vui xuân. Ngày đó, bên mình chủ yếu dùng thuốc lá Tam Đảo, Điện Biên, bia Trúc Bạch. Phía lính Việt Nam Cộng hòa cũng mang thuốc Rubi, Salem của Mỹ sang mời Bộ đội ta.

Bà Đỗ Thị Thanh Mai, cán bộ binh địch vận tại thị xã Quảng Trị từng chứng kiến 2 người lính, một người mặc đồ Bộ đội giải phóng, người kia mặc quân phục thủy quân lục chiến của Việt Nam Cộng hòa quàng vai nhau hút chung điếu thuốc lá Điện Biên. Mọi người còn trao tặng nhau những kỷ vật lưu niệm. Họ nâng niu, cất giữ kỷ vật đem về khoe với người thân. Có lần, anh em 2 phía lấy vỏ bao thuốc rồi xin chữ ký đề tặng cho nhau. Nhiều phụ nữ bên mình đưa cả trẻ con vào “nhà hòa hợp” để giao lưu, chuyện trò. Chính hình ảnh người mẹ bồng con vào chơi ngày Tết càng làm nhiều người lính Việt Nam Cộng hòa cồn cào nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Và rồi, hàng trăm người lính bên kia chiến tuyến vứt bỏ súng ống, vượt rào qua vùng giải phóng về với cách mạng.

Theo lời kể của bà Mai, khi đó, phía ta tuyên truyền quê hương của mình được giải phóng, nói rõ chính sách khoan hồng của mình là dân sẵn sàng đón tiếp. Đánh địch mà mình không tốn xương tốn máu, không tốn súng đạn nhưng vẫn kêu gọi được địch bỏ súng về theo ta.

Sứ mệnh của những “ngôi nhà hòa hợp dân tộc” dựng lên giữa ranh giới 2 phía chỉ tồn tại trong 3 năm, từ Mùa xuân năm 1973 đến Mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Nhà hòa hợp dân tộc” là nét sáng tạo độc đáo trong công tác đấu tranh chính trị - binh địch vận phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lúc bấy giờ.

Xuân này nhớ lại xuân xưa, người dân nơi đây vẫn không thể quên hình ảnh người lính 2 chiến tuyến từng ngồi lại với nhau trong những “ngôi nhà hoà hợp”. Trong họ, khát vọng hòa bình luôn cháy bỏng và mong sớm trở về đoàn viên với gia đình.

Theo Đình Thiệu/ VOV- Miền Trung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều