1. Năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam bước sang giai đoạn mới, ngày 27/3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị “Phát động phong trào thi đua ái quốc” để động viên mọi lực lượng cho kháng chiến. Mục đích của thi đua là: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm; tức là làm cho nhân dân no ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do”1. Tiếp đó, ngày 1/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 195/SL lập “Ban vận động thi đua các cấp” để chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi phong trào thi đua của cả nước.
Để thi đua ái quốc trở thành phong trào “ăn sâu, lan rộng” từ cán bộ, chiến sỹ đến các tầng lớp nhân dân, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Người kêu gọi “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua”. “Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi, thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng"2.
Tuy vậy, cũng cần nhấn mạnh rằng, không phải mãi đến năm 1948, Đảng và Nhà nước mới đặt ra vấn đề thi đua khen thưởng. Ngày 26/1/1946, bốn tháng sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, với tư cách là Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Quốc lệnh quy định 10 điểm thưởng và 10 điểm phạt. Quốc lệnh nêu rõ: "Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công"3.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lời Kêu gọi của Hồ Chủ tịch: Thi đua Ái quốc
(Ảnh nguồn: ảnh tư liệu) |
Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Quốc lệnh này chứng tỏ tầm quan trọng của việc thưởng phạt, và có thể coi đây là văn bản pháp lý đầu tiên về thi đua và khen thưởng. Tiếp đó, ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 84B Về việc tuyên dương công trạng hoặc tặng thưởng “Huy chương quân công” cho những người có công trong việc giành độc lập dân tộc cho nước Việt Nam. Ngày 17/9/1947, trong khi đất nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp vô cùng khó khăn, gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 83/SL Thành lập Viện Huân chương trực thuộc Phủ Chủ tịch để thực hiện việc khen thưởng.
Sau khi ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo dõi và chỉ đạo phong trào. Từ năm 1948 đến năm 1969, với tư cách là Chủ tịch nước, hàng năm, trong các thư chúc tết, trong các cuộc thăm viếng, trong các bài viết và nói tại các kỳ họp của Đảng, Chính phủ, các tổ chức đoàn thể quần chúng, nhất là trong các hội nghị, đại hội thi đua khen thưởng, Người đều nhắc đến vấn đề thi đua yêu nước và giáo huấn những vấn đề xung quanh nội dung thi đua và khen thưởng. Qua các sắc lệnh và hơn 30 bài viết và bài nói của Người tại các hội nghị có thể tóm lược Tư tưởng Thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện ở những nội dung sau:
Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, thi đua là động lực thúc đẩy phong trào cách mạng nhằm hoàn thành tốt mục tiêu đặt ra
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và mọi đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước chỉ biến thành sức mạnh vật chất một khi nó đi vào cuộc sống và được Nhân dân ủng hộ, thực hiện. Phát biểu trong buổi khai mạc Đại hội chiến sỹ thi đua, cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 1/5/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Thi đua là yêu nước, Thi đua là tinh thần quốc tế, Thi đua là góp sức giữ gìn hoà bình thế giới, Thi đua cải tạo con người. Câu nói của Người “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”4 trở thành bất hủ đối với chúng ta khi nói đến phong trào thi đua, khen thưởng.
Đến thời kỳ cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của thi đua. Người khẳng định: “Trên mọi lĩnh vực hoạt động ở miền Bắc, phong trào thi đua yêu nước đang động viên nhân dân ta phát huy nhiệt tình cách mạng và sức lao động sáng tạo, xây dựng hàng nghìn tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa...”; đồng thời Người kêu gọi đồng bào miền Bắc “mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”5.
Thi đua phải trở thành một phong trào rộng khắp, liên tục đối với tất cả mọi người và trên tất cả lĩnh vực của xã hội
Xác định Nhân dân là chủ thể của đất nước, cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm thi đua phải trở thành phong trào rộng lớn trong toàn dân, toàn xã hội. Ngay trong Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, Người đã chỉ rõ nhiệm vụ thi đua đối với từng tầng lớp, lứa tuổi như đối với các cụ phụ lão, các cháu nhi đồng, đồng bào phú hào, đồng bào công nông, đồng bào trí thức và chuyên môn, nhân viên Chính phủ, Bộ đội và dân quân.
Trong Bài nói tại Đại hội các chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 1/5/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên toàn dân và nêu ra một khẩu hiệu thi đua mà đến nay mọi người chúng ta đều ghi nhớ: “Người người thi đua. Ngành ngành thi đua. Ta nhất định thắng. Địch nhất định thua"6.
Đối với các tầng lớp nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có nội dung, khẩu hiệu để khuyến khích, thu hút mọi người vào phong trào thi đua yêu nước.
Đối với nông dân và mặt trận sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra khẩu hiệu rất có ý nghĩa, mang tính chất thơ để người nông dân dễ thuộc mà thực hiện: “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ, hậu phương thi đua với tiền phương”7. Đối với công nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào thi đua sản xuất “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, cuộc vận động “Ba xây, ba chống”, “Học tập Duyên Hải”…
Đối với quân đội, thời chống Pháp Người kêu gọi “Vệ quốc quân và dân quân du kích thì thi đua rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh quân đội. Các công binh xưởng thì thi đua chế tạo vũ khí cho nhiều, cho mau, cho tốt”; đến thời kỳ chống Mỹ, Người cổ vũ phong trào thi đua “Ba nhất” nhằm “Đạt thành tích Nhiều nhất, Đều nhất, Giỏi nhất”… Đối với phụ nữ, Người kêu gọi thực hiện phong trào “Ba đảm đang”; đối với thanh niên có phong trào “Ba sẵn sàng”; thiếu nhi có phong trào “Làm nghìn việc tốt”… Đối với tổ chức Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra nhiệm vụ thi đua xây dựng chi bộ, đảng bộ “Bốn tốt”, “để lãnh đạo nhân dân hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước”.
Thi đua trước hết là thi đua cải tạo con người, thi đua sản xuất phải gắn liền với tiết kiệm, chống quan liêu, tham ô, lãng phí
Nội dung thi đua được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập rất rộng, bao gồm nhiều vấn đề phong phú và đa dạng. Ngày 1/8/1949, trong Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị Tổng phản công, sau khi phân tích và nêu những thành công của phong trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra một khẩu hiệu nói rõ mục tiêu của thi đua, đó là: "Tất cả để chiến thắng. Chiến thắng giặc thực dân. Chiến thắng giặc dốt. Chiến thắng giặc đói. Chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta"8. Theo Người, điều quan trọng nhất của thi đua là phải thi đua cải tạo con người, cải tạo chính bản thân mình và mọi người xung quanh.
Tại Đại hội chiến sỹ thi đua, cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 1/5/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nội dung Thi đua cải tạo con người. Nội hàm của vấn đề này theo Người là: “Thi đua thì phải cải tạo con người”9, phải ra sức tìm tòi học hỏi. Do thi đua mà lao động trí óc gần gũi những người lao động chân tay và người trí thức trở nên hoàn hảo hơn.
Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng phong trào “Người mới, việc mới”, mà sau này gọi là “Người tốt, việc tốt”. Đến đầu năm 1968, Người đề nghị xuất bản loại sách này để phổ biến rộng rãi gương Người tốt, việc tốt cho toàn xã hội. Theo Người: "Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng". Người coi việc "Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới"10.
Vấn đề tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và chống bệnh quan liêu luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm và nêu ra trong hầu hết các bài viết và bài nói của Người. Vào tháng 3/1952, trong Lời kêu gọi nhân dịp phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Phải đặt phong trào sản xuất và tiết kiệm làm trung tâm của phong trào thi đua ái quốc...
Để thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm, các cơ quan, bộ đội, nhà máy, trường học... phải chống nạn tham ô, lãng phí. Phải sử dụng tiền của, sức lực và thời gian của nhân dân cho hợp lý. Phải chống bệnh quan liêu vì đó là nguồn gốc của nạn tham ô, lãng phí"11.
Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu và là người đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước
Với tư tưởng coi “cán bộ là đầy tớ của nhân dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kêu gọi cán bộ, đảng viên phải tiên phong trong lao động, sản xuất và chiến đấu, đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước. Người nói: “Các chiến sỹ thi đua, các cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải làm đầu tàu trong mọi việc, phải dẫn dắt người chậm tiến để cùng nhau tiến bộ”12. Người kêu gọi và tin tưởng: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” thì việc khó đến đâu cũng làm được.
Không chỉ kêu gọi, động viên cán bộ, đảng viên mà bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh, với cuộc sống khiêm tốn, giản dị, lao động không biết mệt mỏi là tấm gương sống cho các thế hệ người Việt Nam noi theo. Cuộc sống vô cùng giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng cho việc gương mẫu thi đua thực hành tiết kiệm của chúng ta.
Thi đua phải có nội dung phù hợp, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức; gắn thi đua với khen thưởng
Đây là một nội dung quan trọng của thi đua khen thưởng mà trong hầu hết các bài viết Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đề cập để chỉ đạo. Trong Thư gửi Thanh niên về thi đua ái quốc ngày 1/8/1951, Người căn dặn: “Thi đua phải có phương hướng đúng và vững… Phải có kế hoạch tỉ mỉ, kế hoạch ấy phải đi từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm… Kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mức… Thi đua phải có lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ… Thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian…”13.
Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: Trong lúc thi đua phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ sửa đổi. Sau đợt thi đua phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến rút kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người yếu kém14.
Cùng với việc kêu gọi, phát động thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc khen thưởng, vì theo Người có khen thưởng mới thúc đẩy được tinh thần thi đua, khơi dậy lòng yêu nước và phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. Không chỉ ra Quốc lệnh, các Sắc lệnh về thi đua khen thưởng mà Người còn chỉ đạo tổ chức các hội nghị, đại hội thi đua nhằm tổng kết, đánh giá, biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước; ký, tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua, gửi quà tặng cho các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.
Như vậy, từ khi ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc năm 1948 đến năm 1969, trong hầu hết các bài viết, bài nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đề cập đến vấn đề thi đua, kêu gọi cán bộ và Nhân dân phấn đấu hết sức mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phong trào thi đua yêu nước đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975.
Đánh giá về vai trò và ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước, tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X ngày 10/12/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Sự thành công trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta trong hơn 70 năm qua đã khẳng định giá trị đúng đắn, sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Có thể nói, mọi thành quả của cách mạng nước ta đều gắn liền với việc tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước”15.
2. Trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, coi đây là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị và của cả nước. Ngày 21/5/2004, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ra Chỉ thị số 39-CT/TW “Về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”. Tiếp đó, ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg “Về việc lấy ngày 11/6 hàng năm là Ngày Thi đua yêu nước”.
Ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc", trong đó nhấn mạnh: “Đổi mới việc tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở để đông đảo người dân tham gia, thực sự là chủ thể trong lao động sản xuất, sáng tạo, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc"16.
Trong việc phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội đóng vai trò rất quan trọng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII củ̉a Đảng đã chỉ rõ: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội”17.
Triển khai phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành những chương trình hành động cụ thể và thiết thực, bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, những mục tiêu kinh tế - xã hội trọng yếu của đất nước và của từng địa phương nhằm động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc phát động.
Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước lớn mà Mặt trận Tổ quốc phát động và vận động Nhân dân hưởng ứng là: Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo”, hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Phong trào "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng xuất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là một trong những cuộc vận động trọng tâm, lâu dài, toàn dân và toàn diện của Mặt trận. Cuộc vận động gồm các nội dung: Phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục, giải quyết việc làm, phòng chống tệ nạn xã hội, phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.
Được sự quan tâm lãnh đạo kịp thời của Đảng, phối hợp của Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các địa phương, cuộc vận động nhanh chóng được tổ chức triển khai sâu rộng đến cơ sở. Với phương châm lấy sức dân để chăm lo cho đời sống nhân dân, Ủy ban Mặt trận các cấp đã chủ trì hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên vận động Nhân dân huy động nguồn lực, hiến đất, hiến công xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng các cộng đồng dân cư văn minh và hạnh phúc.
Từ năm 2017, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, hàng năm vào ngày 17/10, Mặt trận Tổ quốc chủ trì phát động tháng cao điểm “Vì người nghèo” và phối hợp tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo”, qua đó kêu gọi, khơi dậy những tấm lòng nhân ái, nhiều nghĩa cử cao đẹp chung tay giúp đỡ người nghèo. Trong cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, vai trò của Mặt trận Tổ quốc được phát huy, uy tín được nâng cao, khối đại đoàn kết được củng cố và mở rộng, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận và Nhân dân ngày càng bền chặt.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, được toàn xã hội hưởng ứng ngày một sâu rộng. Thực hiện vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo hệ thống Mặt trận các cấp làm tốt vai trò tham mưu, phối hợp của cơ quan Thường trực về việc triển khai thực hiện Cuộc vận động ở các tỉnh, thành phố; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, các ngành chức năng thực hiện tốt công tác tuyên truyền và lồng ghép việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các phong trào thi đua yêu nước của các tổ chức chính trị - xã hội,… tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.
Với sự tham gia và vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc các cấp, qua hơn 10 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã kích thích nền kinh tế phát triển, nâng cao giá trị của hàng hoá trong nước và địa phương. Cuộc vận động đã tạo ra môi trường và tâm lý tích cực, kích thích việc tiêu thụ hàng hoá, khuyến khích phát triển kinh doanh, đồng thời đòi hỏi doanh nghiệp khẳng định rõ vai trò trách nhiệm, năng lực sản xuất kinh doanh của mình đối với người tiêu dùng thông qua chất lượng, uy tín, thương hiệu của sản phẩm.
Cùng với việc vận động Nhân dân tích cực tham gia vào các cuộc vận động, các phong trào thi đua kể trên, Mặt trận Tổ quốc các cấp còn vận động Nhân dân tham gia các quỹ, các phong trào mang tính xã hội. Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động, kêu gọi sự đóng góp của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các cơ quan, đơn vị, cá nhân, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Hoạt động của Quỹ đã góp phần chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách và người có công với cách mạng.
Công tác cứu trợ xã hội được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp quan tâm thực hiện kịp thời. Hàng năm, khi thiên tai bão lũ gây thiệt hại nặng nề về người và của ở các địa phương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra lời kêu gọi vận động ủng hộ, kịp thời đi thăm hỏi, động viên, cứu trợ trực tiếp đến địa phương và nhân dân vùng bị thiệt hại, giúp họ ổn định cuộc sống. Năm 2020 và năm 2021, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực, nhiều mặt đối với đời sống kinh tế và xã hội của Việt Nam cũng như đối với các nước trên thế giới.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch, nổi bật ở 3 lĩnh vực: tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống dịch; phát động, vận động Nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ công tác phòng, chống dịch; giám sát công tác phòng, chống dịch và giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Với tinh thần “Người người thi đua, Ngành ngành thi đua”, cùng với các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cũng tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của tổ chức mình.
Hội Nông dân Việt Nam phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có phong trào “Học tập sáng tạo vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, “Sáng tạo trẻ”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Hội Cựu chiến binh có phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế”.
Quân đội nhân dân phát động phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam duy trì phong trào “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Hội Khuyến học Việt Nam phát động phong trào “Thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời”. Hội Người cao tuổi Việt Nam triển khai “Chương trình người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Giáo hội Phật giáo Việt Nam có phong trào “Xây dựng chùa tinh tiến”; đồng bào Công giáo có cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư - sống tốt đời, đẹp đạo”...
Thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tuyên truyền, tập hợp, đoàn kết nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xóa đói, giảm nghèo; người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; thi đua lao động sáng tạo, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của Nhân dân; khơi dậy tình yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau từ mỗi cộng đồng dân cư, của người Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng chăm lo, giúp đỡ người nghèo, góp phần tăng cường củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phong trào thi đua yêu nước đã thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát động, tuyên truyền, tổ chức triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước còn những hạn chế nhất định. Sự chủ động phối hợp các ngành, các cấp, các địa phương, cơ sở chưa kịp thời, đồng bộ; các cuộc vận động, các phong trào thi đua ở một số địa phương chưa được duy trì thường xuyên, có nơi còn mang nặng tính hình thức hoặc chạy theo thành tích; nội dung, hình thức tổ chức các phong trào thi đua chưa thực sự đổi mới; công tác xây dựng, nhân điển hình, biểu dương, khen thưởng còn hạn chế.
Để đưa phong trào thi đua yêu nước đi vào chiều sâu và hiệu quả, tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X ngày 10/12/2020, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Phong trào thi đua yêu nước trong thời gian tới cần phải hướng tới việc cổ vũ các bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng tốt các cơ hội, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu… để đưa đất nước tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, ngày càng phát triển, phấn đấu thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025)”18.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001, tập 7, tr. 108.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 556.
3. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 189.
4,8,14. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 6, tr. 473, 171, 169-170.
5. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 14, tr. 278.
6,7,9,11,13. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 410, 44, 408, 349-350, 146.
10. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr. 672.
12. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 517.
15. Báo Nhân dân, ngày 11/12/2020, tr. 2.
16. Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc".
17. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, tr. 172.
18. Báo Nhân dân, ngày 11/12/2020, tr. 2.
NGUYỄN VĂN NHẬT - Phó Giáo sư, Tiến sỹ,
Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam