Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo tiên phong trong sự nghiệp đổi mới

Với tài năng, nhân cách và sự cống hiến to lớn qua suốt hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Chí Công xứng đáng là người chiến sỹ cách mạng kiên cường, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và Nhà nước, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Đồng chí Võ Chí Công - một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bản lĩnh của người cộng sản Võ Chí Công không chỉ được tôi luyện trong cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù, mà còn thể hiện rõ nét trong sự nghiệp đổi mới, khi dám vượt lên những định kiến, thói quen, sự lạc hậu, trì trệ; dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân để đổi mới, sáng tạo, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới – thời kỳ Đổi mới. Trong đó, dấu ấn rõ nét nhất của sự tiên phong, đột phá sáng tạo của đồng chí là trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp và công tác lập pháp, lập hiến khi trực tiếp phụ trách những lĩnh vực hết sức quan trọng này .

ĐỒNG CHÍ VÕ CHÍ CÔNG VỚI CHÍNH SÁCH KHOÁN TRONG NÔNG NGHIỆP

Đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước trong điều kiện vô cùng khó khăn. Chiến tranh kéo dài để lại hậu quả nặng nề trên tất cả các mặt. Thêm vào đó là việc kéo dài cơ chế tập trung bao cấp trong điều kiện mới đã làm cho khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra sâu sắc trên phạm vi cả nước.

Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Võ Chí Công được Đảng và Nhà nước phân công giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam. Đồng chí luôn trăn trở với tình hình sản xuất đang trì trệ và đau đáu tìm câu trả lời cho hiện trạng nền sản xuất nông nghiệp vốn có nhiều lợi thế của đất nước. Với tinh thần thật sự cầu thị và sâu sát thực tiễn, đồng chí quyết định đi đến các hợp tác xã “khoán chui” ở Hải Phòng, Vĩnh Phú…, ra đồng ruộng lắng nghe ý kiến, xem cách làm của xã viên. Từ khảo sát thực tế ở các địa phương, đồng chí nhận thấy cơ chế quản lý của mô hình kinh tế tập thể “hợp tác xã” đã trở thành lực cản của kinh tế nông nghiệp. Do đó, tiến hành cải cách trong nông nghiệp, trước hết là cải cách  cơ chế quản lý cũ đã trở thành yêu cầu cấp bách, tất yếu. Trong đó, vấn đề đầu tiên được đồng chí nêu ra là khoán ruộng đất cho xã viên bởi “khoán sẽ giải quyết được lợi ích cho người lao động, tạo ra động lực cho sản xuất; động cơ lợi ích của người lao động đạt được thì sẽ xóa được tiêu cực”(1). Tuy nhiên từ nhận thức đến việc thực hiện trong thực tế là cả một quá trình, cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới bao giờ cũng quyết liệt. “Khoán chui” lúc này bị lên án gay gắt, cho là chống chủ nghĩa xã hội ở nông thôn, là chống Đảng. Một số cơ quan tham mưu, quản lý ở Trung ương coi những nơi đang khoán sản phẩm là bất hợp pháp. Một số địa phương kỷ luật nghiêm khắc bất kỳ đảng viên, cán bộ nào ủng hộ khoán sản phẩm. Mặt khác, khoán chui trên thực tế dù đem lại hiệu quả rõ rệt, nhưng là việc làm tự phát của nông dân, do vậy cần có sự chỉ đạo, theo dõi chặt chẽ, đánh giá khách quan, tổng kết thực tiễn để đề xuất Trung ương có chủ trương đúng. Từ suy nghĩ đó, bên cạnh việc tiến hành tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm về “khoán chui” ở nhiều địa phương đồng bằng sông Hồng như Hải Phòng, Hà Nam Ninh…., đồng chí Võ Chí Công chỉ đạo việc làm thí điểm khoán đến người lao động ở hợp tác xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phú; sau đó, chỉ đạo Bộ Nông nghiệp cử cán bộ xuống thống nhất với tỉnh, huyện cách làm cụ thể để triển khai.

Là người trực tiếp chỉ đạo ngành nông nghiệp, đồng chí Võ Chí Công không chỉ tỏ rõ thái độ đồng tình, ủng hộ cách làm mới mà đã đứng ra nhận trách nhiệm về mình: Trên lĩnh vực này tôi phụ trách, nếu khoán mới không đem lại hiệu quả, tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn với Đảng và nhân dân. Đồng chí khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội không thể chấp nhận khoán việc vì đã là Chủ nghĩa xã hội cách làm ăn phải do dân tự nguyện lựa chọn, phải mang lại no ấm, hạnh phúc cho dân. Chỉ có khoán sản phẩm, khoán chui mới phù hợp với Chủ nghĩa xã hội vì bất cứ đâu khoán chui thu nhập của xã viên cũng hơn hẳn khoán việc, vậy tại sao lại gắn khoán việc, mà nông dân coi như cái cùm trên vai với Chủ nghĩa xã hội, với Chủ nghĩa Mác - Lênin”(2). Trong nhiều cuộc họp, hội nghị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ… khi có nhiều ý kiến trái chiều về khoán sản phẩm, đồng chí đã kiên trì giải thích, thuyết phục bằng những con số cụ thể, bằng thực tế của sự thay đổi rõ rệt ở những hợp tác xã khoán sản phẩm, với nguyện vọng tha thiết và nhu cầu tất yếu của người nông dân muốn được “cởi trói”, được “xé rào” để được quyền tự chủ trong sản xuất; qua đó chứng minh việc khoán sản phẩm đến người lao động là phù hợp với quy luật kinh tế khách quan trong bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đồng chí đề nghị Đảng cần chủ động công nhận khoán sản phẩm để mở đường cho sản xuất phát triển và đáp ứng nhu cầu chính đáng của nông dân.

Từ kết quả làm thí điểm và căn cứ vào tình hình thực tế, khi kể cả ở những địa phương bị ngăn cản quyết liệt, khoán sản phẩm vẫn chiếm hơn nửa số hợp tác xã, đồng chí Võ Chí Công đề nghị Ban Bí thư ra Thông báo số 22 (ngày 22/10/1980) để ổn định sản xuất, xác định tính pháp lý của khoán mới, đảm bảo quyền lựa chọn cách khoán việc hay khoán sản phẩm của xã viên. Trong các Hội nghị, trước ý kiến cho rằng việc khoán sản phẩm sẽ đưa nông thôn theo con đường tư bản chủ nghĩa, đồng chí Võ Chí Công đã phân tích tình trạng trì trệ, bế tắc, tiêu cực trong các hợp tác xã và chỉ ra nguyên nhân của tình trạng đó là do cơ chế khoán việc đã không còn phù hợp với thực tiễn sản xuất. Khoán sản phẩm từ trong quần chúng nông dân mà ra, trở thành phong trào quần chúng, muốn ngăn cấm cũng không được. Bài học về gần dân, lắng nghe dân, nắm bắt nguyện vọng chính đáng của nhân dân được đồng chí nêu ra để minh chứng đầy thuyết phục cho việc phải thay đổi cơ chế quản lý lạc hậu, xa rời thực tiễn cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân.

Từ kết quả trong thực tiễn, ngày 13-1-1981, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 100/CT-TW về cải tiến công tác khoán, “mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp, do đồng chí Võ Chí Công là người trực tiếp xây dựng dự thảo. Cốt lõi của Chỉ thị 100 là “bước đầu tạo ra cơ chế quản lý mới để hộ xã viên phát huy quyền làm chủ sản xuất kinh doanh, tạo động lực bằng lợi ích kinh tế, kích thích họ bỏ vốn, sức lao động, đẩy mạnh phát triển sản xuất, đây cũng là khâu đột phá để chuyển cơ chế quản lý hợp tác xã từ mô hình cũ từng bước sang mô hình mới”(3). Tuy đây mới chỉ giải pháp tình thế, chưa phải là hình thức mới về tổ chức quản lý nông nghiệp, mà chỉ là cải tiến hình thức khoán, từ khoán việc sang khoán sản phẩm, nhưng đã tạo ra bước phát triển mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các hộ đẩy mạnh sản xuất để thu phần vượt khoán, dấy nên khí thế lao động sôi nổi ở nông thôn. Chỉ thị 100 vừa ra đời đã có hiệu quả rõ rệt trong thực tế, nhưng vẫn gặp không ít ý kiến phản đối gay gắt, xem “khoán kiểu này là phá hợp tác xã, xóa bỏ thành quả 20 năm xây dựng hợp tác xã…thậm chí là phá hoại cơ sở xã hội chủ nghĩa ở nông thôn và đi đến xét lại”(4). Mặc dù vấp phải nhiều ý kiến phản đối, nhưng đồng chí vẫn kiên trì quan điểm và tích cực bám sát thực tiễn để tìm những hình thức, biện pháp phù hợp. Từ năm 1982, trên cương vị Thường trực Ban bí thư, đồng chí Võ Chí Công chỉ đạo Ban Nông nghiệp Trung ương soạn thảo nhiều chỉ thị để cụ thể hóa và dần hoàn thiện các hình thức, mô hình cơ chế khoán sản phẩm. Đó là Chỉ thị 19 về điều chỉnh ruộng đất, đẩy mạnh cải tạo nông nghiệp miền Nam; Chỉ thị 25 về việc khuyến khích và hướng dẫn phát triển kinh tế gia đình; Chỉ thị 50 về việc kiện toàn và nâng cao chất lượng các đơn vị quốc doanh sản xuất…

Sau Đại hội VI, đồng chí Võ Chí Công đã đảm nhận trọng trách là Trưởng ban Tiểu ban nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và có đóng góp quan trọng cho sự ra đời Nghị quyết số 10-NQ/TW về Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp vào năm 1988. Nội dung chính của Nghị quyết 10 là thực hiện khoán ruộng đất ổn định cho hộ nông dân tới 15 năm, nhiều loại tư liệu sản xuất quan trọng được giao cho xã viên, xã viên được chủ động thực hiện các khâu canh tác, hợp tác xã chuyển sang làm dịch vụ theo yêu cầu của xã viên, xã viên được tự do sử dụng và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường ngoài chi phí cho hợp tác xã và thuế cho Nhà nước. Như vậy, đến khoán 10, quyền tự chủ của nông dân trên cả ba mặt sở hữu, quản lý, phân phối được mở rộng hơn. Hình thức khoán hộ vốn không được nhắc đến trong Chỉ thị 100, đến Nghị quyết 10 đã được công khai thừa nhận và khuyến khích. Tình trạng bất hợp lý trong mối quan hệ lợi ích giữa lao động và phân phối khi hộ xã viên là người trực tiếp làm ra của cải nhưng không có quyền gì, còn ban quản trị hợp tác xã thì lại thao túng tất cả về cơ bản được xóa bỏ. Lợi ích của người lao động được bảo đảm, bởi vậy tạo nên động lực mạnh mẽ cho nông dân sản xuất và thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Cùng với thực hiện khoán 10 là sự đổi mới toàn bộ cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, đổi mới hoạt động kinh tế - xã hội ở nông thôn theo hướng từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ vậy, trong một thời gian ngắn, từ chỗ thiếu lương thực triền miên, sản xuất nông nghiệp đã đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước và trở thành một trong những nước xuất khẩu nhiều lúa gạo trên thế giới.

ĐỒNG CHÍ VÕ CHÍ CÔNG VỚI CÔNG TÁC LẬP HIẾN, LẬP PHÁP

Khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới toàn diện, đến tháng 4 năm 1987, đồng chí Võ Chí Công được tin tưởng giao trọng trách là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Trên cương vị mới, đồng chí đã chỉ đạo sát sao, tích cực và có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế –xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại, đặc biệt là trên lĩnh vực lập hiến và lập pháp.

Hiến pháp năm 1980 được ban hành trong bối cảnh đất nước hòa bình, thống nhất, là bản Hiến pháp của thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, do tư duy, cơ chế cũ và việc áp dụng máy móc mô hình Hiến pháp Liên Xô nên bản Hiến pháp này đã bộc lộ nhiều hạn chế như chủ quan, duy ý chí về con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở một nước nông nghiệp lạc hậu, vừa ra khỏi chiến tranh như Việt Nam. Qua mười năm hoạt động, mô hình tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tập quyền cao độ đã làm cho bộ máy nhà nước cồng kềnh và trì trệ. Không có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng dẫn đến các cơ quan khó có thể hoạt động một cách độc lập, tự chủ, có hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt trước sự khủng hoảng, sau đó là sụp đổ của hệ thống chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô, thì việc đổi mới tư duy và sửa đổi Hiến pháp năm 1980 là một đòi hỏi tất yếu. Nhận thức rõ yêu cầu này, Quốc hội khoá VIII đã ra Nghị quyết thành lập Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980 do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công làm Chủ tịch. Đảm trách nhiệm vụ trọng đại, với tinh thần trách nhiệm cao trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội, đồng chí Võ Chí Công đã huy động lực lượng chuyên gia, các nhà khoa học để thành lập các tiểu ban nghiên cứu từng chuyên đề, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng các bản Hiến pháp trước đó và kinh nghiệm xây dựng Hiến pháp ở các nước tiên tiến. Bên cạnh đó, đồng chí chỉ đạo phân công cán bộ đi đến cơ sở, lắng nghe cặn kẽ, thấu đáo ý kiến của các ban ngành, các địa phương, các tầng lớp nhân dân. Với tầm tư duy chiến lược và đúc rút từ khảo sát thực tiễn, đồng chí nêu ý kiến chỉ đạo về việc sửa đổi Hiến pháp. Đó là tiếp tục khẳng định định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng phải sự điều chỉnh cho sát hợp với chặng đường đầu của thời kỳ quá độ dưới ánh sáng của đường lối đổi mới; giữ vững bản chất giai cấp của Nhà nước, giữ vững nguyên tắc tập quyền nhưng phải tiếp thu hợp lý yếu tố sự phân công, kiểm soát quyền lực nhà nước; nhất quán quan điểm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, tiếp tục đổi mới việc thể chế hóa các quyền tự do, dân chủ của công dân theo hướng quyền con người được khẳng định không tách rời địa vị công dân, quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và toàn xã hội nhưng phải phân định rõ ràng chức năng của tổ chức đảng và chức năng của cơ quan nhà nước.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước đang có những biến động phức tạp, nhất là sau sự kiện Liên Xô sụp đổ, trên cương vị Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, đồng chí Võ Chí Công đã kiên trì giữ vững những nguyên tắc cơ bản về dân chủ, dân quyền, pháp quyền xã hội chủ nghĩa và kiên quyết sửa đổi những điều khoản không còn phù hợp với công cuộc đổi mới. Mặc dù vẫn đảm bảo quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng nội dung Hiến pháp năm 1992 đã thừa nhận sự “phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực thi các quyền lập pháp, hành pháp, và tư pháp” (điều 2). Tiếp thu quan điểm “thần linh pháp quyền” của Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trong Hiến pháp chính thức ghi nhận khái niệm nhà nước pháp quyền, đặt quyền lực nhà nước dưới sự ràng buộc của quyền lực pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Cơ chế kiểm soát quyền lực của Quốc hội thông qua bỏ phiếu tín nhiệm được ghi nhận từ Hiến pháp 1946 được quy định trong điều 84 của Hiến pháp mới. Theo đó, Quốc hội có quyền bỏ phiếu tín nhiệm và dẫn đến việc bãi nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Hiến pháp 1992 sử dụng khái niệm quyền con người với nội dung chính trị pháp lý rộng hơn để phản ánh giá trị của một cá nhân trong mối quan hệ với Nhà nước. Trong bản Hiến pháp này, các quyền chính trị, quyền về kinh tế... được mở rộng hơn; được tôn trọng và bảo vệ bằng pháp luật, cũng như quy định trách nhiệm của nhà nước trong việc ghi nhận và đảm bảo trên thực tế các quyền công dân, quyền con người. Điều 53 Hiến pháp 1992 đã "phục hồi" lại quyền biểu quyết của công dân khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Trong lĩnh vực kinh tế đáng chú ý là quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tư nhân….

Bản Hiến pháp năm 1992 thể hiện rõ nét sự đổi mới trong tư duy đối ngoại của Đảng và Nhà nước, khi sửa đổi Lời nói đầu và ghi nhận: "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị, xã hội khác nhau, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi” (Điều 14)

Với những nội dung quan trọng trên, Hiến pháp năm 1992 là cột mốc quan trọng của lịch sử lập hiến Việt Nam, là nền tảng để hoàn thiện các hệ thống pháp quyền, là cơ sở vững chắc để thực thi các chức năng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, đồng thời tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho việc mở rộng và phát triển chính sách kinh tế, ngoại giao của Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Sự ra đời của Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ Đổi mới, như đồng chí Võ Chí Công đã khẳng định là kết quả của quá trình đấu tranh xây dựng, và chống những quan điểm và tư tưởng sai trái trong toàn Đảng, toàn dân, giữa đổi mới và bảo thủ, giữa mở rộng dân chủ và tập trung quan liêu, giữa nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi công dân, v.v.. ; kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm đòi đưa vào Hiến pháp mới những nội dung của thể chế nhà nước pháp quyền kiểu tư bản chủ nghĩa, thực hiện chế độ tam quyền phân lập hoặc không muốn đưa vào Hiến pháp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản… Đây là thành tựu to lớn của toàn dân, toàn Đảng trong đó nổi bật vai trò của Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, đồng chí Võ Chí Công

Trong nhiệm kỳ này, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Chí Công, Quốc hội đã thông qua 31 luật, bộ luật: Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hàng hải, Luật tổ chức Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật đất đai, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, v.v. và 60 Nghị quyết. Hội đồng Nhà nước đã xem xét, thông qua 43 pháp lệnh như: Pháp lệnh về lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam, Pháp lệnh về lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam, Pháp lệnh về kế toán và thống kê, Pháp lệnh về lao động công ích, Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân, v.v..

Bên cạnh đó, Quốc hội tăng cường công tác giám sát, đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, cải tiến lề lối làm việc, thực hiện dân chủ trong sinh hoạt của Quốc hội nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đại biểu nhân dân. Hoạt động của Quốc hội đã đi vào thực chất, thực hiện đầy đủ, có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, từng bước xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Không phải ngẫu nhiên khi cả nước bắt đầu triển khai công cuộc đổi mới chưa có tiền lệ, đầy gian nan, thử thách, đồng chí Võ Chí Công lại được tín nhiệm trao trọng trách Chủ tịch Hội đồng Nhà nước để tổ chức triển khai đổi mới các hoạt động của Hội đồng nhà nước và sau đó trong vai trò Trưởng ban Ủy ban sửa đổi Hiến pháp nhằm thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng bằng Hiến pháp, pháp luật. Với trí tuệ, bản lĩnh của người cộng sản tiên phong dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng chí Võ Chí Công đã rất thành công trên vị trí và lĩnh vực công tác của mình, góp phần quan trọng đưa đất nước từng bước thoát khỏi khủng khoảng, vượt qua biến động chính trị lớn thế giới những năm đầu thập kỷ 90, tạo nền tảng vững chắc và mở đường cho tiến trình phát triển, hội nhập quốc tế của nước ta.  

Theo TS. Lê Thị Hằng- Nguyễn Thị Hà/Tạp chí Tuyên giáo

---------------

(1) Võ Chí Công: Trên những chặng đường cách mạng, Nxb CTQG, H, 2001, tr. 296.

(2) Tỉnh ủy Quảng Nam: Võ Chí Công Người con ưu tú của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, 2008, Tr. 473

(3) Võ Chí Công: Trên những chặng đường cách mạng, Sđd, tr. 301.

(4) Võ Chí Công: Trên những chặng đường cách mạng, Sđd, tr. 298

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều