Bức khảm sơn mài lưu lạc gần thế kỉ

Năm 2015, trên mạng internet có tin rao bán một bức tranh khảm sơn mài liên quan đến đề tài tôn giáo. Chủ nhân cho biết, hiện ở Paris, Pháp nhưng không có ảnh kèm nên không biết mặt mũi bức tranh ra sao, chỉ nghe nói, bức tranh còn khá tốt.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - cựu chủng sinh Tiểu chủng viện thánh Giuse Sài Gòn khóa 68 lập tức liên hệ, nhưng chủ nhân bức tranh rao bán lại không hồi âm. Năm 2016, nhân có chuyến công du qua Pháp, đến Paris thì tàu chở ông Thắng gặp sự cố phải dừng lại. Ông tìm quán ăn trưa. Khi thấy địa chỉ của quán ăn đúng với địa chỉ người rao bán bức tranh. Ông dò hỏi thì được biết chủ nhân bức tranh đó liền quán ăn, chỉ cách đúng 2 số nhà. Ông lập tức đi tìm. Chủ nhân bức tranh cũng hơn 70 tuổi, thấy ông Thắng cũng có tuổi, lại họ Nguyễn nên cho rằng có sự liên hệ với bức tranh.

Ông chủ bức tranh cho biết, ông mua bức tranh này từ một cụ già sắp qua đời ở làng ngoại thành Paris cách đây hơn 30 năm, tức những năm 80 của thế kỷ trước. Trông bức tranh khảm sơn mài óng ánh, ông định dùng để ghép vào chiếc bàn uống trà bị hỏng mặt bàn.  Về nhà, ông đặt bức tranh lên mặt bàn và cắt tấm kính che phía trên. Gần đây, tấm kính bị đứa cháu đánh vỡ, hơn nữa cái bàn cũng cũ quá rồi nên ông quyết định bỏ cả đi. Nhưng khi đưa lên xe chở rác, thấy bức tranh ánh lên màu cầu vòng, ông lại giữ bức tranh và rao bán.

Thấy bức tranh khảm sơn mài (ảnh trên), ông Thắng cho là bức tranh quý. Bức tranh được khảm bằng vỏ trai tự nhiên. Trên cùng là dòng chữ: Việt Nam Giám mục tiên khởi Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng. Phía dưới là dòng chữ: Linh mục địa phận Phát Diệm đồng bái. Ở giữa là hình ảnh và khẩu hiệu của vị Giám mục đầu tiên của Việt Nam được tấn phong năm 1933 - Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng: Hãy châm rễ sâu trong lòng dân ta đã chọn. Ông Thắng lập tức xin mua lại bức tranh để giữ lại một báu vật và mang về Việt Nam.

Ngày 1/5/2018, đúng ngày lễ kính thánh Giuse và cũng là ngày kỷ niệm 50 năm của khóa học 68 Chủng viện thánh Giuse mà các chủng sinh quen gọi là gia đình Ex Luro 68 (Ex là nơi hay cơ sở, còn Luro là tên phố xưa Tiểu Chủng viện thánh Giuse tọa lạc). Nhân dịp này, ông Nguyễn Toàn Thắng đã thay mặt anh em trong gia đình Ex Luro 68 trao tặng lại bức tranh quý cho Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng - Giám quản Tông tòa Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh - cũng là thành viên của gia đình Ex Luro 68 (ảnh dưới).

Phát biểu với anh em trong gia đình Ex Luro 68, Đức cha Giuse nói: Đây là bức tranh quý, nó ghi lại tình cảm của các linh mục trong Giáo phận Phát Diệm với vị Giám mục tiên khởi - một biến cố trọng đại với lịch sử phát triển của Giáo hội Việt Nam là Giáo hội đã trưởng thành sau 400 năm đón nhận Tin Mừng đã có người Việt được bổ nhiệm là Giám mục. Tôi thay mặt gia đình Ex Luro 68 nhận bức tranh quý giá này và sẽ trao lại cho gia đình Phát Diệm là Đức cha Giuse Nguyễn Năng - Giám mục Giáo phận và cũng là người anh trong gia đình Ex Luro 68. Như vậy bức tranh quý lưu lạc gần thế kỷ đã quay về với chủ.

Đức Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng sinh ngày 7/8/1868 ở Gò Công (Tiền Giang ngày nay). Khi vào Tiểu Chủng viện được linh mục J. Depurre quý mến và đỡ đầu. Lúc linh mục J. Depurre làm Giám mục Sài Gòn thì Nguyễn Bá Tòng cũng vừa tốt nghiệp Đại Chủng viện nên được truyền chức linh mục năm 1896 và bổ nhiệm làm quản lý Nhà chung. Thời gian này, linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng có nhiều hoạt động bảo trợ các linh mục yêu nước tham gia phong trào Đông Du bị kết án lưu đầy như Đậu Quang Lĩnh, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Thần Đồng. Năm 1922, Thượng thư Nguyễn Hữu Bài gửi thư cho Đức Piô XI xin lập hàng giáo phẩm Việt Nam, Tòa Thánh đã cử đặc sứ sang khảo sát. Đức Giám mục Alexandre Marcou (Thành) của Phát Diệm đã tiến cử linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng và Tòa Thánh đã ra sắc chỉ bổ nhiệm ngày 10/01/1933. Lễ tấn phong được cử hành tại đền thánh Phêrô do chính Đức Piô XI chủ sự.

Theo Bích Hải / Báo Người Công giáo Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều