Chiến dịch Phòng không tháng 12 năm 1972 - Sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc và những vấn đề cần vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

(Mặt trận) - 50 năm nhìn lại, vào cuối tháng 12/1972, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, quân và dân ta, trong đó Bộ đội Phòng không - Không quân làm nòng cốt đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố ở miền Bắc, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Thắng lợi đó thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và bài học về xây dựng “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Bộ Quốc phòng giới thiệu Hội thảo khoa học với chủ đề: Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972" - sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". ẢNH: PV 
Tầm vóc, ý nghĩa lịch sử chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng chiến thắng của Chiến dịch phòng không tháng 12/1972 vẫn còn nguyên trong ký ức của mỗi người Việt Nam. Chiến thắng đó đã giáng đòn quyết định vào nỗ lực cuối cùng của nhà cầm quyền Mỹ. Cùng với cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam năm 1972, chiến công vang dội trong trận quyết chiến chiến lược “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972 đã buộc Chính phủ Mỹ trở lại Hội nghị Paris, phải chấp nhận ký vào bản Hiệp định ngày 27/1/1973, cam kết “tôn trọng độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”, chấm dứt ném bom miền Bắc, rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. Ta đã thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút” để tiến tới “đánh cho Nguỵ nhào” giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975.

Chiến thắng của Chiến dịch Phòng không tháng 12/1972 đã ghi vào lịch sử Việt Nam trang sử vàng chói lọi, một kỳ tích có một không hai, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng và bản lĩnh, tầm cao trí tuệ con người Việt Nam; khẳng định vai trò lãnh đạo xuất sắc và to lớn của Đảng, Nhà nước ta; là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đây là bài học quý giá nhất rút ra từ sức mạnh đoàn kết toàn dân, từ xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Đối với Hà Nội, chiến thắng này mãi mãi là niềm tự hào bất diệt, một biểu tượng rực rỡ của hào khí Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến anh hùng. Hà Nội là địa chỉ của niềm tin, của ý chí quyết chiến, quyết thắng.

Về quy tụ lực lượng và sức mạnh đoàn kết, ý chí, quyết đánh thắng kẻ thù xâm lược

Ngay từ khi thành lập Quân chủng Phòng không - Không quân ngày 22/10/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Tư lệnh và Chính ủy Quân chủng: “Phải phát huy được sức mạnh sau khi hợp nhất, sẵn sàng cùng các lực lượng vũ trang nhân dân đập tan mọi âm mưu đen tối của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa…”1. Theo lời căn dặn của Bác, mỗi cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Phòng không - Không quân từ vị Tư lệnh cho đến người phi công, trắc thủ ra đa hay người chiến sĩ ngồi trên mâm pháo, tất cả “đều phải tôi luyện ý chí, quyết tâm, nắm vững nghệ thuật đánh địch trên không, bảo vệ bầu trời Tổ quốc”2.

Ngay sau khi Mỹ đưa máy bay chiến lược B-52 vào chiến trường Việt Nam, ngày 19/7/1965, trong một lần đến thăm Bộ đội Phòng không - Không quân chuẩn bị chiến đấu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “B” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh mà đã đánh là nhất định thắng!”3. Lời Bác căn dặn đã truyền thêm sức mạnh cho quân và dân ta. Ngày 12/4/1966, đế quốc Mỹ đã cho B-52 ra đánh đèo Mụ Giạ ở khu vực Vĩnh Linh và sau đó mở rộng đánh phá các trọng điểm giao thông trên địa bàn Quân khu 4 nhằm phá hoại, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho cách mạng miền Nam.

Tháng 6/1966, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thống nhất chủ trương: “Sớm đưa tên lửa phòng không vào nam Quân khu 4 để nghiên cứu đánh B-52”. Người căn dặn: “Muốn thắng địch thì phải hiểu địch, nắm chắc địch, muốn bắt cọp phải vào tận hang”4. Vâng lời Bác, Thường vụ Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã thống nhất kế hoạch đưa Trung đoàn tên lửa 238 vào tuyến lửa Vĩnh Linh để đón đánh B-52. Tháng 8/1966, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bác, Quân chủng đã bí mật đưa lực lượng tên lửa và rađa vào chiến trường Vĩnh Linh, trực tiếp nghiên cứu, tìm hiểu tính năng kỹ chiến thuật, nghiên cứu quy luật hoạt động, cách đánh phá của B-52, từ đó tìm ra cách đánh B-52 thích hợp. Những kinh nghiệm phát hiện B-52 trong “nhiễu” và các “bí quyết” bắn rơi B-52 đã được Bộ tham mưu Quân chủng viết thành tài liệu đánh B-52.

Với sự chủ động, sáng tạo về nghệ thuật quân sự, qua nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi cách đánh máy bay B-52; các lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là Bộ đội Phòng không - Không quân và nhân dân miền Bắc, nhất là quân dân Thủ đô Hà Nội đã phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân, hợp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng. Ngay từ trận đầu ra quân, đêm 18/12/1972, quân và dân ta đã bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay B.52”, mở màn cho những thắng lợi vang dội trong những trận đánh sau đó. Suốt 12 ngày đêm, “vòng cung lửa” Hà Nội, Hải Phòng đã sát cánh cùng các địa phương ở miền Bắc bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B.52; bắt sống 43 giặc lái. Quân và dân Thủ đô đã bắn rơi 30 máy bay Mỹ, bao gồm 23 chiếc máy bay B-52. Đây được coi là tổn thất lớn chưa từng thấy về máy bay chiến lược B-52 của Mỹ (chỉ tính riêng B-52) đã lên tới 17% (34/193 chiếc).

Chiến thắng của quân và dân ta thực sự đã đập tan âm mưu xâm lược của kẻ thù, làm chấn động thế giới. Sau này, Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy không quân chiến lược Mỹ George Etter thú nhận trên Tạp chí Không lực Hoa Kỳ: “Tổn thất về máy bay chiến lược B-52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm góc”5. Trong hồi ký của mình, Tổng thống Mỹ Nixon viết: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B-52 quá nặng nề”6.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” khẳng định đường lối đúng đắn, tài thao lược của Đảng ta, được biểu hiện cụ thể ở nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không độc đáo, sáng tạo. Chiến thắng đó là biểu tượng rực rỡ về bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện sâu sắc tầm cao trí tuệ, bản lĩnh, ý chí, truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại đó có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, nhất là về quân sự và ngoại giao, góp phần quyết định vào việc thực hiện chiến lược “đánh cho Mỹ cút”, tiến đến “đánh cho Ngụy nhào”, thống nhất đất nước, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động khó lường. Bởi vậy, “đòi hỏi toàn Đảng, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, có quyết tâm chính trị cao, dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình, chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống, nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả đã đạt được, đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”7. Theo đó, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp cùng các tổ chức chính trị - xã hội kịp phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Những bài học cần phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” để lại những bài học quý giá về sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân cần được vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thứ nhất, về sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược sáng suốt của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng: Sớm phân tích, đánh giá đúng tình hình địch, ta; hạ quyết tâm chiến lược chính xác, kịp thời; khoa học, toàn diện và thực tiễn, không chỉ đánh giá lực lượng quân sự mà đánh giá toàn diện trên các mặt quốc phòng, an ninh, chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh thời đại cả ở trong nước và thế giới, đánh giá đúng quan hệ giữa thời cơ và điều kiện.

Trước và trong chiến dịch, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về tập trung chỉ đạo sát sao các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân cũng như toàn thể nhân dân miền Bắc, nhân dân Thủ đô Hà Nội nhận thức đúng đắn âm mưu, thủ đoạn của địch, tính chất gay go, ác liệt của cuộc đối đầu lịch sử, từ đó củng cố quyết tâm chiến đấu, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Trong điều kiện hạn chế về vũ khí, trang bị kỹ thuật, quân dân cả nước, nhất là quân dân Thủ đô Hà Nội đã vượt khó, tìm tòi, sáng tạo, đoàn kết, chi viện lẫn nhau để đánh thắng pháo đài bay B.52 của Mỹ.

“Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” trong mối quan hệ máu thịt cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến thắng lợi. Chiến thắng của quân dân ta dưới sự chỉ đạo kịp thời, chặt chẽ của Trung ương, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, sự giúp đỡ hết sức quan trọng của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và đặc biệt là sự hiệp đồng chiến đấu giữa các địa phương, các tỉnh, thành phố không chỉ chia lửa với Hà Nội, mà còn chia sẻ những khó khăn của đồng bào Thủ đô trong những ngày sơ tán. Trong mối quan hệ chặt chẽ đó, đồng bào các dân tộc của tỉnh Hà Tây, Hòa Bình, Bắc Giang,… đã thực hiện tốt vai trò vừa là áo giáp chở che, vừa là hậu phương chiến lược vững chắc cho quân dân Thủ đô chiến đấu. Đó là bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, là nguồn sức mạnh tổng hợp động viên quân dân Hà Nội kiên cường vượt qua mọi thử thách, đánh thắng mọi bước leo thang đánh phá của kẻ thù.

Thứ hai, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân vững chắc. Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng - Những thành phố đông dân với nhiều công trình, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp quan trọng, là nơi tập trung các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Vì vậy, nếu xảy ra chiến tranh, Hà Nội, Hải Phòng có thể sẽ là một trong các mục tiêu hàng đầu của cuộc tập kích đường không của địch. Trong điều kiện như vậy, nếu công tác phòng không nhân dân của ta không được chuẩn bị tốt sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề, thương vong lớn, thiệt hại vật chất nhiều, nhân dân hoang mang. Do vậy, trong kế hoạch phòng thủ thành phố, đi đôi với kế hoạch sử dụng bộ đội chủ lực đánh trả tập kích đường không của địch phải có kế hoạch phòng thủ dân sự tốt, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Thứ ba, xây dựng lực lượng phòng không ba thứ quân, nòng cốt là Bộ đội Phòng không - Không quân, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; có số lượng và cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Hoàn thiện hệ thống tổ chức, biên chế, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, tập trung xây dựng lực lượng vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, tạo bước chuyển về trình độ, khả năng tác chiến, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện kỷ luật, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học - nghệ thuật quân sự. Tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp, có số lượng hợp lý, chất lượng ngày càng cao.

Thứ tư, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc và của thời đại. Chiến thắng còn được tạo bởi sức mạnh của sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; từ sự giúp đỡ, ủng hộ của Chính phủ và Nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em, sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc, của các lực lượng cách mạng, dân chủ hòa bình và của Nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Bất cứ lúc nào cũng cần chú trọng tăng cường sức mạnh chính trị, tinh thần, ý chí chiến đấu cho toàn dân ngay từ thời bình nhằm đánh bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân vững chắc, nòng cốt là lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng phòng không - không quân. Nâng cao cảnh giác cách mạng, thường xuyên xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc bầu trời, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc Thủ đô và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Từ bài học về xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong chiến thắng Chiến dịch phòng không tháng 12/1972 đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố ở miền Bắc, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng một cách sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Ðảng vào cuộc sống. Cùng với đó “Nâng cao năng lực dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”8.

Chú thích:

1.   Đặng Tính, Nguồn sức mạnh, trong sách Khắc sâu lời Bác, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2001, tr.129.

2.  Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh về dựng nước và giữ nước, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2000, tr.389.

3.  Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1989, tr. 467.

4.  Trích Hổi ký của Thượng tướng Phùng Thế Tài, và Tạp chí Lịch sử Quân sự Việt Nam. Số 24, tháng 12/1987.

5,6. “Điện Biên Phủ trên không” - Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2007, tr.218, 120.

7,8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.109, 159.

Nguyễn Văn Phiệt

Trung tướng, nguyên Bí thư Đảng uỷ,

Phó Tư lệnh về chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều