Chiến thắng trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Bài học về công tác dự báo chiến lược để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Cuối năm 1972, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 và các loại máy bay chiến lược, chiến thuật khác như F-111, F-105 nhằm đưa miền Bắc và Hà Nội “về thời kỳ đồ đá”. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trước những hành động quân sự điên cuồng của đế quốc Mỹ, nhưng do dự báo đúng và có sự chuẩn bị chu đáo từ trước, quân và dân miền Bắc, tiêu biểu là Thủ đô Hà Nội, đã chủ động, kiên cường chiến đấu và chiến thắng, làm nên trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng để lại nhiều kinh nghiệm về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, nhất là đối với việc thực hiện tốt công tác dự báo chiến lược, phân tích tình hình.

Chiến thắng trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

Từ cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội... phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị” (1). Quán triệt và thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cấp trên, từ đầu năm 1968, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã xây dựng kế hoạch đánh trả một cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ. Trước đó, từ tháng 5-1966, Quân chủng Phòng không - Không quân đã điều động Đoàn Tên lửa Hạ Long cơ động chiến đấu tại tuyến lửa Vĩnh Linh, nơi B-52 nhiều lần đánh phá, để tìm hiểu cách đánh B-52 với khẩu hiệu “Dọn đường mà đi, đánh địch mà tiến”. Đến ngày 17-9-1967, sau nhiều tháng tỉ mỉ quan sát, phân tích và nhận dạng “pháo đài bay”, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 84, Đoàn Hạ Long đã bắn rơi B-52. Đến giữa năm 1972, Quân chủng liên tiếp điều động 4 trung đoàn tên lửa cùng một số máy bay MIG vào Khu 4 để chi viện cho Chiến dịch Trị - Thiên và trực tiếp nghiên cứu cách đánh B-52 và đã bắn rơi B-52. Kinh nghiệm được đúc kết từ những trận đánh này là cơ sở thực tiễn rất quý giá, trực tiếp giúp Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng phương án đánh B-52.

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát xác máy bay B-52 Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi tại làng Ngọc Hà (Hà Nội) trong chuyến thăm Tiểu đoàn 79 tên lửa, đơn vị có nhiều thành tích cùng quân và dân Thủ đô đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ cuối tháng 12-1972_Ảnh: TTXVN
Tháng 5-1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cán bộ tham mưu tác chiến của Quân chủng Phòng không - Không quân đã bàn vấn đề: Tỷ lệ B-52 bị bắn rơi ở mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển? Mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua? Sau mấy tuần lễ, câu trả lời đã được đưa ra: N1: Tỷ lệ chịu đựng được là 1 - 2%; N2: Tỷ lệ Nhà Trắng rung chuyển là 6 - 7%; N3: Tỷ lệ buộc Mỹ phải thua cuộc là hơn 10% (trên tổng số B-52 tham chiến của Mỹ).

Sau một quá trình chuẩn bị, đến tháng 9-1972, Quân chủng Phòng không - Không quân cơ bản hoàn thiện Phương án đánh máy bay B-52. Sau đó, Quân chủng tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm cho bộ đội dám đánh, quyết đánh và quyết thắng; đôn đốc, kiểm tra mọi mặt công tác chuẩn bị đánh trả cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ.

Trên mặt trận ngoại giao, cuộc đàm phán giữa ta và Mỹ ở Pa-ri kéo dài đã 4 năm. Ngày 8-10-1972, phía ta đưa ra bản dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hai bên đã thỏa thuận hầu hết các nội dung trong văn kiện, ấn định ngày 20-10-1972 ký tắt tại Hà Nội và ngày 31-10-1972 ký chính thức tại Pa-ri. Tuy nhiên, chính quyền Nixon cố tình dây dưa, muốn đợi qua cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đồng thời chuẩn bị bước phiêu lưu quân sự mới, nhằm giành lại thế mạnh cả về quân sự và ngoại giao, ép ta phải nhân nhượng theo những điều kiện có lợi cho Mỹ. Phân tích những âm mưu và hành động của đối phương, Bộ Chính trị nhận định, Mỹ sẽ đánh phá trở lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, nhiều khả năng, chúng sẽ dùng máy bay B-52 đánh ồ ạt Hà Nội, Hải Phòng...

Ngày 31-10-1972, tại Hội nghị Quân chủng Phòng không - Không quân, cuốn “cẩm nang bìa đỏ” mang tên Cách đánh B-52 được thông qua. Tuy chỉ có 30 trang đánh máy, nhưng đó là sự tổng hợp, đúc kết kinh nghiệm trong gần 7 năm chiến đấu với B-52 và các thủ đoạn của không quân Mỹ, nhất là những kinh nghiệm và phương pháp mới nhất được tổng kết sau trận tập kích ngày 16-4-1972 bằng B-52 của địch vào Hà Nội và Hải Phòng. Những phương pháp đánh B-52 trong cuốn cẩm nang sau đó được phổ biến tỉ mỉ cho từng kíp chiến đấu.

Ngày 24-11-1972, kế hoạch tác chiến đánh trả các đòn tập kích đường không bằng máy bay chiến lược B-52 của Mỹ được Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng và tập thể lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp thông qua. Sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phê chuẩn.

Đầu tháng 12-1972, sau khi nghe đồng chí Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân báo cáo kế hoạch đánh B-52, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh, để gây sức ép với ta, trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ném bom Hà Nội. Quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân, phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng.

Ngày 3-12-1972, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân báo cáo lên Bộ Tổng Tham mưu, khẳng định, mọi mặt công tác chuẩn bị đánh B-52 đã xong; Quân chủng kiên quyết không để bị bất ngờ, bắn rơi tại chỗ máy bay địch, kể cả B-52.

Không ngoài phán đoán của ta, ngày 17-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon đã ra lệnh mở cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B-52, mang tên Linebacker II vào Hà Nội và Hải Phòng. Lúc 19 giờ 20 phút, ngày 18-12-1972, ra-đa của ta phát hiện máy bay B-52 xâm phạm vùng trời miền Bắc. Trong 12 ngày đêm anh dũng chiến đấu, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội, đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B-52 (17,6%, đạt mức N3), tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ. Trong lịch sử chiến tranh hiện đại từ trước đến nay, chưa nơi nào máy bay B-52 của Mỹ bị bắn rơi nhiều như trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Đúng 7 giờ, ngày 30-12-1972, Chính phủ Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom từ Bắc vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp đại biểu Chính phủ ta tại Pa-ri, bàn việc ký kết Hiệp định. Cùng với chiến thắng về mặt quân sự của quân dân miền Nam, chiến thắng trong trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” buộc Mỹ trở lại bàn đàm phán và chấp nhận ký kết Hiệp định Pa-ri (27-1-1973), thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, rút quân đội Mỹ và quân đội các nước đồng minh về nước, mở đầu cho thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Có thể khẳng định, khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích chiến lược đường không vào cuối năm 1972, ta không bị bất ngờ, thậm chí, còn chủ động cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, sớm có sự chuẩn bị chu đáo mọi mặt, cả về “tinh thần và lực lượng”.

Công tác dự báo, phân tích tình hình mới

Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, đất nước Việt Nam đang được hưởng hòa bình và thống nhất. Tuy nhiên, “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo”(2). Trong đó, “Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, quyết liệt, phức tạp hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột”(3). Vì vậy, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”(4), cần có những dự báo khoa học vì những dự báo này sẽ là căn cứ, cơ sở cho việc hoạch định chủ trương, chiến lược, xác định mục tiêu, kế hoạch, tổ chức lực lượng, lựa chọn cách thức giải quyết các vấn đề liên quan một cách phù hợp, đem lại hiệu quả cao.

Thực tế, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành có hiệu quả công tác dự báo, nhất là dự báo chiến lược, phân tích tình hình. Chính nhờ làm tốt công tác này đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giành độc lập, giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc đánh giá, dự báo chính xác tình hình đối tác, đối tượng để giải quyết tốt các mối quan hệ quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi bên trong cũng như bên ngoài, bảo đảm chủ động trong mọi tình huống là vấn đề quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, công tác dự báo, phân tích tình hình vẫn còn những hạn chế, bất cập. Điều này đã được Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng được yêu cầu, một số vấn đề mới, khó, phức tạp chưa được làm sáng tỏ” (5), trong đó “Công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh có lúc chưa thật chủ động” (6)... Vì vậy, nâng cao hiệu quả công tác dự báo, phân tích tình hình là vấn đề quan trọng, cấp thiết.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan các gian trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 lần thứ nhất được tổ chức tại sân bay Gia Lâm (thành phố Hà Nội)_Ảnh: TTXVN
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dự báo, phân tích tình hình

Do công tác dự báo, nhất là dự báo chiến lược, phân tích tình hình là sự tư duy ở tầm vĩ mô, liên quan đến nhiều lĩnh vực, như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… với nhiều cơ quan, đơn vị tham gia, như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương…; tầm bao quát rộng cả trong nước và quốc tế; tính chất, kết quả có ảnh hưởng trực tiếp đến sự an nguy của quốc gia và chế độ. Do đó, trong thực hiện dự báo, phân tích tình hình, cần lưu ý các giải pháp quan trọng sau đây:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dự báo, nhất là dự báo chiến lược, phân tích tình hình.

Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ đặt ra, đồng thời thực hiện các quan điểm Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25-10-2013, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, nâng cao chất lượng công tác dự báo, nắm chắc tình hình; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố, nhất là những nhân tố bên trong có thể dẫn đến những đột biến, bất lợi.

Thứ hai, các cơ quan tham mưu của Đảng cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn dự báo, phân tích đúng tình hình trong nước, khu vực và quốc tế.

Các cơ quan chuyên trách, tham mưu cho Đảng như Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh… cần quán triệt quan điểm Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đề ra, chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, tuyệt đối không được để bị động, bất ngờ. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, cần đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tập trung phân tích, tổng hợp, dự báo tình hình quốc tế và khu vực, nhất là sự điều chỉnh chính sách, chiến lược của các nước lớn, các nước láng giềng tác động tới lợi ích và an ninh quốc gia của Việt Nam; âm mưu, thủ đoạn, các lĩnh vực mà các thế lực thù địch, phản động đang chống phá Việt Nam; tình hình an ninh, trật tự ở các vùng chiến lược, các thành phố lớn, khu vực biên giới, biển, đảo; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tình hình tội phạm và các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống. Trên cơ sở đó, tiếp tục tham mưu với Đảng và Nhà nước quan điểm, giải pháp chủ động ứng phó, giải quyết kịp thời nhằm bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Thứ ba, nâng cao năng lực, trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dự báo, phân tích tình hình.

Nghiên cứu dự báo, phân tích tình hình là một lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tổng kết lý luận và thực tiễn, giúp Đảng, Nhà nước hoạch định đúng đắn, kịp thời các chủ trương, chính sách ở tầm vĩ mô. Những dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành trên cơ sở nắm bắt quy luật, xu thế phát triển của cách mạng Việt Nam và thế giới, vận dụng sáng tạo phương pháp luận khoa học cùng với trí tuệ uyên thâm và sự mẫn cảm về chính trị. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ làm công tác này cần rèn luyện tư duy khoa học, kinh nghiệm thực tiễn, khả năng phân tích, tổng hợp, đánh giá và dự báo. Các cơ quan chuyên môn cần thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách. Trong đó, đặc biệt chú trọng giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, tri thức khoa học, năng lực và phương pháp trong nghiên cứu dự báo, phân tích tình hình. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp để cán bộ làm công tác này yên tâm, toàn tâm, toàn ý cho công việc.

Thứ tư, tăng cường phối hợp có hiệu quả các cơ quan nghiên cứu, dự báo, phân tích tình hình.

Hiện nay, việc nghiên cứu dự báo, phân tích tình hình được thực hiện ở nhiều cơ quan, nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan cùng chuyên môn còn nhiều bất cập, thậm chí khép kín, nên kết quả chưa được như kỳ vọng. Vì vậy, tăng cường phối hợp các cơ quan nghiên cứu dự báo, phân tích tình hình để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin và huy động trí tuệ của các chuyên gia sẽ làm cho chất lượng dự báo, phân tích tình hình tốt hơn, độ tin cậy cao hơn.

Thứ năm, thực hiện cơ chế hợp tác nhóm, chia sẻ thông tin phục vụ việc bảo vệ hòa bình, an ninh quốc gia với các nước có liên quan.

Hiện nay, khu vực và thế giới đang nổi lên cơ chế hợp tác nhóm. Cơ chế này vượt khỏi khuôn khổ địa lý, khu vực, dân tộc, hệ tư tưởng… các quốc gia để kết nối, hợp tác với nhau trong khuôn khổ thể chế hóa, mục tiêu phù hợp, tập trung vào một số nội dung hợp tác cụ thể, nhất định, có liên quan đến lợi ích thiết thực của các nước. Chúng ta có thể nghiên cứu, tiếp cận cơ chế hợp tác mới này nhằm cụ thể hóa đường lối đối ngoại đa phương của Đảng, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Theo TS. DƯƠNG HUY ĐỨC - TS. NGUYỄN TÔN PHƯƠNG DU/Tạp chí Cộng sản

-------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Biên niên sự kiện và tư liệu quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 203
(2), (3), (6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 105, 107, 87
(4 ) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 8, tr. 552
(5 ) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 222 – 223.

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều