Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - người cộng sản kiên trung, mẫu mực

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã dành trọn đời mình cống hiến cho cách mạng, cho nhân dân, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân với trí tuệ và tình cảm của một trí thức yêu nước, một nhà chính trị lớn-nhà văn hóa lớn-kiến trúc sư có tâm và có tầm. Đồng chí là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo. 

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng gia đình trong lần về thăm quê hương. (Ảnh Bảo tàng tỉnh Bến Tre).

Những ngày này, tỉnh Bến Tre tất bật chuẩn bị nhiều hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát nhằm tri ân, khẳng định những công lao, đóng góp quan trọng của đồng chí đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân và quê hương Bến Tre.

Người cộng sản kiên trung, mẫu mực

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát, sinh ngày 15/2/1913 tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) trong một gia đình địa chủ phá sản. Với tư chất thông minh, ông lần lượt tốt nghiệp bậc tiểu học, bậc trung học tại Trường dòng Laxan Tabe Mỹ Tho, Trường trung học Mỹ Tho, Trường trung học Pétrus Ký (Sài Gòn). Ông là một sinh viên ưu tú của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội), là thủ khoa ngành kiến trúc năm 1938.

Trong quá trình học tập, người thanh niên Huỳnh Tấn Phát khi ấy không chỉ nổi bật về tài năng và trình độ học vấn mà ông còn tham gia sôi nổi trong mọi hoạt động của Tổng hội Sinh viên Đông Dương và Hội Ái hữu sinh viên Nam Kỳ, sớm hình thành tình cảm cách mạng và có nhận thức về phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Ngày 5/3/1945, ông được đồng chí Trần Văn Giàu bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đây, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát bước vào một thời kỳ mới. Ông quyết định đóng cửa văn phòng kiến trúc sư đang hoạt động hiệu quả để chuyên tâm vào hoạt động cách mạng.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát từng giữ các chức vụ quan trọng. Đầu năm 1959, ông ra chiến khu, được cử làm Khu ủy viên Đặc khu Sài Gòn-Gia Định. Năm 1962, Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam lần thứ I, ông được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký. Ngày 6/6/1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền nam Việt Nam bầu ông làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam.

Sau khi miền nam giải phóng, thống nhất đất nước, Quốc hội khóa VI cử ông làm Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm 1981, Quốc hội khóa VII cử ông làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 6/1982, ông được cử giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Năm 1983, Đại hội lần thứ II Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bầu ông làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông là đại biểu Quốc hội các khóa: I, II, III, VI, VII, VIII.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Tổ quốc và nhân dân. Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau ở Nam Bộ và cơ quan Trung ương, dù ở đâu, làm việc gì, cũng đem hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên hết.

Trong ngục tù của kẻ thù, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đến khi trở thành Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, đồng chí luôn phát huy phẩm chất kiên cường của người cộng sản, thể hiện cao đẹp đức tính liêm khiết, khiêm tốn, cuộc sống giản dị, mẫu mực, là tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản "tận trung với nước, tận hiếu với dân".

Ngày 30/9/1989, đồng chí Huỳnh Tấn Phát từ trần, thọ 76 tuổi. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết.

Tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau noi theo

Cuộc đời hoạt động không mệt mỏi và những cống hiến to lớn cho đất nước và dân tộc của đồng chí Huỳnh Tấn Phát là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.

Trên mảnh đất Châu Hưng (huyện Bình Đại), nơi sinh ra người con ưu tú Huỳnh Tấn Phát, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đang ra sức phấn đấu để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Bí thư Xã đoàn Châu Hưng Đặng Huỳnh Nhân cho biết: "Thế hệ trẻ xã nhà luôn tự hào và biết ơn những đóng góp to lớn của đồng chí Huỳnh Tấn Phát. Kế thừa và phát huy truyền thống của thế hệ đi trước, tuổi trẻ xã Châu Hưng luôn phấn đấu không ngừng để cùng địa phương tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, tham gia các hoạt động, phong trào của Đoàn… đặc biệt là giáo dục thế hệ trẻ về tấm gương của đồng chí Huỳnh Tấn Phát để học tập, noi theo".

Tại xã Châu Hưng có ba ngôi trường tiểu học, THCS, THPT vinh dự mang tên đồng chí Huỳnh Tấn Phát. Bí thư Đảng ủy xã Châu Hưng Nguyễn Thanh Phong cho biết: "Đảng bộ xã đang tập trung triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông.

Hằng năm, tại ba ngôi trường mang tên đồng chí Huỳnh Tấn Phát đều phát động cuộc thi tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Huỳnh Tấn Phát. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Châu Hưng quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ về xây dựng Đảng, cũng như phát triển kinh tế-xã hội, xứng đáng là quê hương của đồng chí Huỳnh Tấn Phát. Đến nay, địa phương được công nhận đạt chuẩn đô thị loại V, xã nông thôn mới nâng cao và tiếp tục phấn đấu không ngừng để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, cho biết: Tỉnh đã lên kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm, hoạt động lễ dâng hương, dâng hoa tại đền thờ đồng chí Huỳnh Tấn Phát (xã Châu Hưng, huyện Bình Đại), hội thảo khoa học cấp quốc gia; trưng bày chuyên đề "Huỳnh Tấn Phát-Cuộc đời và Sự nghiệp"… nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15/2/1913-15/2/2023).

Theo HOÀNG TRUNG/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều