Đồng chí Võ Chí Công với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc

(Mặt trận) - Với 100 tuổi đời, 76 tuổi Đảng, “Đồng chí Võ Chí Công là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí luôn thể hiện phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, làm hết sức mình để giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; sự gắn bó máu thịt với nhân dân; sống giản dị, khiêm tốn, được đồng chí, đồng bào tin yêu và mến phục”. Đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Võ Chí Công - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí Võ Chí Công tên trong giấy khai sinh là Võ Toàn, sinh năm 1912 tại xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ, nay là huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Sớm giác ngộ cách mạng, 16 tuổi, đồng chí đã tham gia các hoạt động trong phong trào thanh niên ở cơ sở. Tháng 5/1935, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Do hoạt động bị lộ, cuối năm 1942, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và bị đày ở nhà tù Buôn Ma Thuột.

Tháng 3/1945 đồng chí ra tù và trở về quê, được Đảng phân công vào Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Quảng Nam với cương vị Trưởng ban. Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, Quảng Nam trở thành một trong bốn tỉnh của cả nước giành chính quyền về tay Nhân dân sớm nhất.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Võ Chí Công là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên khu V - một địa phương vừa chiến đấu kiên cường, lập nhiều chiến công hiển hách, vừa tăng gia sản xuất, tự cung, tự cấp giỏi, đã chia lửa với Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Theo Hiệp định Giơnevơ, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai chính thể khác nhau. Ở miền Nam, từ vĩ tuyến 17 trở vào, Mỹ hất cẳng Pháp, thay chế độ thực dân cũ bằng chế độ thực dân mới, gây ra cuộc chiến tranh chống lại Nhân dân Việt Nam. Khu V trở thành địa bàn nóng bỏng. Đồng chí Võ Chí Công trọng trách được giao: Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu V, một địa bàn chiến tranh ác liệt, đồng chí đã cùng tập thể Khu ủy đã đi sâu xuống cơ sở bám dân, vận động nhân dân vượt mọi khó khăn, gian khổ, đoàn kết chiến đấu giữ đất, giữ buôn làng, làm thất bại mọi âm mưu rất thâm độc và những trận đánh phá rất ác liệt của kẻ thù.

Cũng từ thực tế chỉ đạo, với tác phong sâu sát quần chúng và tinh thần cách mạng tiến công, đồng chí đã đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề mang tính chiến lược về con đường cách mạng ở miền Nam, góp phần vào việc xây dựng Nghị quyết 15 của Trung ương và được hoàn chỉnh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp vào tháng 9/1960.

Tháng 1/1961, Trung ương Cục miền Nam được thành lập, đồng chí Võ Chí Công được phân công làm Phó Bí thư phụ trách công tác Dân vận - Mặt trận, kinh tế - tài chính và công tác phá ấp chiến lược, chống bình định của địch. Đồng chí được Trung ương Cục giới thiệu làm đại diện của Đảng trong Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực, đặc trách công tác tổ chức và phát triển lực lượng. Với kinh nghiệm vốn tích lũy trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí trên cương vị Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam đã xuống nhiều địa phương ở Nam Bộ, nghiên cứu, khảo sát, rút kinh nghiệm để phổ biến cho toàn miền Nam chống bình định, phá ấp chiến lược, chống trực thăng vận, thiết xa vận trong chiến tranh đặc biệt. Đồng chí đã cùng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và tập thể lãnh đạo, sau hơn một năm phấn đấu đã phát triển được 20 tổ chức thành viên bao gồm: các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các đoàn thể yêu nước, các tổ chức tôn giáo như: Hội Nông dân giải phóng, Hội Lao động giải phóng, Hội Liên hiệp sinh viên học sinh, Hội các nhà giáo yêu nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng, Hội những người công giáo Kính Chúa yêu nước, Hội Lục hòa Phật tử miền Nam, Đảng Xã hội cấp tiến của trí thức yêu nước, Đảng Dân chủ miền Nam của tư sản dân tộc.

Cùng với sự phát triển tổ chức ở Trung ương, sau Đại hội Mặt trận ở cơ sở, các Ban tự quản nhân dân ở các địa phương được thành lập. Ở miền núi và Tây Nguyên hình thành các Ủy ban dân tộc tự trị. Hầu hết các xã thuộc vùng giải phóng và vùng tranh chấp đều có cơ sở của Mặt trận. Các bộ máy chuyên môn như: Ban Quân sự, Ban Thông tin - Văn hóa, Ban Kinh tế - Tài chính, Ban Liên lạc đối ngoại trực thuộc Ủy ban Mặt trận các tỉnh cũng lần lượt ra đời và đi vào hoạt động. Ủy ban Mặt trận không chỉ làm chức năng tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết toàn dân đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, mà còn đảm nhiệm chức năng quản lý của chính quyền là tổ chức thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân về chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự.

Tháng 12/1963, sau Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương (khóa III), Bộ Chính trị quyết định tổ chức lại chiến trường miền Nam cho phù hợp với tình hình mới. Tháng 1/1964, Bộ Chính trị điều động đồng chí Võ Chí Công, Phó Bí thư Trung ương Cục từ chiến trường Nam Bộ trở lại Khu V, vốn là địa bàn quen thuộc của đồng chí, làm Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu. Đây là một chiến trường cực kỳ ác liệt, cực kỳ gian khổ, nơi đầu năm 1965, những đội quân tinh nhuệ của đế quốc Mỹ đổ bộ để triển khai chiến lược chiến tranh cục bộ, trong đó thành phố Đà Nẵng và Chu Lai trở thành những căn cứ liên hiệp quân sự lớn nhất ở miền Nam. Đồng chí đã cùng Bộ Tư lệnh quân khu V tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng vành đai nhân dân đánh Mỹ và quyết định dùng chủ lực quân khu và lực lượng địa phương đánh phủ đầu quân Mỹ khi chúng mới chiếm đóng ở Núi Thành (Quảng Nam). Chiến thắng Núi Thành đã chứng minh một thực tế: Quân dân ta có thể đánh và đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Chiến thắng Núi Thành đã giúp ta xóa bỏ tư tưởng “sợ Mỹ” trong quân và dân ta hồi đó. Nó cũng tạo điều kiện để Ủy ban Trung ương Mặt trận giải phóng miền Nam phát động trên toàn chiến trường miền Nam phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm Ngụy mà diệt”. Quảng Nam đã được tặng thưởng danh hiệu “Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mở đầu bằng trận tiến công và nổi dậy của quân dân ta giải phóng Buôn Ma Thuột. Nhạy bén trước thời cuộc, đồng chí Võ Chí Công đã bàn bạc thống nhất trong Khu ủy và Bộ Tư lệnh quân khu quyết định điện xin Bộ Chính trị cho phép Khu V dùng chủ lực quân khu và lực lượng vũ trang Quảng Đà tiến công giải phóng Đà Nẵng. Được sự đồng ý của Bộ Chính trị, đồng chí đã cùng Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu V, Bộ Chỉ huy tiền phương Quảng Đà kịp thời thay đổi kế hoạch chiến đấu ban đầu ở phía Nam, chuyển hướng tiến công của chủ lực Quân khu V ra phía Bắc cùng với quân dân Quảng Đà tiến công và nổi dậy, phối hợp với bộ đội chủ lực của Chiến dịch từ Huế vào tiếp sức đã nhanh chóng giải phóng Đà Nẵng vào ngày 29/3/1975, góp phần đẩy nhanh cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta sớm đi đến toàn thắng. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng và trở thành mục tiêu phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn được đặt ra cần có lời giải đáp. Đất nước ta xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, lại trải qua 30 năm chiến tranh ác liệt, chống Pháp rồi chống Mỹ xâm lược, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Đây là một sự nghiệp chưa có tiền lệ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Những vấn đề lý luận và thực tiễn về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất trong cách mạng xã hội chủ nghĩa cũng được đặt ra một cách bức thiết trong khi các văn kiện của Đảng đều xác định cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước và khẳng định: “Chính sách Mặt trận là chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng”1.

Đồng chí Võ Chí Công - Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) về thăm xí nghiệp may huyện Núi Thành năm 1992
Triển khai tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng, được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Võ Chí Công - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Đảng đoàn Mặt trận Trung ương đã cùng Ban Dân vận Trung ương thành lập tổ nghiên cứu về “vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận trong giai đoạn mới” do các đồng chí Xuân Thủy làm Tổ trưởng, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - Tổ phó. Giúp việc cho tổ nghiên cứu là lãnh đạo các vụ của Ủy ban Trung ương. Sau đúng một năm nghiên cứu, ngày 18/4/1983, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Võ Chí Công ký ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới”. Chỉ thị đã kiểm điểm, đánh giá và chỉ ra nguyên nhân của những ưu, khuyết điểm và những hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ sau Đại hội lần thứ nhất - Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận trong cả nước. Chỉ thị nhấn mạnh những quan điểm, nguyên tắc cơ bản về xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất theo tư tưởng Hồ Chí Minh, theo Nghị quyết Đại hội V của Đảng và Hiến pháp năm 1980, từ đó xác định tính chất, phạm vi, đối tượng, mục tiêu, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới của cách mạng. Đây là những vấn đề vào thời điểm đó, trong Đảng, trong Mặt trận còn nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau. Chỉ thị 17-CT/TW xác định: “Trong cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn nhất, vừa có tính liên hiệp rộng rãi, vừa có tính quần chúng sâu sắc”. Chỉ thị cũng nêu rõ: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm đảng phái chính trị, các đoàn thể quần chúng, các dân tộc, các tôn giáo và các nhân sĩ yêu nước xã hội chủ nghĩa, đại diện chung cho quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, là sợi dây nối liền các tầng lớp xã hội rộng rãi với Đảng, là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước được xây dựng trên cơ sở liên minh công - nông dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chỉ thị nêu rõ: Nhiệm vụ lớn nhất của Mặt trận Tổ quốc là tập hợp các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, người Việt ở trong nước và nước ngoài nhằm thực hiện mục tiêu chung là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chỉ thị xác định 3 chức năng của Mặt trận là: a) Tuyên truyền, giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân; b) Phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, giữa Mặt trận với chính quyền từ Trung ương đến cơ sở; c) Phản ánh nguyện vọng, ý kiến của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước.

Chỉ thị cũng đề ra 6 nhiệm vụ của Mặt trận. Để Mặt trận có thể thực hiện tốt những chức năng, nhiệm vụ nêu trên, Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo, hướng mạnh công tác Mặt trận về cơ sở nhằm đẩy mạnh các phong trào cách mạng, tạo cuộc sống mới tại địa bàn dân cư; cần làm cho cán bộ, đảng viên, các cấp chính quyền, các đoàn thể nhân dân nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác Mặt trận, uốn nắn những quan điểm, nhận thức không đúng về công tác Mặt trận. Các cấp ủy cần định kỳ nghe báo cáo và cho ý kiến về công tác Mặt trận.

Đây là Chỉ thị đầu tiên của Đảng về công tác Mặt trận trong giai đoạn mới. Chỉ thị đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới cả về nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận. Chỉ thị đặt cơ sở cho việc chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cho sự đổi mới công tác Mặt trận trong các giai đoạn tiếp theo.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tiến hành từ ngày 2 đến ngày 4/11/1988 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười. Đồng chí Võ Chí Công được phân công thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu với Đại hội với lý do đồng chí là tác giả của Chỉ thị 17-CT/TW khi là Thường trực Ban Bí thư. Trong bài phát biểu, đồng chí đã khái quát kết quả đã đạt được và những khó khăn của công cuộc đổi mới, tán thành những nội dung bản báo cáo chính trị được trình bày tại Đại hội và nhấn mạnh những việc cần phải làm để “chấm dứt tình trạng hoạt động của Mặt trận chung chung và nặng về hình thức”.

Qua đại hội Mặt trận các cấp, một vấn đề lớn, rất quan trọng được đặt ra là Đảng phải đổi mới sự lãnh đạo của mình đối với Mặt trận nhưng đổi mới như thế nào?

Trong bài phát biểu của mình, đồng chí Võ Chí Công nêu rõ: “Trong cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý hiện nay, muốn đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì trước hết Đảng phải đổi mới sự lãnh đạo của mình đối với Mặt trận. Phải coi sự đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng là điểm mấu chốt để triển khai sự đổi mới của hệ thống Mặt trận”.

Trong Mặt trận, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất... Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”2.

Đảng lãnh đạo bằng đường lối chính trị: Bằng cách đề ra đường lối, chủ trương, chính sách lớn và công tác tư tưởng; bằng lãnh đạo thông qua sự thuyết phục và tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên hoạt động trong các tổ chức; Bằng chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giới thiệu cán bộ, đảng viên cho Mặt trận và các đoàn thể quần chúng để các tổ chức đó tự lựa chọn và bầu cử một cách dân chủ theo đúng điều lệ; tôn trọng tính độc lập của các tổ chức, không áp đặt, không buộc các tổ chức và quần chúng của họ phải công nhận người lãnh đạo mà mình không tín nhiệm; Bằng khuyến khích tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động của từng tổ chức nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung của cách mạng3.

Đồng chí nhấn mạnh: “Tôi đề nghị các cấp ủy, các cơ quan chính quyền tổ chức nghiên cứu lại Chỉ thị 17-CT/TW ngày 18/4/1983 của Ban Bí thư, cần làm cho cán bộ, đảng viên các ngành chính quyền, các đoàn thể quần chúng nhận rõ tầm quan trọng của công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay, uốn nắn những quan điểm, tư tưởng, không đúng về công tác Mặt trận. Trên cơ sở đó mà kiện toàn và tăng cường bộ máy làm công tác Mặt trận”4.

Đối với các cơ quan nhà nước, đồng chí yêu cầu các cấp cần phải thay đổi cách nghĩ, cách phối hợp lâu nay đối với tổ chức và hoạt động của Mặt trận. Đồng chí không chỉ nêu ra những định hướng, mà chỉ ra những việc làm rất cụ thể để đảm bảo sự cộng tác có hiệu quả và mối liên hệ giữa Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.         

Chỉ thị 17-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới” ngày 18/4/1983 của Ban Bí thư do đồng chí Võ Chí Công ký ban hành và bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của đồng chí Võ Chí Công thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với tiêu đề: “Phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường và đổi mới công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay” đã đi vào cuộc sống. Đó là những viên gạch đầu tiên và rất quan trọng để Đảng ta tiếp tục phát triển nhằm xây dựng “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như Luật Mặt trận Tổ quốc đã đề ra.

Chú thích:

1.       Hồ Chí Minh “Về đại đoàn kết”, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 138.

2.       Hồ Chí Minh “Về Mặt trận Dân tộc thống nhất”, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1973 tr. 16.

3,4.    Trích “Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ III”, tr. 21-22.

Tài liệu tham khảo

1.       Võ Chí Công: Trên những chặng đường cách mạng (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001.

2.       Lời điếu do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Võ Chí Công, ngày 12/9/2011.

3.       Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội 2006.


Nguyễn Túc

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều