Khâm Thiên - Nỗi đau chưa nguôi ngoai

Khâm Thiên là một con phố dài hơn 1.200m, là đường dẫn cửa ô phía Tây Nam Thủ đô Hà Nội. Hơn hai chục ngõ cổ cài răng lược với những cái tên: Trung Tả, Trung Tiền, Vạn Ứng, Tô Tiền, Trung Phụng, Lệnh Cư, Xã Đàn, Liên Hoa, Tương Thuận… Nhiều tên đất ở đây ghi dấu lịch sử giữ nước từ những năm đầu công nguyên.

Đêm B52, phố trắng khăn tang

Sau ngày Thủ đô giải phóng 10-10-1954, Khâm Thiên nhanh chóng thay da, đổi thịt. Nhà ở được cải tạo và xây dựng mới, thay cho những ngôi nhà ọp ẹp, dột nát. Các cửa hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa, dược phẩm, may mặc, các lớp mẫu giáo, hiệu sách, rạp chiếu bóng lần lượt mọc lên. Xen kẽ với cư dân hai dãy phố là các hợp tác xã thủ công nghiệp sản xuất nhiều hàng tiêu dùng phục vụ đời sống nhân dân. Ngõ Chợ Khâm Thiên nhộn nhịp với nhiều quán ăn, giải khát. Cuộc sống mới thực sự được nhen lên và phát triển sau hơn 10 năm giải phóng. Khâm Thiên trở thành phố phường lao động của Thủ đô.

  Người dân đến tượng đài nghĩa trang ở phố Khâm Thiên tưởng niệm những người đã khuất

22 giờ 45 phút, đêm 26-12-1972, sau ngày nghỉ lễ Noel, đồng bào trở về dự lễ Giáng sinh còn ở lại, không quân Hoa Kỳ đã dùng máy bay B52 trút bom xuống phố Khâm Thiên. Bom rải thảm dài hơn 1km, chiều ngang hơn 300m trùm lên cả dãy phố. Gần 3.000 quả bom các cỡ, các loại đã hủy diệt hoàn toàn 6 khối phố; còn lại 12 khối khác cũng bị tàn phá nặng nề. Cả một đoạn phố dài với những ngôi nhà cao thấp khác nhau, sau khi dứt tiếng bom B52 chỉ còn là một bãi gạch đá ngổn ngang, cát bụi mù mịt. Cho đến nay, người dân Khâm Thiên vẫn gọi sự kiện này là “Đêm B52”.

“Tử thần” ập xuống trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh đã gây ra bao mất mát, đớn đau, tang tóc khắp phố. Kia là gia đình ông Nguyễn Văn Vân, 49 tuổi, chủ nhiệm hợp tác xã Toàn Thắng, chuyên nghề làm bún, cán mì sợi. Ngôi nhà vững chắc đã bị san phẳng vì trúng bom. Bà con dân phố đào bới mãi mới thấy được một mảnh gỗ của chiếc giường nằm. Thi thể của vợ chồng ông và 5 đứa con không thể tìm ra được dấu vết, hợp tác xã bị xóa sổ hoàn toàn. Hợp tác xã Nhị Hà bên cạnh đó cũng chung hoàn cảnh tương tự, không còn dấu tích! Nhà trẻ Hoa Hồng mới được sự đầu tư của thành phố cũng chỉ còn những mảnh thỏ nhựa, cỗ xe bẹp dúm, bị vùi lấp trong đống đổ nát. Còn đây, nhà số 45 của cụ Nguyễn Thị Đức Thành, 82 tuổi, mặc dù đã có 8 người đi sơ tán, nhưng 8 người còn lại ở dưới hầm vẫn bị “tử thần” tìm đến cướp đi 4 sinh mạng, còn 4 người khác bị thương nặng. Đây nữa, gia đình cụ Lê Ngọc Thúy ở số 9, ngõ Hồ Dài có 14 người, 5 người đi sơ tán, còn lại 9 người ở nhà. Cũng như gia đình nhà cụ Thành, bom B52 đã tìm đến và cướp đi 5 người. Trong đó, thương tâm hơn cả là em Lê Ngọc Bình, bị bom làm bay ra cách nhà hơn chục mét, đất đá vùi kín, 5 ngày sau mới tìm thấy thi thể.

Không những vậy, ngoài tàn phá nhà cửa, cướp đi nhiều sinh mạng, bom còn hủy hoại cả di tích lịch sử. Địa chỉ đỏ đã ăn sâu trong tâm trí của hàng triệu người Việt Nam, là ngôi nhà 312, nơi tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, cũng bị bom Mỹ san phẳng. Còn đây nữa, nhà hộ sinh Thổ Quan, đêm ấy có hàng chục sinh linh bé nhỏ vừa ra đời; hàng chục bà mẹ đang trở dạ chờ sinh nở… May thay, các thầy thuốc, y tá và hộ lý đã kịp di chuyển, sơ tán kịp thời nên khi bom đánh trúng chỉ thiệt hại về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế.

Rải rác khắp phố đều có bom rơi. Bom cũng rơi trúng đình Tương Thuận, khoét thành một hố sâu hoắm; tường nhà đổ sập, cột điện, dây rợ ngổn ngang. Dọc theo phố, hàng trăm gia đình trắng vành khăn tang. Đây nhà chị Giáp, 28 tuổi, là giáo viên lớp 4, bị bom đánh trúng hầm trú ẩn lấy đi 7 sinh mạng trong gia đình. Điều đau đớn nhất là trong chị đang mang một bào nhi 6 tháng tuổi mà mình nâng niu bảo vệ hàng ngày. Đau xót hơn nữa là gia đình ông Phạm Ngọc Thuyết, ở số nhà 22 ngõ Chiến Thắng, bị bom đánh trúng hầm, cả gia đình ông 6 người không còn một ai.

Không sao kể hết được sự mất mát to lớn ở đây. Một dãy phố yên bình với ba vạn dân thường làm ăn, sinh sống yên ổn, trong chốc lát giữa đêm khuya đã bị bom B52 trút xuống, làm gần 2.000 ngôi nhà bị đánh sập, cướp đi 287 sinh mạng, trong đó, có 43 cụ già, 57 trẻ em và 88 phụ nữ. Đồng thời, làm bị thương 290 người; gây đổ sập 611 ngôi nhà, làm hư hỏng 1.624 ngôi nhà khác với tổng diện tích 71.402m2, trong số đó có nhiều nhà cao tầng, kiên cố giữa mặt phố; và làm cho 2.601 gia đình và 4.562 người không còn nơi để ở; toàn bộ tài sản của hàng ngàn gia đình: từ đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, đến các bảo vật quý hiếm gia truyền đều bị hư hại hoặc mất tích, trị giá vào thời điểm đó khoảng 5 triệu đồng (tương đương hơn 1 vạn tấn gạo), không những vậy, nhiều đồ vật không thể tính được bằng tiền cũng bị hư hỏng (1).

Trở lại sau 45 năm

Tôi đến phố Khâm Thiên trong một sáng mùa đông giá rét cuối tháng 12-2017. Phố sá, con người giờ cũng đã khác nhiều. Những cửa hàng, cửa hiệu san sát, người mua kẻ bán đông đúc. Dấu vết của trận bom năm xưa đã phai mờ. Nhưng, từ trong sâu thẳm những người dân sống ở đây vẫn vương vất một nỗi đau theo họ suốt cuộc đời. Theo sự chỉ dẫn, tôi tới nhà ông Nguyễn Văn Cầu, 81 tuổi, cán bộ hưu trí ngụ tại số nhà 19, ngõ Sân Quần, phố Khâm Thiên. Gia đình ông có 5 người thiệt mạng trong trận bom định mệnh đêm 26-12-1972. Đó là vợ con ông, 2 người cháu và chú em ruột. Nhắc lại câu chuyện đau lòng đó, mắt ông vẫn ngấn nước: “Tôi còn nhớ rất rõ ngày hôm đó. Trời rất lạnh. Tôi đi trực chiến ở nhà máy in Hà Nội, ở nhà chỉ có vợ và con. Khoảng 22 giờ 45 phút, đèn điện vụt tắt, hàng loạt tiếng nổ kéo dài như sấm, tiếp theo là những đám cháy bùng lên dữ dội. Tôi vội chạy bổ về nhà. Một cảnh tượng khủng khiếp hiện ra trước mắt, hầu như toàn bộ khu phố Khâm Thiên chỉ còn là một đống gạch đổ nát. Tôi tìm đường vào nhà, nhưng nhà đã bị san phẳng. Không thấy vợ con tôi đâu, đêm tối không nhìn thấy gì, chỉ có những tiếng thét và tiếng khóc xung quanh. Tôi lại quay trở lại nhà máy tiếp tục làm nhiệm vụ trực chiến và trong lòng hy vọng vợ con tôi vẫn còn sống.

 

 Ông Nguyễn Văn Cầu, người đã chịu sự mất mát, đau thương trong "Đêm B52"

Sáng hôm sau, tôi trở về nhà. Ban ngày, nhìn cảnh tượng tàn phá của bom B52 càng khủng khiếp hơn. Đứng từ đầu phố có thể nhìn thấy hút tận cuối phố vì đã bị bom san phẳng. Chiếc hầm trú ẩn chứa hơn 40 người, trong đó có cả vợ và con tôi, cùng 2 đứa cháu con bà chị gái và 1 chú em ruột đã bị bom Mỹ đánh trúng. Nhiều người thi thể không còn nguyên vẹn. Vợ tôi chỉ còn nửa trên nên tôi mới nhận ra, còn con tôi và những người trong hầm đã tan vào thành đất đá”.

Kể tới đây, ông lấy mấy nén nhang trên bàn thờ và thắp lên, rồi lầm rầm khấn mấy câu trong miệng. Trở lại, ông tiếp tục chậm rãi: “Xung quanh tôi lúc đó, mọi người ra sức đào bới hy vọng tìm thấy thi thể người thân, nhưng… hầu hết đều không thấy. Tiếng khóc cha, khóc mẹ, khóc con cứ rên rỉ quanh tôi. Xa xa là tiếng máy bay phản lực vẫn tiếp tục ném bom ở khu vực ngoại thành. Mọi người vội vã đưa thi thể người thân vào những chiếc quan tài do chính quyền mang tới, để sẵn và đi chôn cất. Từ đó tới nay, ngày 26-12 hằng năm là ngày giỗ chung của hàng trăm gia đình ở phố Khâm Thiên này”.

Nhắc lại trận bom B52 đêm 26 tháng Chạp năm 1972, với mỗi người đang sống hôm nay, cũng là nhắc nhở các thế hệ mai sau hãy ghi nhớ. Giúp họ hiểu thêm về hiểm họa của chiến tranh, phấn đấu lao động, học tập để giữ gìn cuộc sống hòa bình mà bao chiến sĩ và nhân dân đã hy sinh để có được.

Tạm biệt ông Cầu, tôi ra về. Nhìn phố Khâm Thiên tấp nập xe cộ, bên những ngôi nhà to đẹp và hiện đại, tôi bất giác nhớ tới câu nói của Bác Hồ trước trận chiến “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không”: “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”(2)./.

-------------------

(1) Hà Nội tháng 12 năm 1972. Hãy nhớ lấy! Nxb. Hà Nội. 1983

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 12, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 108

Theo Việt Thắng/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều