Những kỷ niệm sâu sắc về Chủ tịch Lê Quang Đạo

(Mặt trận) - Trong quá trình công tác của mình, tác giả bài viết có may mắn được làm việc với cả 9 vị Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho đến nay. Trong đó, đồng chí Lê Quang Đạo, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1994-1999), đã để lại cho tác giả nhiều kỷ niệm sâu sắc.

 Nhà văn Nguyệt Tú và phu quân - cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo.

Lần đầu tiên tôi được trực tiếp làm việc với anh Lê Quang Đạo là những tháng cuối năm 1982 và quý I năm 1983, khi Đảng đoàn Mặt trận được giao nhiệm vụ giúp Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa V) chuẩn bị Chỉ thị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới”. Lúc đó, anh được Ban Bí thư phân công thay anh Xuân Thủy phụ trách công tác Dân vận - Mặt trận, còn tôi là thành viên của bộ phận soạn thảo Chỉ thị.

Được sự chỉ đạo của anh và sự đóng góp quan trọng của các đồng chí Xuân Thủy, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Tấn Phát, sau 6 tháng làm việc khẩn trương, dự thảo lần thứ 3 được Ban Bí thư nhất trí thông qua vào ngày 18/4/1983. Đây là văn kiện đầu tiên của Đảng về công tác Mặt trận sau khi đất nước thống nhất và là cơ sở để căn cứ vào đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II.

Kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII - khóa mở đầu cho sự đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam, anh Lê Quang Đạo được Bộ Chính trị phân công chuyên trách Mặt trận với cương vị Bí thư Đảng đoàn và Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và từ tháng 8/1994, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ tư, anh được cử làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho đến cuối đời. Có lẽ, đây là lúc anh dành nhiều thời gian, tâm huyết và trí tuệ cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và công tác Mặt trận.

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, với thời gian chưa đầy 7 năm, là người “đứng mũi, chịu sào”, anh đã dốc sức cùng Đảng đoàn và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương làm được nhiều việc quan trọng, tạo nền tảng cho bước phát triển mới của sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận Dân tộc Thống nhất, như: giúp Bộ Chính trị xây dựng Nghị quyết 07 ngày 17/11/1993 “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc Thống nhất”; giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng “Luật Quốc tịch”, và “Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

Tôi nhớ kỷ niệm khi cùng anh soạn thảo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị.

Ngay từ lúc còn làm Chủ tịch Quốc hội, đồng thời là Bí thư Đảng đoàn Mặt trận, anh đã nhiều lần trao đổi với anh em chúng tôi về sự cần thiết phải có một Nghị quyết chuyên đề của Đảng về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc Thống nhất, nhằm cụ thể hóa Cương lĩnh 1991 của Đảng và Hiến pháp 1992, trong đó, thể hiện cho được tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn mới của cách mạng.

Theo anh, trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” hiện nay, muốn đổi mới công tác Mặt trận, trước hết phải đổi mới nhận thức về sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Vì đổi mới sự lãnh đạo của Đảng là xuất phát điểm, là yếu tố quyết định để đổi mới chính sách, tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận.

Vì tính chất quan trọng của vấn đề mà anh từng “ấp ủ”, nên khi về Mặt trận, việc đầu tiên anh đưa ra bàn trong Hội nghị Đảng đoàn và Ban Thư ký là làm tờ trình Bộ Chính trị cho phép Đảng đoàn và Ban Dân vận Trung ương soạn thảo Nghị quyết trên. Được sự chấp thuận của Bộ Chính trị, với sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Vũ Oanh - lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị và đồng chí Trương Mỹ Hoa – Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII), Đảng đoàn thành lập Tổ soạn thảo Nghị quyết và phân công anh Lê Quang Đạo phụ trách, tôi giúp anh chấp bút.

Kế hoạch làm việc của Tổ được anh xây dựng hết sức cụ thể và chi tiết. Song song với việc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới”, Tổ soạn thảo đặc biệt coi trọng công tác tổng kết thực tiễn và tranh thủ ý kiến của các đồng chí phụ trách Đảng đoàn, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư các khóa trước, các đồng chí lão thành trong công tác Dân vận - Mặt trận qua các thời kỳ cách mạng, các đồng chí cán bộ Mặt trận có lý luận và khả năng tổng kết thực tiễn nay đã về hưu, các nhân sĩ, trí thức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài…

Đọc lại cuốn sổ tay mà tôi ghi chép ý kiến của từng người trong các cuộc họp, gặp gỡ lúc đó, mới thấy hết sức công phu: trên 70 người, trong đó có các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đỗ Mười, Võ Chí Công, Tố Hữu, Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Đức Tâm, Hoàng Tùng, Trần Quang Huy, Hai Văn (tức Phan Văn Đáng), Mười Hương, Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác Hồ), Trần Bạch Đằng...

Trong quá trình làm việc, tôi khâm phục sự lịch lãm, cách ứng xử tinh tế và những câu chuyện vui, dí dỏm nhưng đầy hàm ý của anh. Tôi xin kể lại vài câu chuyện.

Trước khi đến gặp anh Hoàng Tùng và anh Trần Quang Huy, anh Đạo dặn tôi:

- Đến gặp hai ông này, các ông ý có hỏi gì cứ để mình trả lời, Túc đừng tham gia nhé. Mình sẽ giải thích sau.

Chúng tôi đến gặp anh Trần Quang Huy trước. Câu đầu tiên anh Huy hỏi là:

- Ông đã lấy ý kiến của ai rồi?

- Người đầu tiên tôi đến xin ý kiến là ông. Anh Đạo đáp lời.

Anh Huy tỏ ra rất hồ hởi và đi thẳng vào việc. Anh nói:

- Đây là ý kiến của Trần Quang Huy đóng góp chân thành cho Lê Quang Đạo với tư cách là những người bạn cố tri không chỉ trong hoạt động bí mật, trong chiến đấu, mà ngay trong lĩnh vực tư tưởng và lý luận, chứ không phải là Chỉ thị của Ban Bí thư đâu nhé.

Hôm đến gặp anh Hoàng Tùng, “điệp khúc” trên lại được lặp lại. Anh Đạo trả lời luôn:

- Chúng mình mới xin ý kiến lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận. Hôm nay, đến xin ý kiến ông trước khi xin ý kiến các anh lớn.

Sau buổi gặp gỡ đó, anh giải thích cho tôi: Mỗi người chúng ta một tính, một nết, tài càng cao, cá tính càng mạnh. Để được việc, ta cố thực hiện cho được phương châm, không nên động vào những điều mà người khác không thích. Mình chỉ nói thế để Túc tự hiểu.

Một hôm, anh Đạo bảo: Chúng ta cần tìm hiểu thêm về đại đoàn kết trong cuộc sống đời thường của Bác Hồ. Thế là hai anh em cùng đồng chí Hà Ngọc Lân (người phụ trách máy ghi âm) đến gặp đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký của Bác. Anh Lê Quang Đạo với anh Vũ Kỳ vốn là những người bạn thân thiết. Gặp gỡ nhau, bao nhiêu chuyện cũ được nhắc lại, trong đó có chuyện anh Vũ Kỳ hỏi anh Lê Quang Đạo:

- Anh có nhớ Bác nói gì về anh và tôi khi Bác từ trên nhà sàn đi xuống?

- Mình được Bác gọi đến làm việc nhiều lần, mình không nhớ Bác nói lần nào?

- Lần Bác cười và nhận xét: Hai chú thấp ngang nhau. Anh Vũ Kỳ đáp.

- Ông nhầm rồi. Bác cười và nói: “Hai chú cao bằng nhau” và sau đó, ông còn nói thêm: Thưa Bác, đồng chí Đạo là Thiếu tướng, cao hơn tôi nhiều. Bác rất vui và quay về phía ông nói: “Chú không thua đâu, chú là Thừa tướng đấy”.

Làm việc hết buổi sáng, buổi trưa đó đồng chí Vũ Kỳ mời cơm hai anh em chúng tôi với mấy ly rượu thuốc ngâm. Nâng cốc rượu, anh Lê Quang Đạo nói luôn: Hôm nay, mình rất vui được đến làm việc với ông. Xin chúc mừng ông mà cũng là tự chúc mừng mình là đã góp phần đào tạo ông trở thành Thư ký riêng suốt đời của Bác Hồ.

Anh Vũ Kỳ xúc động kể lại: Đầu năm 1940, anh Lê Quang Đạo giới thiệu anh Vũ Kỳ vào Đoàn Thanh niên Phản đế, rồi sau đó lại giới thiệu đi học lớp quân sự ở Trung Quốc. Cũng chính anh Đạo lại về Hà Đông đón anh Vũ Kỳ đi làm Thư ký riêng của Bác cho đến lúc Bác đi xa.

Trước khi trình Bộ Chính trị lần cuối cùng, anh Lê Quang Đạo có buổi làm việc buổi tối tại nhà anh Vũ Oanh (lúc đó còn ở tầng 2 số 8 Ngọc Hà). Làm việc xong, tuy đã khuya, anh Oanh mời anh Đạo ở lại để hỏi thêm một số việc có liên quan đến lịch sử hoạt động, như: ngày, tháng vào Đảng, thời gian mở lớp tập huấn đầu tiên tại quê nhà anh Oanh… Vì lúc đó, theo anh Oanh, anh Lê Quang Đạo là Ủy viên Thường trực Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Ban Cán sự Đảng Hà Nội, người trực tiếp mở lớp huấn luyện tại nhà anh Oanh và anh Oanh là một học viên của lớp đó.

Qua những người tôi được tiếp xúc, được nghe kể về cuộc đời và sự nghiệp của anh Lê Quang Đạo, tôi các thấm thía lời phát biểu của Tổng Bí thư Đỗ Mười đánh giá đồng chí Lê Quang Đạo khi tiếp đồng chí U-đôm-Khát-ti-nha, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào - Chủ tịch Mặt trận Lào Xây dựng đất nước: “Đồng chí Quang Đạo là lão thành cách mạng, là nhà lý luận của Đảng chúng tôi đó”.

Qua những năm tháng được làm việc với anh, nhất là được cùng anh chuẩn bị dự thảo Nghị quyết trên, tôi càng hiểu sâu sắc về anh. Tôi khâm phục sự hiểu biết uyên thâm trên nhiều lĩnh vực cũng như tài tổng hợp, phân tích, dự đoán tình hình và đề xuất vấn đề của anh. Đặc biệt, chúng tôi kính trọng và mến mộ đức độ của anh, một con người kính trên, nhường dưới, hết lòng vì nước, vì dân, vì anh em, đồng chí, đồng đội.

Ngày 17/11/1993, Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc Thống nhất” ra đời đã tạo ra một không khí hòa hợp, gắn kết các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài. Góp phần quan trọng để đoàn kết mọi người Việt Nam thành một khối thống nhất, tạo ra sức mạnh và động lực mới trong sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nguyễn Túc

Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều