Tấm gương người cộng sản Võ Văn Tần

(Mặt trận) - Nói tới Võ Văn Tần, chúng ta tưởng nhớ tới một chiến sĩ tiên phong, một nhà lãnh đạo kiên trung, bất khuất, một tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của Đảng, đã hiến dâng cuộc đời cho công cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do. Từ góc độ lịch sử, bài viết góp phần làm sáng tỏ những giá trị cao cả đó.

Đồng chí Võ Văn Tần (ảnh tư liệu)

Người chiến sĩ tiên phong

Võ Văn Tần sinh năm 1891, từ một gia đình có truyền thống yêu nước1 ở làng Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ lớn2. Được nuôi dưỡng trong không gian văn hóa với tinh thần quật khởi chống thực dân Pháp của Nhân dân Nam Bộ, Võ Văn Tần sớm thể hiện khát vọng và ý chí cứu nước, cứu dân khi lựa chọn và bắt đầu tham gia hoạt động yêu nước trong tổ chức Thanh niên Cao vọng Đảng3 của Nguyễn An Ninh4 (năm 1926). Cuối năm 1926, khi Hội Cách mạng Thanh niên ở Sài Gòn - Chợ Lớn ra đời và phát triển mạnh ở Nam bộ, Võ Văn Tần đã chính thức gia nhập tổ chức này và trở thành một trong những người thành lập chi hội đầu tiên của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ngay trên quê hương Đức Hòa. Sự kiện này là bước chuyển mạnh mẽ về tư tưởng của Võ Văn Tần khi quyết định dứt khoát trên lộ trình hoạt động cứu nước, cứu dân hướng theo con đường cách mạng vô sản dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đây cũng là dấu mốc xác định thời điểm đồng chí trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp suốt đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và con người Việt Nam.

Với sự kích hoạt mạnh mẽ năng lượng không giới hạn của tinh thần yêu nước, lại được định hướng bởi con đường cách mạng vô sản đã được cụ thể hóa bởi Nguyễn Ái Quốc, nhận thấy sự cần thiết phải có tổ chức cộng sản lãnh đạo cách mạng nước ta từ hoạt động thực tiễn ở Nam bộ, cuối năm 1929, Võ Văn Tần nhanh chóng tán thành và gia nhập An Nam cộng sản Đảng và trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của tổ chức này ở Gia Định. Là người tổ chức chuyển đổi chi bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Đức Hòa thành chi bộ An Nam cộng sản Đảng, Võ Văn Tần trở thành một Bí thư chi bộ cộng sản đầu tiên của Gia Định.

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí lại khẩn trương tổ chức thực hiện việc chuyển đổi chi bộ của An Nam cộng sản Đức Hòa thành chi bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động và trở thành Bí thư Quận ủy quận Đức Hòa...

Các sự kiện trên cho thấy sự lựa chọn tổ chức cách mạng và quá trình chuyển biến lập trường chính trị của Võ Văn Tần là một hiện tượng tất yếu trong một quá trình tự nhiên của sự vận động từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản của một lớp thanh niên Việt Nam khi nước ta đang trong tiến trình kết thúc một giai đoạn lịch sử cũ, chuyển sang giai đoạn phát triển mới của phong trào giải phóng dân tộc dưới tác động của thời đại mới kể từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga. Đó là con đường thẳng thông qua nhận thức đúng đắn của Võ Văn Tần khi đứng trước không ít sự lựa chọn với nhiều tổ chức, khuynh hướng chính trị và sự hấp dẫn khác nhau xuất hiện ở giai đoạn trung chuyển này của cách mạng nước ta. Sự tự nguyện dấn thân trở thành một nhà cách mạng chuyên nghiệp của Võ Văn Tần còn cho thấy đó là một quá trình tự nhận thức yêu nước đúng đắn, trực tiếp, không chịu tác động ban đầu nào khác để nhanh chóng lựa chọn con đường tranh đấu vì lợi ích dân tộc và nhanh chóng hướng theo con đường cách mạng vô sản dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Dù nhìn nhận ở góc độ nào cũng cho thấy những hoạt động của Võ Văn Tần cũng như những người đồng hành ở thời đoạn này, đã góp phần vào việc duy trì ngọn lửa yêu nước, tạo nên cơ sở xã hội mới về con người cho sự thâm nhập của chủ nghĩa Mác - Lênin vào nước ta và sau đó là sự đóng góp trực tiếp của đồng chí vào việc thúc đẩy nhanh quá trình chuyển biến của phong trào cách mạng Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản.

Nhà lãnh đạo kiên trung, tài năng

Hiện diện trong phong trào yêu nước của dân tộc, từng bước tham gia vào tiến trình vận động thành lập Đảng, nhưng không phải ngẫu nhiên, Đảng ta liên tục trao trách nhiệm ngày càng quan trọng hơn cho Võ Văn Tần: từ Bí thư chi bộ thôn đến cương vị Bí thư Quận ủy Đức Hòa (tháng 5/1930), từ Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn (tháng 6/1931), Bí thư tỉnh ủy Gia Định (giữa năm 1932) tới Bí thư Xứ ủy Nam kỳ (tháng 3/1937); tháng 9/19375, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (mở rộng), đồng chí trở thành Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng6.

Các sự kiện này càng trở nên có ý nghĩa đặc biệt khi Võ Văn Tần bắt đầu nhiệm vụ của mình ngay thời gian Đảng ta mới ra đời và trên các vị trí đòi hỏi năng lực, trách nhiệm ngày càng cao hơn trong tình trạng hệ thống Đảng trong toàn quốc và ở Nam Bộ mới hình thành đã liên tục bị đánh phá và tinh thần tranh đấu của quần chúng suy giảm bởi sự khủng bố kéo dài, hết sức tàn bạo của kẻ thù với âm mưu tiêu diệt Đảng khi còn non trẻ và dập tắt ngay ngọn lửa cách mạng đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng là phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh.

Trong điều kiện Xứ ủy Nam bộ liên tục bị tan vỡ, Ban Chấp hành Trung ương chưa được khôi phục7, thiếu sự chỉ đạo kịp thời, nhưng trên cương vị Bí thư Đảng bộ Chợ Lớn (năm 1931), Gia Định (năm 1932), Võ Văn Tần không chỉ độc lập lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương mà còn chủ động mở rộng hoạt động xuống các tỉnh miền Tây để khôi phục tổ chức Đảng8, tham gia xây dựng Liên tỉnh ủy Vàm Cỏ Đông và lập lại Xứ ủy Nam Kỳ (năm 1934). Xứ ủy Nam Kỳ tiếp tục bị phá vỡ (tháng 5/1935), đồng chí lại chủ động tham gia xây dựng lại Xứ ủy Nam Kỳ (tháng 11/1935), chuẩn bị cơ sở cho cơ quan Ban Chấp hành Trung ương chuyển từ nước ngoài về nước hoạt động9.

Là người trực tiếp chỉ đạo phong trào dân chủ ở Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc tổ chức các ủy ban hành động, phong trào Đông Dương Đại hội, thúc đẩy phong trào đấu tranh chống chiến tranh đòi dân sinh, dân chủ với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với đấu tranh công khai, bán công khai ở nơi đầu não của kẻ thù làm lan tỏa phong trào dân chủ sang các địa phương khác ở Nam Bộ. Trong vai trò Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Võ Văn Tần đã chủ động lãnh đạo tổ chức Nam bộ thành bốn liên tỉnh ủy10, đặt ra một “Ủy ban đặc trách công tác đồn điền” -“một thành tích mà xưa nay chưa làm được”11, đồng thời đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, trong đó Nam Kỳ có 655 trên tổng số 1.597 đảng viên của cả nước12.

Sau hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương (tháng 3/1938), các đồng chí Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong bị địch bắt, đồng chí Nguyễn Chí Diểu và Võ Văn Ngân ốm nặng, trên cương vị Thường vụ Trung ương Đảng, Võ Văn Tần cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ dốc sức chỉ đạo phong trào, đối phó với mọi thủ đoạn của thực dân Pháp và mọi mưu toan xảo trá của bọn tơrốtkít. Nhằm khắc phục những thiếu sót trong công tác lãnh đạo phong trào và xây dựng Đảng, đồng chí đã chủ động tổ chức nhiều hội nghị có tính chuyên đề của Xứ ủy Nam Kỳ nhằm đề ra biện pháp chấn chỉnh các tổ chức Đảng đến chi bộ; đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, kết nạp, nâng cao trình độ đảng viên; tăng cường công tác kiểm tra Đảng và đề ra các biện pháp chỉnh đốn hoạt động của các tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng...13 Những hoạt động này đã giúp cho Xứ ủy đẩy mạnh toàn diện các hoạt động của Đảng ở địa phương, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng trên cả nước và đồng thời đặt cơ sở về tổ chức cho việc chủ động thay đổi phương pháp hoạt động của Đảng khi thế chiến thứ hai bùng nổ.

Là Thường vụ Trung ương Đảng tham gia Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (tháng 11/1939), Võ Văn Tần lại đóng góp quan trọng vào thành công sáng tạo của Hội nghị trong quyết định đề ra Chính sách mới của Đảng. Đó là quyết định: (1) Thay đổi chiến lược của cách mạng tư sản dân quyền khi xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương, tất cả các vấn đề khác kể cả vấn đề ruộng đất đều phải nhằm vào mục đích ấy mà giải quyết; (2) Thay đổi hình thức tổ chức, phương pháp đấu tranh của Đảng; (3) Thay đổi mặt trận đoàn kết dân tộc mới cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ; (4) Quyết định “quyền giải quyết vận mệnh theo ý muốn của mình”14 đối với các dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia.

Ngay sau hội nghị, Võ Văn Tần đã lãnh đạo Xứ ủy Nam Kỳ cụ thể hóa, đưa Chính sách mới của Đảng vào thực tiễn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của phong trào cách mạng khi thực dân Pháp vứt bỏ chiếc mặt nạ dân chủ, thực hiện chế độ phát xít ở nước ta. Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế được tổ chức từ làng đến tỉnh và thống nhất trong toàn Xứ với nhiều loại hình tổ chức rộng rãi khác nhau được hình thành ở thành thị và nông thôn. Các đội tự vệ và du kích phát triển nhanh chóng. Phong trào đấu tranh của Nhân dân phát triển rộng khắp với số lượng người tham gia tăng lên không ngừng. Chỉ trong vòng ba tháng, từ cuối tháng 6 - 10/1940, số đảng viên Nam Kỳ tăng 60%15.

Tấm gương đạo đức cách mạng

Tự nguyện tham gia vào tổ chức yêu nước Thanh niên Cao vọng Đảng trở thành đảng viên của An Nam Cộng sản Đảng và Đảng Cộng sản Việt Nam để quyết tâm suốt đời trung thành lý tưởng của Đảng, của cách mạng vì độc lập cho dân tộc, vì tự do và hạnh phúc cho đồng bào là chuẩn mực đạo đức cách mạng hàng đầu mà Võ Văn Tần theo đuổi.

Sự trung thành đó được Võ Văn Tần thể hiện một cách hiệu quả trong toàn bộ các hoạt động cách mạng thông qua sự chấp hành kỷ luật và ra sức thực hiện thành công đối với mọi nhiệm vụ mà Đảng trao cho trên nhiều cương vị và ở các địa bàn trong những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau vượt qua mọi sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù là một biểu thị rõ nét chuẩn mực đạo đức của người cộng sản Võ Văn Tần. Hiệu quả đó được khẳng định toàn diện, không chỉ bằng thành công của đồng chí trong tiến trình xây dựng, tổ chức của Đảng mà còn trong xây dựng, tổ chức lực lượng chính trị đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hiệu quả đó càng có giá trị thực tiễn hơn khi tổ chức của Đảng ngày càng vững chắc, đội ngũ đảng viên của Đảng tăng lên về số lượng theo thời gian, ý chí và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được tăng cường và cùng với kết quả đó niềm tin của quần chúng cách mạng đối với Đảng luôn vững vàng ở ngay trong những thời điểm cam go nhất của cách mạng trước sự khủng bố tàn bạo của kẻ thù.

Cống hiến toàn bộ sức lực, trí tuệ cho Đảng và phong trào cách mạng trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi bị kẻ thù bắt, Võ Văn Tần đã kiên trung tranh đấu đến hơi thở cuối cùng. Đồng chí đã nêu một tấm gương sáng của người đảng viên cộng sản, một nhà lãnh đạo của Đảng đã thực hành “điều chủ chốt nhất” và là “tiêu chuẩn số một của người cách mạng”16 theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Kiên cường bám dân, bám phong trào để xây dựng Đảng, cơ sở cách mạng và lãnh đạo phong trào đấu tranh ở nơi sào huyệt của kẻ thù với các hoạt động phong phú và đa dạng, Võ Văn Tần đã góp phần duy trì và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng ở Nam Bộ trong những điều kiện đặc biệt khó khăn. Đặt vào hoàn cảnh lịch sử mới thấy hết những nỗ lực vượt qua mọi hiểm nguy của đồng chí để cống hiến cho Đảng và cách mạng nước ta. Những đóng góp đó không chỉ góp phần hiệu quả trong thực tiễn xây dựng và khôi phục hoạt động của Đảng, củng cố và phát triển phong trào cách mạng ở thời kỳ này mà còn đóng góp cho Đảng những sáng tạo về chủ trương, phương pháp cách mạng trong những điều kiện thực tiễn khác nhau.

Đó là sự phấn đấu không phải vì mục đích tự thân, danh lợi cá nhân, mà vì mục tiêu lý tưởng của Đảng để vượt qua mọi sự khó khăn, kể cả sự hy sinh cuộc sống, luôn “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”17 theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

 Chú thích:

1. Ông nội Võ Văn Tần là Võ Văn Lực hoạt động chống Pháp trong Thiên địa hội. Ông ngoại Võ Văn Tần tham gia kháng Pháp dưới sự chỉ huy của Trương Công Định (Võ Văn Tần Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2015, tr.30-32).

2. Nay thuộc tỉnh Long An.

3. Võ Văn Tần bắt đầu tham gia vào Thanh niên Cao vọng Đảng đầu năm 1926.

4. Theo Gs. Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn An Ninh không phải người cộng sản nhưng “đã tán thành hoàn toàn đường lối của Quốc tế cộng sản”. Trần văn Giàu: Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, H, q.3, tr.1463.

5. Họp từ ngày 25/8 - 4/9/1937.

6. Gồm 5 đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng là: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Chí Diểu, Võ Văn Tần.

7. Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Hồ Văn Long bị địch bắt năm 1932; Bí thư Xứ ủy Trương Văn Bang bị địch bắt năm 1933. Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng mới hình thành, đến năm 1935 Ban Chấp hành Trung ương mới được tổ chức lại.

8. Đồng chí xuống Mỹ Tho củng cố cơ quan tỉnh ủy Lâm thời.

9. Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định.

10. Báo cáo 6 tháng gửi Ban Phương Đông Quốc tế cộng sản ngày 4/4/1938, Ban Chấp hành Trung ương Đảng viết: Nam kỳ có một Xứ ủy, 4 liên tỉnh ủy, 11 tỉnh ủy, 122 chi bộ. Trừ 3 tỉnh chưa có tỉnh ủy cũng đã có huyện ủy, tổng ủy hay chi bộ rồi”.  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H,2000, tập 6, tr. 142, 352, 369, 370.

11,12,14. Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 6, tr 352.

13. Tại các hội nghị Xứ ủy vào tháng 1, 2 và 5 năm 1939.

15. Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, H. 1994, tập 1, tr. 44.

Phạm Hồng Chương

PGS.TS, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều