Vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

(Mặt trận) - Trải qua các giai đoạn lịch sử, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tập hợp được nhiều nhân sĩ, trí thức tiểu biểu, là biểu tượng của việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với mục tiêu, hòa bình, độc lập, dân chủ, cơm no, áo ấm... Mặt trận đã thu hút đông đảo nhân sĩ, trí thức tham gia và đã có những đóng góp to lớn trong việc phát huy vai trò của Mặt trận trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.
Trước yêu cầu đòi hỏi của cách mạng, ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, đại biểu các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo và các đảng phái đã họp và quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đại hội đã đề ra Tuyên ngôn và Chương trình hành động gồm 10 điểm nhằm giải qyết một cách đúng đắn những vấn đề cơ bản của cách mạng miền Nam. Chính vì vậy, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã có sức thu hút mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân trong vùng giải phóng và các đô thị lớn.

Ngày 16/2/1962 tại Tân Biên (Tây Ninh), Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (năm 1962) đã cử ra Ủy ban Trung ương lâm thời do luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một trí thức yêu nước nổi tiếng ở miền Nam làm Chủ tịch. Với lời kêu gọi: "Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại! Hãy xiết chặt hàng ngũ để chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ"2, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã thực sự tập hợp và xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời, khắp các huyện, tỉnh đều tổ chức thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng các cấp. Ủy ban Mặt trận địa phương được tổ chức ở bốn cấp: Cấp khu, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Cùng với việc thành lập Ủy ban Mặt trận ở nhiều địa phương là sự ra đời của các tổ chức thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Các tổ chức chính trị thành viên của Mặt trận được xây dựng và phát triển nhanh, có ảnh hưởng rộng rãi. Đặc biệt, sau khi Mặt trận ra đời, với Tuyên ngôn và Chương trình hành động của mình, trong năm 1961, các tổ chức quân sự, tổ chức giai cấp, các tôn giáo, các dân tộc và các giới đồng bào ở miền Nam lần lượt thành lập các hội đoàn và trở thành thành viên chính thức của Mặt trận.

Với chương trình hoạt động thiết thực và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:

Một là, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - ngọn cờ tập hợp xây dựng khối đoàn kết toàn dân đấu tranh chống Mỹ, cứu nước. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - người lãnh đạo, tổ chức các cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chống đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc. Với vai trò xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã giải quyết đúng đắn, sáng tạo vấn đề tập hợp rộng rãi lực lượng cách mạng và liên minh chính trị phù hợp với cơ cấu xã hội Việt Nam.

Trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh, Người đặt nền móng cho quan điểm tư tưởng của Đảng về công tác Mặt trận đã khẳng định: "Chính sách mặt trận là một chính sách rất quan trọng. Công tác mặt trận là một công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng. Các cán bộ và đảng viên ta cần nắm vững và chấp hành đúng nghị quyết của Đại hội Đảng và nghị quyết Bộ Chính trị về vấn đề Mặt trận Dân tộc thống nhất. Trong cách mạng cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, mặt trận dân tộc vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam"3.

Đứng trước cảnh đồng bào miền Nam đang hàng ngày, hàng giờ hy sinh xương máu, anh dũng đấu tranh chống bọn cướp nước, hại dân, giành lấy quyền sống, quyền tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân miền Nam "đoàn kết chặt chẽ chung quanh Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, đồng bào miền Nam không phân biệt trai, gái, già, trẻ; không phân biệt sĩ, nông, công, thương; không phân biệt người Kinh, người Thượng; đồng tâm nhất trí, vượt qua mọi gian khổ, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng"4.

Thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tập hợp quần chúng nhân dân, không phân biệt đối xử, trên dưới một lòng, huy động sức mạnh toàn dân tộc đấu tranh phá "ấp chiến lược" và gom dân - vấn đề có ý nghĩa quyết định thắng hay bại, sống hay chết của chế độ Mỹ, Diệm ở miền Nam trong chiến lược "chiến tranh đặc biệt". Đây là chiến lược chiến tranh dùng người Việt đánh người Việt bằng đôla và cố vấn Mỹ, tiến hành bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Vì vậy, Ủy ban Trung ương lâm thời Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra Tuyên bố hiệu triệu hàng triệu người dân miền Nam, tập trung mọi nỗ lực, kiên quyết đánh thắng chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ - Ngụy. Để động viên toàn dân kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (năm 1962) chủ trương thành lập một chính quyền liên minh dân tộc dân chủ rộng rãi ở miền Nam; thông qua Cương lĩnh với 10 chính sách đối nội, đối ngoại để thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam, trong đó đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu, tập trung mũi nhọn vào đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai và biểu thị lòng mong muốn đoàn kết rộng rãi, sẵn sàng cộng tác với tất cả những ai có tinh thần yêu nước.

Hai là, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tích cực đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi khắp ba vùng đồng bằng, rừng núi và thành thị, phối hợp chặt chẽ với phong trào đấu tranh vũ trang để đẩy lùi bước tiến công của địch, giành lại và bảo vệ quyền lợi thiết thực của nhân dân, đưa cách mạng tiến lên. Phổ biến rộng rãi khẩu hiệu đấu tranh của Ủy ban và động viên các tầng lớp nhân dân đấu tranh mạnh mẽ dưới mọi hình thức.

Trong đô thị, đấu tranh chính trị đòi quyền dân sinh, dân chủ thiết thực đã lôi cuốn hàng triệu người. Qua các cuộc đấu tranh đã hình thành sự liên kết giữa nhiều giai cấp, tầng lớp như cuộc biểu tình của 70 vạn người thuộc các giới như học sinh, công nhân, viên chức… xuống đường ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào Huế phản đối chính quyền Diệm cấm treo cờ vào ngày lễ Phật đản và khủng bố tín đồ Phật giáo… Để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân, Mặt trận và Bộ chỉ huy quân sự phát động phong trào thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công, phong trào thi đua quyết thắng… Với chiến thắng Bình Giã (1964 - 1965) đã làm phá sản hoàn toàn chiến lược "chiến tranh đặc biệt”.

Ba là, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tập hợp toàn dân đẩy mạnh đấu tranh võ trang. Sau những thất bại liên tiếp của của Mỹ trên chiến trường miền Nam, với quyết tâm xâm lược miền Nam Việt Nam, Mỹ tiếp tục tiến hành chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", chiến lược mà Mỹ sử dụng tổng hợp ba loại chiến tranh: chiến tranh giành dân, chiến tranh bóp nghẹt và chiến tranh hủy diệt. Đứng trước những chuyển biến to lớn của cách mạng miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã động viên nhân dân bám đất, bám làng, phối hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, từng bước đập tan kế hoạch "bình định" của Mỹ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xây dựng các đội quân võ trang tự vệ, xã chiến đấu ở khắp nơi, đánh địch liên tục rộng khắp nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch.

Bốn là, phát huy vai trò tích cực trong hoạt động đấu tranh ngoại giao. Là một tổ chức của phong trào yêu nước do quần chúng nhân dân xây dựng nên, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam không chỉ là người lãnh đạo, tổ chức xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân đấu tranh chống đế quốc Mỹ mà còn là người đại diện nhân dân đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, gắn phong trào cách mạng Việt Nam với cuộc đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ trên thế giới. Với phương châm giương cao ngọn cờ độc lập, hòa bình, đề cao chính nghĩa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới, Mặt trận đã từng bước vận động các nước, các tổ chức quốc tế công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam. Trên cơ sở đó, đưa tiếng nói của nhân dân miền Nam tới các diễn đàn, các cơ quan thông tấn, báo chí, làm cho bạn bè hiểu sự giả dối của luận điệu "đàm phán không điều kiện" của Mỹ. Mặt trận đã cử nhiều đoàn đại biểu thăm các nước anh em, dự nhiều hội nghị quốc tế.

Mặt trận tích cực tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ, phê phán và bác bỏ luận điệu xuyên tạc của chính quyền Johnson về đàm phán hòa bình không điều kiện và kiên quyết bác bỏ trung gian trong đàm phán. Tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của Chính phủ và nhân dân các nước Á, Phi, Mỹ Latinh, phong trào không liên kết, những người có thiện chí ở phương Tây, giải thích họ hiểu, đồng tình và ủng hộ quan điểm Việt Nam, bản Tuyên bố của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ngày 22/3/1965 về việc Mỹ tăng cường mở rộng chiến tranh xâm lược miền Nam và nêu rõ lập trường 5 điểm của nhân dân miền Nam Việt Nam đã được 27 Đảng cộng sản và công nhân, 22 chính phủ, 22 tổ chức quốc tế, 446 tổ chức và đoàn thể quốc gia của 92 nước ủng hộ.

Với quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đứng trước chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mỹ, Mặt trận dân tộc giải phóng đã vận dụng sách lược ngoại giao một cách khôn khéo, linh hoạt nhằm khoét sâu mâu thuẫn giữa Mỹ và các đế quốc khác, phân hóa nội bộ bọn cầm quyền Mỹ, cô lập bọn hiếu chiến ngoan cố nhất làm tan rã tinh thần ngụy quân, ngụy quyền, làm hoang mang tinh thần quân Mỹ, quân chư hầu, tạo thêm điều kiện cho đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị của ta ở miền Nam giành thắng lợi lớn. Buộc Mỹ phải chấp thuận lập trường 4 điểm của ta trong đó phải công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là người đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam và phải thương lượng với Mặt trận, rút hết quân đội Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam.

Trước sự ủng hộ ngày càng lớn mạnh của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra sức tuyên truyền cuộc đấu tranh chính nghĩa và lập trường hòa bình của nhân dân Việt Nam, vạch trần tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra. Mặt trận khẳng định: Nếu đế quốc Mỹ ngoan cố và điên cuồng vũ trang xâm lược quy mô toàn miền Nam Việt Nam để thực hiện mưu mô nô dịch nhân dân ta, thì nhân dân Việt Nam quyết tâm đoàn kết, hy sinh, chiến đấu đến cùng để giữ vững nền độc lập, giành quyền sống, tự do, dân chủ cho mình. Đồng thời, để bảo vệ hòa bình, Mặt trận không ngừng tuyên truyền cho mọi người hiểu rằng đế quốc Mỹ là kẻ xâm lược, chà đạp lên mọi điều khoản của Hiệp định Giơnevơ 1954, từ bên kia Thái Bình Dương đem bom đạn, chất độc hóa học rải xuống miền Nam Việt Nam hòng áp đặt sự thống trị của họ lên đất nước ta. Để giành quyền sống, nhân dân miền Nam Việt Nam không còn con đường nào khác là phải nổi dậy chiến đấu. Mặt trận kêu gọi nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, đòi giải tán ngay Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Trong lúc lực lượng hiếu chiến trên thế giới đang chạy đua vũ trang, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã giương cao ngọn cờ hòa bình, trung lập, khẳng định quyết tâm cùng nhân dân thế giới chặn tay bọn hiếu chiến, giữ gìn hòa bình. Quyết tâm đó thể hiện ý chí của nhân dân miền Nam quyết đánh và quyết thắng chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ dưới mọi hình thức. Là mong mỏi của nhân dân ta muốn làm bạn với tất cả các dân tộc, không phân biệt chế độ chính trị hay xã hội.

Chủ trương miền Nam hòa bình, trung lập đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của tất cả những ai muốn hòa bình, phản đối chiến tranh, mở rộng mặt trận đoàn kết quốc tế, không phân biệt chính kiến, đảng phái, tôn giáo. Do vậy, trên thế giới có những lực lượng không tán thành chủ nghĩa xã hội nhưng lại nhiệt tình ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân miền Nam Việt Nam. Gắn chặt cuộc đấu tranh của nhân dân ta với phong trào bảo vệ hòa bình thế giới, với phong trào các nước không liên kết, đồng thời có tác dụng rất lớn trong việc lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước đế quốc, cô lập Mỹ.

Năm 1968, trước những thắng lợi trên mặt trận quân sự của nhân dân hai miền Nam - Bắc đã buộc giới cầm quyền Mỹ phải thừa nhận một thực tế là họ không thể dùng một lực lượng quân đội viễn chinh Mỹ để thắng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chính phủ Mỹ phải tuyên bố chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc và chấp nhận họp Hội nghị bốn bên ở Pari.

Sau một thời gian kiên trì đấu tranh trên bàn đàm phán, cùng với những thắng lợi trên chiến trường, ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari chính thức được ký kết. Sau khi Hiệp định được ký kết, Mặt trận Dân tộc giải phóng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức quốc tế, quốc gia nhất là các tổ chức dân chủ để đòi chính quyền miền Nam trao trả hết tù binh chính trị của ta, đòi Mỹ thi hành nghiêm chỉnh và triệt để Hiệp định Pari. Luôn đi sát với thực tế cách mạng miền Nam, Mặt trận đã giương cao ngọn cờ độc lập, hòa bình để tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc, các nước anh em và nhân dân thế giới, ngăn chặn Mỹ can thiệp trở lại, chuẩn bị dư luận cho cuộc phản công và tiến công giành thắng lợi hoàn toàn (ngày 30/4/1975), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trần Thị Mỹ Hường

TS, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Chú thích:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002, tập 20, tr. 85-86.

2. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Nxb. Sự thật, H. 1961, tr. 9.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, Tập 13, tr. 453

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 14, tr. 79.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002, tập 23, tr. 951.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều