Vai trò Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

(Mặt trận) - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có vai trò đặc biệt quan trọng trong hành trình thực hiện khát vọng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom phá hoại miền Bắc, rút dần quân Mỹ về nước và ngồi vào bàn đàm phán tại Paris, mở đầu cho những thắng lợi quan trọng và cơ hội hòa bình, thống nhất đất nước.

1. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - người đại diện chân chính, duy nhất, tổ chức và lãnh đạo các lực lượng yêu nước ở miền Nam Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập ngày 20/12/1960 tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Đến ngày 15/2/1961, các lực lượng vũ trang trên toàn miền Nam thống nhất thành Quân giải phóng miền Nam, do Bộ Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam Việt Nam chỉ huy, đồng thời Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã làm lễ kết nạp lực lượng Quân giải phóng là thành viên chính thức. Như vậy, có thể thấy về mặt tổ chức công khai, Quân giải phóng là lực lượng quân sự của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Để chuẩn bị cho việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược nhằm đánh bại chiến tranh xâm lược của Mỹ trong năm 1968, từ tháng 12/1967, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp và ra Nghị quyết về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Nghị quyết nêu rõ: “Tấn công quân sự trên các chiến trường và sự nổi dậy của đô thị lớn là hai mũi tiến công chính kết hợp chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau và thúc đẩy toàn bộ cuộc tổng tiến công và tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn - Nam Bộ và Trị Thiên - Huế, trọng điểm là Sài Gòn, Huế và các thành phố lớn”(1). Đến tháng 1/1968, tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sau khi đánh giá thắng lợi to lớn của quân dân ta trong việc đánh bại Chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ, đã quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Hội nghị xác định nhiệm vụ trọng đại cấp bách trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực lớn nhất ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta lên bước phát triển cao hơn. Dùng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định, đạt mục tiêu chiến lược, tiêu diệt và làm tan rã quân ngụy, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ. Về Mặt trận, nghị quyết Hội nghị nhấn mạnh, cần thành lập một Mặt trận thứ hai bên cạnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, lấy một tên thích hợp và Cương lĩnh rộng rãi hơn Cương lĩnh của Mặt trận. Thực hiện chủ trương, đường lối chỉ đạo cuộc Tổng tiến công do Đảng Cộng sản Việt Nam vạch ra, đúng 18 giờ ngày 30/1/1968 (đêm mồng một Tết Mậu Thân), Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lệnh cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng và đồng bào miền Nam nhất tề xông lên diệt thù: “Các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng, các lực lượng đấu tranh chính trị, toàn thể hội viên các hội giải phóng hãy sát cánh cùng các lực lượng yêu nước khác và toàn thể đồng bào nhất tề xông lên, quyết trừng trị đích đáng quân Mỹ xâm lược và bọn Thiệu - Kỳ tay sai bán nước”(2). Đây là văn kiện chính thức công khai về mệnh lệnh cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Sau mệnh lệnh của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, lần lượt các tổ chức thành viên thuộc Mặt trận đều ra Lời kêu gọi gửi tới các hội viên, cũng như toàn thể đồng bào miền Nam Việt Nam hưởng ứng và chấp hành mệnh lệnh Tổng tiến công và nổi dậy. Lời kêu gọi của Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 2/2/1968 ghi rõ: “Hãy siết chặt hàng ngũ, dũng cảm xốc tới, kiên quyết chấp hành lệnh tiến công của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”(3). Tiếp đó là các tổ chức, đoàn thể, như: Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam (ngày 11/2); Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng, Hội Liên hiệp Sinh viên giải phóng (ngày 17/2).

Đối với các lực lượng vũ trang, ngay sau mệnh lệnh của Đoàn Chủ tịch, Bộ chỉ huy Các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra Thông cáo đặc biệt cùng Lời kêu gọi: “Kiên quyết chấp hành mệnh lệnh của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, toàn thể cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhận rõ trách nhiệm trước nhân dân, Tổ quốc”(4). Tiếp đó, trong các Bản Thông cáo số 2 (ngày 6/2) và số 3 (ngày 26/2) ghi rõ: Thừa lệnh Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam kêu gọi toàn quân, toàn dân thừa thắng xông lên quyết giành toàn thắng. Bản Thông cáo số 4 của Bộ chỉ huy Các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam (ngày 19/3) còn khẳng định rõ vai trò lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đối với các lực lượng vũ trang và chủ trương Tổng tiến công: “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam người cổ vũ và tổ chức mọi thắng lợi của nhân dân ta ở miền Nam. Chủ trương của Mặt trận mở cuộc tiến công và nổi dậy vĩ đại là hoàn toàn chính xác”(5).

Ngay sau khi mệnh lệnh được công bố, quân dân miền Nam đã tiến hành tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt đánh vào hầu hết các cơ quan đầu não, căn cứ quân sự, hệ thống giao thông thủy bộ, kho tàng của địch ở hầu khắp các thành phố thị trấn, thị xã và những vùng nông thôn còn bị địch kiểm soát suốt từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau, chiếm một số nơi, phát động quần chúng nổi dậy, đập tan bộ máy cơ sở của chế độ Sài Gòn.

2. Mặt trận phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kêu gọi toàn dân đoàn kết nổi dậy

Để giành thắng lợi trong Tổng tiến công, không thể chỉ dựa vào vai trò của các lực lượng vũ trang, cách tốt nhất là kết hợp giữa công tác quân sự và nổi dậy của quần chúng. Mối quan hệ giữa công kích và nổi dậy là mật thiết. Quá trình tổng tiến công và nổi dậy là một cuộc chiến đấu của quần chúng cách mạng về cả vũ trang lẫn chính trị. Yêu cầu đặt ra cho tổng khởi nghĩa là: Đập tan các cơ quan chỉ huy đầu não, làm tan rã hệ thống kìm kẹp của địch, thành lập chính quyền cách mạng, do vậy chỉ có phát huy sức mạnh tổng hợp, vừa đánh vừa phát triển lực lượng thì mới thực hiện được yêu cầu. Cuộc tổng tiến công phải có tính chất quần chúng thực sự. Nếu chỉ riêng bộ đội chủ lực, hay bất kỳ một lực lượng nào và nếu không có sự chuẩn bị tốt thì không thể nào làm được.

Bên cạnh việc ban hành mệnh lệnh Tổng tiến công, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam còn ra Lời kêu gọi gửi tới toàn thể đồng bào đứng lên đoàn kết trong Mặt trận, cùng nổi dậy giành chính quyền. Ngày 1/2/1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kêu gọi công chức, viên chức, nhân viên, binh sĩ chính quyền Sài Gòn trở về với nhân dân, gia nhập hàng ngũ Mặt trận: “Những người đang ở ngã ba đường hãy bỏ đời lính đánh thuê cho giặc về với quê hương, hãy quay súng bắn vào bọn Việt gian, cùng nhân dân đánh bại quân Mỹ, cứu nước lập công. Các bạn binh sĩ hãy khởi nghĩa chống Mỹ - Thiệu và ly gián với đội quân bán nước. Chúng tôi sẵn sàng đón tiếp các bạn trở về với nhân dân và cũng sẵn sàng để các bạn gia nhập Mặt trận”(6).

Ngày 3/2/1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kêu gọi toàn quân, toàn dân, các tầng lớp nhân dân ở thành thị và các vùng tạm thời bị địch kiểm soát; nhân dân vùng mới giải phóng; đồng bào vùng giải phóng cũ và vùng căn cứ cách mạng hãy đoàn kết không phân biệt già, trẻ, tín ngưỡng, tôn giáo, thừa thắng xông lên. Đồng bào thành lập các đội vũ trang tự vệ bảo vệ chính quyền cách mạng, tổ chức lại sản xuất và chiến đấu để phục vụ tiền tuyến.

Chuẩn bị cho giải pháp chính trị sau khi giải phóng bằng tiến công và nổi dậy, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam còn mở rộng khối liên minh, đoàn kết toàn dân tộc, nhằm tranh thủ đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân.

Ngày 20/4/1968, Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (LMCLLDTDC và HB Việt Nam) ra đời. Uỷ ban Trung ương do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch, Hòa thượng Thích Đôn Hậu và Kỹ sư Lâm Văn Tết đồng Phó Chủ tịch. LMCLLDTDC và HB Việt Nam chủ trương đoàn kết mọi lực lượng và cá nhân yêu nước, kiên quyết chống ngoại xâm, đánh đổ toàn bộ chế độ bù nhìn Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ, thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc, giành độc lập, dân chủ và hòa bình. Bản Tuyên ngôn cứu nước của Liên minh khẳng định 3 điểm chương trình hoạt động: Chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hòa bình, giành độc lập và chủ quyền dân tộc; Kiến tạo Nam Việt Nam thành một quốc gia độc lập, tự do, hòa bình, trung lập và thịnh vượng; Tiến tới hòa bình, thống nhất nước nhà trên cở sở hai miền Nam Bắc bàn bạc, thương lượng bình đẳng và tôn trọng đặc điểm của nhau(7). Thừa nhận vai trò và cống hiến của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trong sự nghiệp chiến đấu chống ngoại xâm, Liên minh chủ trương hợp tác với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, khẳng định Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam không thể vắng mặt trong việc giải quyết mọi vấn đề ở miền Nam Việt Nam.

Có thể thấy sự ra đời của LMCLLDTDC và HB Việt Nam đã đánh dấu bước phát triển mới của khối đại đoàn kết toàn dân, đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta trên các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao trong giai đoạn mới. Triệt để cô lập đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, làm phân hóa thêm địch đến mức cao nhất, tập hợp thêm những cá nhân và tầng lớp trung gian tại các đô thị đứng lên chống Mỹ. Liên minh độc lập với Mặt trận, nhưng thực hiện liên minh với Mặt trận và tất cả những người muốn đấu tranh cho miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình và trung lập. Trong thành phần lãnh đạo Liên minh có ông Tôn Thất Dương Kỵ giữ vai trò Tổng Thư ký, nhưng trước đó từ năm 1964, với bí danh Dương Kỳ Nam, ông đã là ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. LMCLLDTDC và HB Việt Nam ra đời là một sự kiện chính trị có tầm quan trọng to lớn, đánh dấu bước phát triển mới có ý nghĩa của khối đại đoàn kết chống Mỹ cứu nước của toàn dân ta, đánh dấu sự phá sản toàn diện của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, sự cô lập cao độ và sụp đổ không thể nào tránh khỏi của ngụy quyền tay sai.

3. Mặt trận tổ chức và thành lập chính quyền cách mạng nhân dân tại các vùng mới giải phóng

Một trong những nhiệm vụ và mục tiêu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy là thành lập chính quyền nhân dân, nhằm thay thế chính quyền bù nhìn phản động của Chính thể Việt Nam Cộng hòa. Nghị quyết Hội nghị 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 1/1968) cũng xác định: Việc tổ chức chính quyền nhân dân cần có tính chất liên hiệp rộng rãi, phù hợp với sách lược của Mặt trận. Cần chuẩn bị những người tiêu biểu để đưa vào chính quyền liên hiệp dân tộc.

Trong việc thực hiện nhiệm vụ này, vai trò của Mặt trận hết sức quan trọng khi đã vận động được nhiều nhân sĩ yêu nước và người có uy tín đứng ra đảm nhiệm các công việc chính quyền. Huế là đô thị miền Nam thành công nhất trong việc thành lập và tổ chức hoạt động chính quyền mới. Ngày 14/2/1968, đại diện các lực lượng cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã họp thành lập Uỷ ban nhân dân Cách mạng Thừa Thiên - Huế làm cơ quan đại biểu cho ý chí và quyền lợi của nhân dân, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Ủy ban do ông Lê Văn Hảo làm Chủ tịch. Nhiệm vụ của Ủy ban là: Tăng cường đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh cuộc đấu tranh vũ trang, chính trị và binh vận; lãnh đạo nhân dân sản xuất, thực hành tiết kiệm, xây dựng y tế, văn hóa, giáo dục, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân(8). Sau Uỷ ban nhân dân cách mạng thành phố, các Uỷ ban nhân dân cách mạng phường lần lượt được thành lập. Ngày 15/2, Uỷ ban nhân dân cách mạng ra Thông cáo số 1 nêu rõ: Xóa bỏ các tổ chức ngụy quyền của bè lũ bán nước Thiệu, Kỳ từ tỉnh, thành phố đến thôn xã; Thừa nhận Uỷ ban nhân dân cách mạng các cấp huyện, xã, quận, khu phố do nhân dân và quân khởi nghĩa đã lập ra, coi đó là chính quyền hợp pháp duy nhất của nhân dân; thi hành các biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tôn trọng các quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm,… Đặc biệt, bản Thông cáo còn thể hiện rõ chủ quyền khi ra tuyên bố: “Quân đội Mỹ không được can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam, phải đóng quân tại chỗ. Mọi việc di chuyển quân phải được chính quyền cách mạng Việt Nam cho phép”(9).

Có thể khẳng định, việc thành lập chính quyền nhân dân là một thắng lợi chính trị to lớn. Để hỗ trợ Quân giải phóng, nhiều người dân đã tình nguyện nấu cơm, cung cấp thực phẩm để Quân giải phóng tiếp tục chiến đấu. Quần chúng đào công sự chống địch phản kích, thanh niên bổ sung vào các lực lượng vũ trang… Sinh viên, học sinh viết khẩu hiệu cổ vũ Quân giải phóng, đả kích đế quốc Mỹ và tay sai, kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền ra đầu thú và tham gia giữ gìn trật tự trị an địa phương. Thậm chí, người dân đã tổ chức mít-tinh ngay tại nội đô để ủng hộ Quân giải phóng. Công nhân, tiểu thương, phật tử, trí thức và cả tư sản đều tham gia chính quyền, mặc dù chỉ duy trì trong một thời gian ngắn. Các cơ sở của ngụy bị tan rã nhanh chóng. Ngụy quân, ngụy quyền sắp hàng ra đăng ký trình diện, nhân viên ngụy quyền được lệnh tập trung ở cơ quan cũ, làm việc, quản lý tài liệu, máy móc, đó là do uy thế nổi dậy của quần chúng quá lớn.

Ngày 23/2/1968, toàn bộ lực lượng cách mạng tại Huế rút ra ngoài thành phố. Việc giữ được thành phố trong 25 ngày là lâu nhất so với các thành phố khác, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung về chính trị của Tổng tiến công và nổi dậy. Tuy lực lượng cách mạng đã rút khỏi Huế, nhưng hoạt động của Uỷ ban nhân dân Cách mạng vẫn được duy trì tiếp sau này với rất nhiều hoạt động cụ thể. Ngày 28/2/1968, Uỷ ban nhân dân Cách mạng ra Thông cáo số 2 đề ra các nhiệm vũ cấp thiết: “Với những vùng chiến sự còn giằng co, chú ý sơ tán đồng bào, hướng dẫn và vận động đồng bào còn ở lại đào hầm hào tránh máy bay, đại bác, bám ruộng vườn vừa chiến đấu vừa sản xuất, vệ sinh phòng bệnh chống những nạn dịch hoặc các bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra; Đối với vùng mới giải phóng, ra sức củng cố chính quyền cách mạng, truy lùng bọn địch lén lút phá hoại..; Đối với thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ, chính quyền các cấp cần quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo; Đối với đồng bào ở nông thôn chạy vào thành phố nay trở về quê cũ cần đoàn kết, giúp đỡ mọi điều kiện để làm ăn, ổn định đời sống; Đối với ngụy quân, ngụy quyền đã trở về với nhân dân, cần giáo dục, giúp đỡ họ làm ăn lương thiện”(10). Ngày 20/4, Uỷ ban nhân dân Cách mạng Thừa Thiên - Huế ra nhiệm vụ mới cho quân dân toàn tỉnh: Bám sát ruộng vườn, tích cực sản xuất và chiến đấu, giữ vững và bảo vệ vùng giải phóng, đóng góp nuôi quân, đoàn kết giúp đỡ đồng bào sơ tán; thừa thắng xông lên tiếp tục tiến công và nổi dậy. Uỷ ban nhân dân Cách mạng cũng nghiên cứu các vấn đề ruộng đất, xây dựng dự toán ngân sách năm 1968, chuẩn bị xây dựng quy ước nông thôn nhằm đảm bảo thực hiện đời sống mới đoàn kết, vui tươi, lành mạnh.

Thắng lợi của Tổng tiến công đã tiêu diệt một bộ phận lớn quân địch. Ngụy quyền từ Trung ương tới địa phương bị rối loạn, tê liệt và tan vỡ với những mức độ khác nhau. Thế trận và so sánh lực lượng giữa ta và địch thay đổi, tạo cục diện mới, thế chiến lược mới và những khả năng mới cho cuộc kháng chiến của ta, chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ bị phá sản, ý chí xâm lược của Mỹ bị lung lay, buộc Mỹ phải chịu đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mang tầm vóc chiến lược to lớn. Góp phần vào chiến thắng này có công lao to lớn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã thực hiện đúng Nghị quyết Trung ương 14 đề ra là: Chuẩn bị lực lượng, phát triển các tổ chức quần chúng; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương và Cương lĩnh hoạt động của Mặt trận; thành lập được Liên minh, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc; thành lập chính quyền cách mạng tạo tiền đề để thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam sau này.

Tạ Văn Sỹ

Tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Tài liệu tham khảo:

1.         Huế xuân 68 (1988), Thành ủy Huế, tr.8.

2.         Báo Nhân dân số 5043 năm 1968.

2.         Báo Nhân dân số 5050 năm 1968.

4.         Báo Nhân dân số 5046 năm 1968.

5.         Báo Nhân dân số 5094 năm 1968.

6.         Biên niên sự kiện lịch sử Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam tập II (1954 - 1975), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2004), Nxb Chính trị quốc gia, tr.554.

7.         Báo Nhân dân số 5131 năm 1968.

8.         Báo Nhân dân số 5058 năm 1968.

9.         Báo Nhân dân số 5060 năm 1968.

10.       Báo Nhân dân số 5078 năm 1968.

 

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều