Võ Văn Kiệt với tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh

(Mặt trận) - Bài viết dưới đây đề cập tới một trong những nhân tố hàng đầu và căn bản nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh - tư tưởng đại đoàn kết dân tộc - đã góp phần tạo nên phẩm chất mang tên Võ Văn Kiệt. Bởi như ông viết, do đã “thường xuyên, kiên trì học tập và nghiên cứu, thực hành tư tưởng, đạo đức và phong cách” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã đạt tới sự thấu hiểu sâu sắc nhất với tư tưởng đại đoàn kết của Người, từ đó thể hiện rất thành công trong hoạt động lý luận và thực tiễn của mình.

 Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Là một nhà hoạt động thực tiễn, ông viết không nhiều về con người, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng mỗi bài, mỗi câu viết và mọi hoạt động thực tiễn cách mạng của Võ Văn Kiệt đều bày tỏ một sự khâm phục và chứa đựng sự am tường sâu sắc về tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh. Ông khâm phục và nhìn nhận tư tưởng đại đoàn kết đó “là một tư tưởng lớn của Bác”, đồng thời cũng khẳng định đó là “một đạo lý lớn của dân tộc”. 

Trong nghiên cứu, ông thấy rõ “đoàn kết là bản năng của nhiều loài sinh vật” đã “phát triển thành một nhu cầu có ý thức” ở loài người. Nên khi soi vào lịch sử Việt Nam và lịch sử các dân tộc thế giới, ông “nghiệm thấy” rằng sự “đậm nhạt” của đoàn kết “có quan hệ mật thiết với sức mạnh quốc gia, với sự hưng thịnh của các nền văn minh”.

Trích dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Nên học sử ta (1942): “Sử ta đã dạy cho ta bài học này: lúc nào nhân dân ta đoàn kết muôn người như một thì đất nước ta độc lập tự do. Trái lại, lúc nào nhân dân ta không đoàn kết  thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi...”, và dẫn từ bài Kính cáo đồng bào (1941) quan điểm của Người: “Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật ta chỉ cần một điều: toàn dân đoàn kết. Trong lúc này quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại. Cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm”, Võ Văn Kiệt khẳng định: “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả rực rỡ của tư tưởng đó”.

Ông đã phân tích và chỉ rõ, nhờ tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, “không chỉ có sĩ, nông, công thương, binh, mà cả vua quan triều Nguyễn cũng ngả theo cách mạng. Nhờ đó, kẻ xâm lược mất đi chỗ dựa ban đầu. Kẻ thù trong nước bị tê liệt. Còn những người có tâm huyết với nước, với dân thì được thu phục và tận tụy đến cùng với cách mạng và kháng chiến”.

Bên cạnh đó, ông thấy rõ sức mạnh vĩ đại của tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh “không chỉ đóng khung trong phạm vi quốc gia, mà được thể hiện cả trên phạm vi quốc tế” khi nước nhà độc lập. Đồng thời, khi nghiên cứu các hoạt động quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước Cách mạng Tháng Tám nhằm “ra sức tìm kiếm những quan hệ với bất cứ nước nào có thể đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc”, ông cũng phát hiện ra hiệu quả to lớn của tư tưởng đoàn kết của Người. Ông thấy rằng, trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, hoạt động đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy chưa có kết quả như ý, “nhưng ít nhất thì tấm lòng chân thành đó cũng đã có sức mạnh kiềm chế kẻ thù, giảm thiểu được khả năng đối đầu, trì hoãn xung đột bất lợi, bảo vệ thành quả đầu tiên của cách mạng”.

Võ Văn Kiệt cũng là người nhìn nhận rất chính xác tác động của tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh trong điều kiện lịch sử mới, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận tại Đại hội II của Đảng (1951) về tính chất của Đảng: “Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”.

Là người trực tiếp lăn lộn ở miền Nam trong cả hai cuộc kháng chiến ở thế kỷ XX, “sống trong lòng dân thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội”, Võ Văn Kiệt thấy “bài học về sức mạnh dân tộc càng thấm sâu vào trong máu thịt” của mình. Từ thực tiễn đó, ông thấy rõ tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh “lại một lần nữa bừng lên mạnh như một sức mạnh vĩ đại của cả dân tộc” trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Dưới ánh sáng của tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, như ông viết - sức mạnh đoàn kết của mọi thành phần khác nhau trong xã hội miền Nam lúc đó “đã làm cho chính quyền tay sai đã bị cô lập lại càng bị cô lập hơn, đã suy yếu càng suy yếu hơn. Lực lượng cách mạng đã lớn mạnh càng lớn mạnh hơn”.

Ông cũng nhìn rõ tinh thần đoàn kết quốc tế, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, “cũng đạt được nhiều kết quả thật ngoạn mục”, “đã làm cho kẻ thù xâm lược Việt Nam càng ngày càng bị cô lập. Trong các nước xã hội chủ nghĩa, tư tưởng đoàn kết quốc tế của Bác Hồ đã làm cho những người bạn lớn của chúng ta dù còn mếch lòng với nhau nhưng vẫn luôn luôn nhất trí ủng hộ sự nghiệp kháng chiến của chúng ta”.   

Sự am tường về tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh đã làm Võ Văn Kiệt trăn trở khi ông thấy tư tưởng vĩ đại, đạo lý lớn của dân tộc có lúc đã bị coi nhẹ, nhất là sau thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp và Mỹ. Ông nhận thấy, sau kháng chiến chống Pháp, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc đã bị thay bằng “quan điểm giai cấp đã được vận dụng máy móc một chiều” mà “nhiều nhân sĩ yêu nước và nhiều nhà kinh doanh có công với cách mạng đã không được coi là bạn nữa, gây nên những tổn thất lớn về chính trị và kinh tế”. Và ông đi tới nhận định: “Tư tưởng thành phần chủ nghĩa đã dẫn đến hai kết quả: làm mất đi nhiều tài năng của một bộ phận đáng kể trong dân tộc, đồng thời đưa một cách gượng ép những nhân tố rất cơ bản về chính trị nhưng lại không đủ chất lượng trong quản lý và xây dựng”. 

Võ Văn Kiệt cũng cho rằng, sau khi miền Nam được giải phóng, thống nhất Tổ quốc, nhiều vận hội đã mở ra cho cả nước, “lòng người cũng quy về một mối”, nhưng ý thức đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh lại một lần nữa phần nào bị sao nhãng “bởi bệnh chủ quan và say sưa vì chiến thắng, bởi những cách nhìn hẹp hòi, biệt phái, bởi chuyện phân biệt thắng thua, bởi những kì thị ta-ngụy...”. Và hậu quả là: “kinh tế khó khăn, đời sống bế tắc, cộng với những phương thức quản lý xã hội quá cứng nhắc và tình trạng kì thị thành phần... đã làm cho cả một số người yêu nước, muốn đóng góp cho đất nước cũng đành dứt áo ra đi”.

“Trên phương diện quốc tế, như ông phân tích, một số chủ trương quá cứng rắn quá mức cần thiết đã làm cho Việt Nam lâm vào cảnh thêm thù bớt bạn mà thật ra không phải hoàn toàn không tránh được. Kết quả là Việt Nam bỏ lỡ rất nhiều vận hội. Tiếp đó là những năm tháng đầy khó khăn, với những khủng hoảng  kéo dài. Đó chính là bài học lớn của lịch sử”.

Với những hiểu biết thực tế chính xác đó, rõ ràng Võ Văn Kiệt càng hiểu sâu sắc hơn giá trị của tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh đối với những thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Là con người hành động, cùng với sự thấu hiểu sâu sắc về tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, trên cương vị đầy trách nhiệm của mình, Võ Văn Kiệt cũng thể hiện rất rõ nét trong quá trình vận dụng tư tưởng đó vào thực tiễn.   

Ông cho rằng, từ ngày Đảng có chủ trương đổi mới thì tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh lại được thể hiện đúng đắn. Điều này thể hiện ở chỗ “tư tưởng hòa hợp dân tộc lại được phục hưng và ứng nghiệm với nhiều kết quả khả quan mà biểu hiện của nó là kinh tế nhiều thành phần, quan điểm kinh tế mở, tư tưởng Việt Nam làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, khép lại quá khứ, hướng về tương lai... đã giúp cho nước ta khai thác được cả nội lực và ngoại lực để vượt qua khủng hoảng, liên tiếp thu được những thành quả về mọi mặt”.

Hiểu rằng, đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh “có nghĩa là phải khoan dung”, là “chủ trương xóa bỏ mọi hận thù chia rẽ do chế độ cũ để lại, sẵn sàng thu dụng những người có tài, có năng lực và tâm huyết, mà không kể đến quá khứ” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm sau Cách mạng Tháng Tám, là phải theo chỉ dẫn của Người: “Chính phủ không để tâm moi ra những tội cũ để đem ra làm án mới”, vì vậy, Võ Văn Kiệt đã nêu lên câu hỏi để tất cả mọi người dân Việt Nam cùng suy nghĩ: “Nếu cứ còn chia rẽ vì bại, kiêu vì thắng, thì ích lợi gì cho bản thân, cho đất nước, cho hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế?”. Ông không trả lời trực tiếp vào câu hỏi ấy nhưng đã chỉ ra rằng: “tài nguyên lớn nhất cho mọi quốc gia chính là tài nguyên con người. Nếu quy tụ được sức người, thì nhiều nguồn lực khác cũng có thể được quy tụ. Con người không quy tụ được thì mọi nguồn lực khác cũng rơi rụng”.

Nhưng đó cũng là câu trả lời, vì trên thực tế Võ Văn Kiệt đã làm tất cả những việc có thể để quy tụ lòng người Việt Nam theo đúng tinh thần hòa hợp dân tộc trên cơ sở một mẫu số chung là Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của mọi người Việt Nam.   

Để quy tụ toàn dân, Võ Văn Kiệt cho rằng phải luôn nuôi dưỡng ngọn lửa yêu nước và đại đoàn kết dân tộc mà người đã thắp nên là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo ông, để ngọn lửa yêu nước, đại đoàn kết dân tộc sáng mãi, phải luôn nhớ mấy bài học lớn của Bác Hồ, đó là:

“- Đất nước Việt Nam, giang sơn Việt Nam cùng mọi thành quả của nền văn hóa Việt Nam không phải là của riêng ai, của một giai cấp hay đảng phái nào, mà là tài sản chung của cả  mọi người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

- Đã thế thì mọi người Việt Nam đều phải có trách nhiệm và có quyền được đóng góp vào việc tô điểm cho giang sơn đó, làm giàu và làm đẹp thêm cho nền văn hóa đó.

- Lại vì thế nên phải làm sao để cho mọi người Việt Nam đều được sống với giang sơn gấm vóc này, được hưởng mọi giá trị và tinh thần của nền văn hóa này”.

Võ Văn Kiệt cho rằng, chỉ có nhận thức như vậy và hành động với tinh thần đó, thì tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được thực hiện  và “sẽ mãi là sức mạnh giúp chúng ta vượt qua bao thử thách”, “sẽ đem lại cả sức sống, niềm tin, niềm vui, nghĩa tình và hạnh phúc cho hàng triệu và hàng triệu con người Việt Nam chúng ta”.

Theo Võ Văn Kiệt, đoàn kết được dân tộc, thu phục nhân tâm, nhân tài, phụ thuộc vào khả năng của lãnh đạo và vai trò ấy thuộc về Đảng ta. Bởi “Đảng là người đang nắm quyền lãnh đạo đất nước có đủ thẩm quyền trước lịch sử để làm điều này. Đảng cần thể hiện trách nhiệm của mình trước lịch sử, nắm lấy cơ hội để gắn kết dân tộc, phát huy sức mạnh toàn dân và sức mạnh thời đại vào thời điểm có một không hai này”.

Lý lẽ của ông là, “Ngay từ những ngày đầu giành được độc lập, Hồ Chủ tịch đã chủ trương xây dựng một nhà nước dựa trên nền tảng đại đoàn kết dân tộc”.

Biện giải của ông là bài học mà ông nêu lên không cần minh chứng: “Trong lịch sử của mình, hễ khi nào Đảng ta tập hợp được sự đoàn kết của toàn dân, khi đó, Đảng giành được thắng lợi”.

Võ Văn Kiệt khẳng định rằng, để có thể đoàn kết toàn dân, được sự ủng hộ của cả dân tộc và ở trong “vai trò một Đảng thực sự của dân tộc” Đảng phải “hy sinh hết mình cho dân tộc” mà theo ông, đó không phải là sự hy sinh vai trò lãnh đạo đất nước mà là “thể hiện vai trò tiên phong của chính mình vì lợi ích tối cao của dân tộc”. Ông cho rằng: “Uy tín của Đảng sẽ thực sự lớn mạnh khi Đảng cầm quyền không có nghĩa là nắm hết quyền hành và mọi vị trí quyền lực mà chính là Đảng lãnh đạo thông qua vai trò hạt nhân của mình. Đó là nguyên lý mà cũng là thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Đảng ở các thời kỳ khác nhau. Thực tế chứng minh rằng, lúc nào Đảng dựa vào dân, phát huy sức mạnh của dân, trọng dụng nhân tài thì số lượng hạt nhân tuy ít nhưng trở thành sức mạnh như “Phù Đổng”.

Là người nói ít, làm nhiều theo tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, trên trong trách của mình, Võ Văn Kiệt đã góp phần to lớn làm cho khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng mở rộng, tạo ra nội lực vững chắc cho sự mở rộng bang giao quốc tế, đưa đất nước ta vào thời kỳ hội nhập, nhưng không lúc nào ông ngừng nghỉ vun đắp cho khối đoàn kết ấy ngày càng vững chắc hơn, mở rộng hơn. Là người thấu hiểu nỗi đau của người chồng mất vợ, nỗi xót xa của người cha mất con trong chiến tranh và ông cũng là người cũng hiểu hơn ai hết thương tâm của “những bà mẹ ngày ngày thắp hương cho những người con của mình - người là chiến sĩ giải phóng đã hy sinh, người là lính của chế độ Sài gòn đã tử trận”, để viết rằng: “Phải chăng, đã đến lúc chúng ta cần thấu hiểu tâm tình của người mẹ Việt Nam, cùng thắp một nén nhang cầu cho linh hồn của những người con của mẹ được siêu thoát”. Ông nghĩ “làm điều này sẽ thỏa lòng mong ước của biết bao gia đình Việt Nam, làm ấm thêm đạo nghĩa “người trong một nước phải thương nhau cùng” vốn thấm sâu trong triết lý nhân ái và khoan dung của ông cha ta”.

Từ những vấn đề trên cho thấy, Võ Văn Kiệt không chỉ thấu hiểu sâu sắc tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh mà còn vận dụng tư tưởng đó một cách chính xác và thành công vào thực tiễn, đồng thời ông đã góp phần phát triển tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh nói riêng và tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung trong điều kiện lịch sử mới.

Chính những điều đó đã tạo nên hình ảnh Võ Văn Kiệt - như Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định là: “một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, ở mỗi giai đoạn khó khăn, thử thách”, đã “luôn nêu cao tính tiên phong và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất của Đảng, thương yêu đồng bào, thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc”.

Bởi vậy, nhớ về Võ Văn Kiệt, chúng ta nhớ tới một người cộng sản đã “luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, bám sát thực tiễn, bằng tư duy sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, đã “có nhiều đóng góp lớn cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đưa sự nghiệp cách mạng luôn tiến lên phía trước”.

Nói về ông là nói về một nhà lãnh đạo cộng sản kiên trung trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc chống ngoại xâm ở thế kỉ XX đã “luôn nêu cao tấm gương sáng về tinh thần chủ động cách mạng tiến công, kiên cường bám dân, bám đất ở những địa bàn xung yếu, ác liệt nhất, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng, đánh thắng mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử”.

Suy ngẫm về ông là suy ngẫm về một trong những nhà lãnh đạo có “tầm tư duy chiến lược, với quyết tâm đổi mới, tác phong sâu sát, quyết đoán, luôn tìm tòi, trăn trở”, “đã đóng góp xứng đáng vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo”, tên tuổi của ông “gắn liền với những công trình lớn trên mọi miền đất nước”.

Nhưng trên tất cả, ông là người đã thấm nhuần tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, đồng thời là người đã hiểu sâu sắc triết lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chính trị là: 1. Đoàn kết, 2. Thanh khiết từ to đến nhỏ” và đem tinh thần ấy cống hiến cho dân tộc.

Võ Văn Kiệt đúng là “người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” như Đảng và nhân dân ta đã khẳng định.

Phạm Hồng Chương

PGS.TS, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Tài liệu tham khảo

1. Thủ tướng Võ Văn Kiệt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, người sống mãi trong lòng nhân dân, Nxb. Văn hóa Thông tin, H, 2012.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tập 5.   

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều