100 ca mổ não và tủy sống đầu tiên bằng Robot AI tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

(Mặt trận) - Sau khi được Bộ Y tế cấp phép triển khai kỹ thuật mổ não và tủy sống bằng Robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ghi dấu ấn với 100 ca phẫu thuật thành công đầu tiên. 

Báo cáo với Bộ Y tế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết phẫu thuật não, tủy sống bằng Robot AI Modus V Synaptive giúp người bệnh giảm tới 20% thời gian mổ, giảm 40% thời gian nằm viện, giảm 79% lượng máu mất trong phẫu thuật khi so với các phương pháp trước đây. Trong khi đó, chi phí điều trị có thể thấp hơn 40 lần so với phẫu thuật tại Mỹ, được thanh toán bảo hiểm y tế.

ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ chia sẻ tại buổi tọa đàm công bố 100 ca mổ não đầu tiên bằng Robot AI. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh 

Tại buổi tọa đàm công bố 100 ca mổ não đầu tiên bằng Robot AI, Kỷ lục gia châu Á - Thầy thuốc ưu tú, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ (Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM), bày tỏ niềm tự hào và xúc động khi nhìn lại những hình ảnh người bệnh đã khỏe mạnh, đi lại sinh hoạt bình thường.

Thậm chí, ông không thể hình dung đó chính là những người bệnh mà ê kíp của mình đã giành lại sự sống trong những ca mổ vô cùng gian nan bằng Robot AI trong một năm qua.

Bệnh nhân Hải (58 tuổi TP.HCM) đột quỵ xuất huyết não, vào viện đã sau 24h quá “thời gian vàng" để cấp cứu đột quỵ, khối lượng máu tụ lớn 4cm, mạch máu vỡ vẫn tiếp tục chảy gây tăng áp lực nội sọ, chỉ số sinh tồn càng lúc càng xấu hơn. Nếu không mổ khẩn cấp, người bệnh đối mặt liệt nửa người, nói khó, nhìn mờ, thậm chí tử vong. Bác sĩ Sĩ và nhiều chuyên khoa hội chẩn và quyết định chọn kỹ thuật mổ não thức tỉnh mới với sự trợ giúp đắc lực của Robot AI Modus V Synaptive và hệ thống định vị thần kinh Neuro-Navigation AI thế hệ mới nhất.

Mổ não thức tỉnh giúp bác sĩ trực tiếp đánh giá chức năng thần kinh của người bệnh ngay trong lúc tác động vào vùng não tương ứng, song độ khó và nguy hiểm của hơn gấp nhiều lần so với mổ có gây mê toàn thân.

Ứng dụng AI của  Robot Modus V Synaptive hòa trộn tất cả hình ảnh, dữ liệu chụp MRI, DTI, CT, DSA… của người bệnh. Các bó sợi thần kinh và khối máu tụ hiện rõ trên cùng một hình ảnh 3D sinh động, chi tiết rõ nét. Bác sĩ Sĩ tiến hành mổ mô phỏng trên phần mềm chuyên dụng của Robot, chọn vị trí mở hộp sọ, đường phẫu thuật tiếp cận khối máu tụ chính xác, hiệu quả, an toàn nhất mà không phải cắt qua các bó dẫn truyền thần kinh và mô não lành xung quanh.

Robot AI có thể hòa hình CT, MRI, DTI, DSA... trên cùng một hình ảnh 3D có độ phân giải cao. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh 

Khi vào ca mổ, do đã nhìn thấy toàn bộ não bộ và các vùng máu tụ, bác sĩ chỉ cần rạch da đầu khoảng 5 cm, bộc lộ sọ và khoan mở nắp sọ chỉ 3 cm, sau đó khéo léo cắt mở màng cứng. Theo đường dẫn đã được xác lập từ cuộc mổ mô phỏng và sự giám sát chặt chẽ của robot, bác sĩ đặt ống chuyên dụng BrainPath chính xác vào ổ máu tụ trong bán cầu não phải, hút ra khoảng 40 ml máu cục đen đặc.

Ê kíp liên tục trò chuyện với người bệnh, đề nghị ông co chân trái, chân phải… để đảm bảo các chức năng thần kinh liên quan được bảo tồn tối đa. Trong khi phẫu thuật viên tiếp tục vá màng cứng, đặt lại nắp sọ và khâu da, bệnh nhân và bác sĩ Sĩ vẫn cùng nhau nghêu ngao hát…

ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ là người đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đã học tập kỹ thuật mổ não thức tỉnh ENRICH bằng Robot AI tại Viện Nghiên cứu Thần kinh Aurora, Wisconsin, Mỹ và triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh theo cấp phép của Bộ Y tế. Đây là kỹ thuật mới được Hội Đột quỵ Thế giới đánh giá là “cuộc cách mạng” trong mổ cấp cứu đột quỵ xuất huyết não, mang đến những đột phá về thời gian,  phương pháp, công nghệ điều trị đột quỵ xuất huyết não.

Nhờ có được Robot AI mổ não và tủy sống thế hệ mới hiếm có trên thế giới, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã phẫu thuật được nhiều ca bệnh khó, nguy hiểm. Nhiều người bệnh gần như hết hy vọng khi “bị trả về” do không dám mổ điều trị. Nhiều người bệnh đã đi lại được sau nhiều năm yếu liệt nằm một chỗ, hoặc sáng mắt trở lại sau thời gian dài mắt mờ dần và mù hẳn.

Nhiều đứa trẻ thậm chí mới 4, 5 tuổi mắc u não nguy hiểm, không nói được, suy nghĩ loạn thần, cận kề cái chết, đã được cứu sống trong niềm hạnh phúc vỡ òa của người thân. “Chúng tôi thật sự xúc động khi chứng kiến những khoảnh khắc hồi sinh như vậy”, bác sĩ Tấn Sĩ nói.

100 ca mổ não và tủy sống chỉ là con số khiêm tốn trong hơn 12.000 ca mổ thần kinh, sọ não mà bác sĩ Tấn Sĩ đã thực hiện trong hơn 30 năm qua, nhưng đây lại là những ca mổ mang dấu ấn lịch sử trong sự nghiệp của cá nhân ông và các đồng nghiệp khi ứng dụng công nghệ AI hiện đại hàng đầu thế giới.

Thầy thuốc ưu tú, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân 15 tuổi sau ca mổ não. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh 

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là đơn vị y tế duy nhất  sở hữu và làm chủ công nghệ mổ não bằng Robot AI Modus V Synaptive tại Việt Nam. Toàn cầu chỉ có 14 quốc gia sở hữu được Robot AI công nghệ hiện đại nhất này, đa phần ở các nước phát triển.

Robot AI Modus V Synaptive trước mắt được hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh ứng dụng trong điều trị U não trên lều, U não dưới lều, U trong não thất, U não đường giữa, U não nền sọ, U trong ống sống, Xuất huyết não - não thất… Kỹ thuật mổ não và tủy sống bằng Robot AI cũng đã được Bộ Y tế cấp phép cho Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cả về việc điều trị và đào tạo cho các đơn vị khác trong lĩnh vực này. 

Hoàng Lan

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều