Bệnh tay chân miệng chưa qua, bệnh sởi "ngấp nghé"

Bệnh tay chân miệng đã xuất hiện ở 63 tỉnh thành và chưa có dấu hiệu giảm. Trong khi đó, số ca mắc bệnh sởi cũng đang tăng dần. Nguy cơ bệnh chồng bệnh rất dễ xảy ra nếu người dân chủ quan với bệnh.

 Số ca mắc sởi gia tăng vào thời điểm cuối năm

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thống kê 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 2.942 trường hợp sốt phát ban tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó 1.093 trường hợp mắc sởi dương tính tại 40 tỉnh, thành phố, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại Hưng Yên (bệnh nhân có bệnh lý nền viêm phổi kéo dài). So với cùng kỳ năm 2017, số mắc sốt phát ban tăng 10,2 lần. Các ca mắc sởi lẻ tẻ, tản phát, không thành ổ dịch lớn.

Hiện 10 tỉnh, thành phố có số tích lũy trường hợp sốt phát ban trên 100.000 dân cao nhất cả nước là Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Yên Bái, Bắc Ninh, Đồng Nai và Vĩnh Phúc.

Độ tuổi mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi có 628 trường hợp mắc (chiếm 21,4%) và 1-4 tuổi có 1.106 trường hợp (37,8%). Các trường hợp mắc sởi là trẻ em chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine phòng bệnh hoặc chưa được tiêm đủ mũi vaccine phòng sởi theo quy định.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết dù số ca mắc có tăng so với 2017 nhưng bệnh chỉ diễn ra rải rác, không tập trung thành ổ dịch.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng bày tỏ lo ngại "kịch bản" sởi có thể quay lại như năm 2014 nếu không quyết liệt trong công tác tiêm chủng.

Năm 2018-2019 bắt đầu bước vào chu kỳ dịch sởi sau 4 năm (tại Hà Nội dịch bệnh sởi xuất hiện và bùng phát vào năm 2014), mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vaccine sởi của Hà Nội luôn đạt so với tỷ lệ chung của quốc gia (từ 95 - 97%). 

"Tại nhiều nước trên thế giới, dịch sởi quay lại đều rơi vào nhóm đối tượng không tiêm chủng. Việt Nam cũng vậy, không quyết liệt dịch sẽ quay trở lại, nặng nề như năm 2014. Số lượng tiêm vaccine sởi đạt đến 90%, chỉ 10% còn sót không tiêm chủng, tích lũy trong 4- 5 năm số trẻ không được tiêm đã gần bằng số trẻ sinh ra trong một năm và đây chính là yếu tố khiến sởi xảy ra", PGS.TS Trần Đắc Phu giải thích.

Các chuyên gia y tế nhận định, dự báo dịch sởi có thể gia tăng tại Hà Nội trong các tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Hà Nội tập trung đông dân sinh sống, học tập, làm việc chưa được tiêm chủng đầy đủ sẽ tạo thành khối cảm thụ đủ lớn không có miễn dịch với bệnh sởi sẽ làm tăng nguy cơ về bệnh.

Theo LH/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều