Ca Covid-19 tăng mạnh, khi nào cần cách ly cộng đồng?

Tính đến hết ngày 18/3, Việt Nam đã có 76 ca mắc Covid-19, trong đó nhiều tỉnh liên tiếp có các ca bệnh. Sau xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), hiện nay có thôn Văn Lâm (Ninh Thuận) được cách ly cộng đồng để ngăn chặn Covid-19. Về điều này, chuyên gia y tế khuyến cáo cần linh hoạt trong việc xác định quy mô để khoanh vùng, tổ chức cách ly cộng đồng.

Cách ly phải dựa trên bằng chứng khoa học

Ngày 18/3, tỉnh Ninh Thuận đã có 2 ca mắc Covid-19 (bệnh nhân 61 và bệnh nhân 67) Hai bệnh nhân đều ở thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Về dịch tễ, ngày 27/2, hai người này sang Malaysia dự lễ hội và trở về Việt Nam vào ngày 4/3. Sau khi về địa phương, đến ngày 10/3, bệnh nhân 61 có có đau họng và sốt (không uống thuốc gì). Đến ngày 15/3, bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận khám và điều trị. Ngày 16/3 bệnh nhân 61 được xác định nhiễm SARS-CoV-2.

Trong khoảng thời gian 10 ngày ở cộng đồng, bệnh nhân 61 đã tham dự nhiều sự kiện lễ hội, đám cưới. Số người được xác định tiếp xúc gần với bệnh nhân 61 lên đến gần 80 người. Trước tình hình phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã ký quyết định cách ly toàn bộ khu dân cư tại thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam từ 20h tối 17/3.

Thời gian cách ly tối thiểu là 28 ngày và có thể kéo dài hơn tuỳ theo diễn biến dịch bệnh và nguy cơ lây lan. UBND tỉnh Ninh Thuận cũng thành lập 4 chốt chặn các ngõ ra vào thôn Văn Lâm 3, được canh gác 24/24 giờ. Thôn Văn Lâm 3 hiện có gần 900 hộ với khoảng 5.600 người sinh sống.

Về việc khi nào cần cách ly cộng đồng để khoanh vùng chống dịch Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng, khoanh vùng một cộng đồng để cách ly là rất quan trọng. Tuy nhiên, quyết định quy mô vùng cách ly phải dựa trên bằng chứng khoa học về dịch tễ và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về tổ chức cách ly.

“Virus SARS-CoV-2 chỉ lây khi tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc bề mặt có virus do người mắc bệnh thải ra, cho nên cơ quan chuyên môn phải tiến hành điều tra dịch tễ để xác định quy mô lây nhiễm. Quy mô lây nhiễm đến đâu thì tổ chức cách ly, khoanh vùng đến đó. Tránh tình trạng lo lắng thái quá, quyết định thái quá, một người mắc bệnh cách ly cả phố hoặc cách ly cả làng”, PGS Phu nhấn mạnh.

Theo PGS Phu, ở địa phương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), Sở Y tế phải đóng vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có nên ra quyết định khoanh vùng cách ly y tế hay không, ban hành trong điều kiện nào, lúc nào?

Ngày 16/3, để đáp ứng diễn biến của dịch Covid-19, Bộ Y tế  đã ban hành Quyết định 904/QĐ-BYT ngày 16/3/2020 về hướng dẫn thực hiện cách ly y tế tại vùng có dịch.

Hướng dẫn quy định thời điểm xem xét thiết lập vùng cách ly y tế là “khi vùng dịch đã có sự lây lan trong cộng đồng và có nguy cơ lớn lây lan sang các khu vực, địa phương khác, trong khi hầu hết các khu vực, địa phương khác chưa có ca bệnh hoặc chỉ có một số ít ca bệnh xâm nhập”. Quy mô cách ly có thể là cụm dân cư, khu phố, cơ quan, đơn vị; thôn, tổ, đội, ấp; xã, phường, thị trấn; quận, huyện.

Linh hoạt trong xác định phạm vi cách ly

Tuy nhiên, PGS Phu nhấn mạnh, bên cạnh “quy định cứng” còn phải căn cứ vào vào kết quả điều tra dịch tễ để xác định quy mô cách ly một cụm dân cư, một tổ dân phố, một dãy phố hoặc một tòa chung cư, hay một cơ quan, đơn vị…

Ví dụ như với bệnh nhân hoặc người nghi ngờ nhiễm bệnh không có liên hệ với với cộng đồng, với hàng xóm thì chỉ cần cách ly nhà bệnh nhân là đủ. Ngoài ra, trong lúc chống dịch, thời điểm ban đầu, để đáp ứng yêu cầu cấp thiết có thể đã quyết định cách ly cả một khu vực rộng, nhưng trong quá trình cách ly, nếu xác định mức độ lây lan không như ban đầu thì có thể rút gọn phạm vi cách ly lại.

“Tóm lại, phải hết sức linh hoạt trong việc xác định quy mô để khoanh vùng, tổ chức cách ly cộng đồng. Chỉ khi nào không xác định được ca bệnh xuất phát ở đâu, mà lại có sự lây lan trong cộng đồng thì mới đặt ra vấn đề vùng dịch lớn hơn”, PGS Phu khẳng định.

Hiện nay, trong số 60 ca bệnh mới phát hiện, có đến 43 ca (21 người nước ngoài, 22  người Việt) trở về (đến) từ các nước khác. Hơn nữa, số ca mắc gia tăng ở nhiều địa phương khiến một số nơi xảy ra sự kỳ thị người của cả thành phố, cả tỉnh có ca bệnh. 

Đối với việc các ca bệnh Covid-19 “tràn” về từ nước ngoài hiện nay, PGS Phu cho rằng, đây là những ca bệnh xâm nhập, xác định được vùng dịch. Do đó, không thể coi cả những người sống ở địa phương đó cũng đến từ vùng dịch như cách hiểu chưa đúng của một số người.

“Chúng ta phải hiểu kỹ vấn đề này để ứng xử đúng, đảm bảo vừa thực hiện phòng chống dịch bệnh hiệu quả vừa gìn giữ sự đoàn kết trong cộng đồng", PGS Phu nhấn mạnh.  

Theo Dân Việt

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều