Chống dịch sốt xuất huyết: Đừng để thần chết gõ cửa nhà!

Tại sao dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội lại trầm trọng đến như vậy? Phải chăng chính do sự lúng túng của ngành y tế dẫn đến tình trạng "vỡ trận" trong kiểm soát dịch?

Hiện cả nước đã có 80.555 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, 22 người bệnh đã tử vong và dịch vẫn đang có xu hướng ngày càng lan rộng. Thực tế này đòi hỏi ngành Y tế, các địa phương, từng người dân trong toàn xã hội phải quyết liệt hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Bảy tháng qua, cả nước có hơn 80.555 ca sốt xuất huyết, cao gần gấp 3 lần cả năm 2014 và gần bằng số mắc cả năm ngoái. Hiện Hà Nội là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất miền Bắc, với tổng gần 14.000 bệnh nhân sốt xuất huyết, gần 3.000 ca phát hiện mỗi tuần và 7 người đã tử vong là điều đáng tiếc và bài học đau xót của Hà Nội.

 Dịch bệnh bùng phát khiến nhiều bệnh nhân phải nằm ghép giường.

Tại Thủ đô, các bệnh viện quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép, nằm ở hành lang, nhiều bệnh viện phải dành hội trường cho bệnh nhân sốt xuất huyết, bác sĩ đi làm không có ngày nghỉ... Căn bệnh sốt xuất huyết giờ đây trở thành nỗi lo thường trực của người dân Hà Nội.

Một thực tế đã được chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết cuối tuần qua là: Chính phủ và Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt, tiền và phương tiện không thiếu, mà dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn gia tăng mạnh. Và chính Bộ trưởng đã thừa nhận: “Chống dịch chưa triệt để nên hiệu quả chưa cao.” Vấn đề hiện nay là phải nhanh chóng hành động trước khi quá muộn.

Tại sao dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội lại trầm trọng đến như vậy? Phải chăng chính do sự lúng túng của ngành y tế dẫn đến tình trạng "vỡ trận" trong kiểm soát dịch? Lý do mà đại diện của Sở Y tế Hà Nội nêu ra là: mặc dù đã quyết liệt nhưng không thể kiểm soát dịch bệnh vì thời tiết mưa nhiều, môi trường ẩm ướt, mật độ di cư, di dân lớn. Tuy nhiên, sự lơ là của cả ngành y tế và nhận thức chủ quan của từng người dân là những nguyên nhân không thể không nói đến.

Hà Nội đã chi ít nhất trên 20 tỉ đồng cho việc phun hóa chất và các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết, nhưng người dân phản ánh việc phun hóa chất không đều, không triệt để, nhà phun, nhà không. Điều cần nhấn mạnh chính là trách nhiệm của ngành Y tế Hà Nội trong việc không kịp thời dập dịch, khoanh vùng dịch và đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh. Các biện pháp chủ động phòng chống dựa vào cộng đồng như diệt bọ gậy, tự phòng bệnh... chưa được chú trọng làm mạnh. Rõ ràng, chúng ta chỉ chống dịch khi dịch đã lên đến đỉnh điểm.

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới, sốt xuất huyết là một trong những căn bệnh phát triển nhanh nhất thế giới, ảnh hưởng đến hơn 100 quốc gia trên thế giới với gần 400 triệu ca nhiễm hằng năm. Nguyên nhân chính khiến dịch sốt xuất huyết đã bùng phát dữ dội tại một số nước châu Á và vượt ngoài tầm kiểm soát là do một chủng mới về sốt xuất huyết mà hệ miễn dịch của con người chưa có sức chống lại. Mức độ nguy hiểm của bệnh khiến toàn xã hội và toàn bộ ngành y tế không thể lơ là.

Cần nhanh chóng triển khai quyết liệt và nghiêm túc các giải pháp tổng thể, trong đó có những giải pháp mà chính Bộ trưởng Bộ Y tế đã nêu ra. Đó là phải phun hóa chất trong từng nhà dân để "hạ hỏa" dịch bệnh, nhất là những nơi mà dân di cư sinh sống, nơi tập trung công trình xây dựng, phun phải đúng kỹ thuật và cường độ.

Thứ 2 là phải phun bằng xe ô tô ngoài đường, ngoài môi trường, tại trường học, chợ, bệnh viện. Đặc biệt chú ý các bệnh viện cũng chính là những ổ dịch lớn. Chắc chắn các giải pháp cấp bách này sẽ đòi hỏi khoản kinh phí lớn, nhưng không thể không làm, để "hạ hỏa" dịch ở Hà Nội.

Đối với mỗi hộ gia đình, mỗi cá nhân trong xã hội, mọi người dân phải có ý thức làm sạch mọi ngõ ngách trong môi trường sống, mắc màn khi ngủ và nhập viện khi có chỉ định của bác sĩ. Không còn cách nào khác, chúng ta phải huy động tổng lực để chống dịch, phải chung sức, chung tay ngăn chặn dịch vì sự an toàn của mỗi người và vì lợi ích chung của cộng đồng.

Không thể để dịch bệnh ‘gõ cửa’ nhà mình, thì mới nhìn thấy hiểm nguy.

Theo Mai Hồng/VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều