Cơ chế gien đặc biệt giúp nhiều người hút thuốc lá lâu năm không bị ung thư phổi

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), 90% ca tử vong do ung thư phổi ở Mỹ là do các sản phẩm thuốc lá.
Ảnh minh họa - Getty Images 
Trong bản hướng dẫn mới nhất, cơ quan y tế công cộng quốc gia Mỹ còn cảnh báo những người hút thuốc lá có nguy cơ tử vong vì ung thư phổi cao gấp 15 - 30 lần so với những người không hút thuốc.

Hơn nữa, phát hiện này có thể giúp giải thích tại sao một số người không bao giờ hút thuốc lại phát triển khối u trong cơ thể. 

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Genetics đã chỉ ra rằng gien di truyền chính là yếu tố quan trọng đứng đằng sau hiện tượng này. 

Ở Mỹ, hút thuốc lá là yếu nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư phổi, chiếm khoảng 90% các ca tử vong do ung thư phổi. CDC giải thích trong khói thuốc lá có đến hơn 7.000 chất hóa học độc hại nên chỉ cần hút một vài điếu thuốc mỗi ngày cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.

Tuy nhiên, nghiên cứu có tên “Phân tích tế bào đơn về các đột biến soma trong tế bào biểu mô phế quản ở người liên quan đến lão hóa và hút thuốc” của nhóm chuyên gia tại trường Cao đẳng Y dược Albert Einstein Mỹ lại phát hiện rằng mặc dù khói thuốc có thể gây ra đột biến tế bào trong phổi, song nó có phát triển thành khối u hay không còn phụ thuộc vào khả năng sửa chữa hoặc giảm nhẹ tổn thương về DNA của mỗi cá nhân.

Nghiên cứu trên đã sử dụng hồ sơ về gien của 14 người không bao giờ hút thuốc và 19 người hút thuốc nhẹ, vừa và nặng. Nhóm chuyên gia thu thập tế bào phổi của những người tham gia từ 11 - 86 tuổi và giải trình tự từng cá nhân để xác định đột biến trong bộ gien của họ.

Kết quả là các tế bào lót phổi của những người hút thuốc lâu năm nhưng không bị ung thư phổi dường như ít có khả năng đột biến theo thời gian hơn.

"Những tế bào phổi này tồn tại trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ và do đó có thể tích lũy các đột biến theo cả tuổi tác và mức độ hút thuốc. Trong tất cả các loại tế bào của phổi, chúng là một trong những loại tế bào có khả năng trở thành ung thư cao nhất", nhà dịch tễ học Simon Spivack tại Cao đẳng Y dược Albert Einstein giải thích.

Theo đó, các gien sửa chữa DNA dường như hoạt động tích cực hơn ở một số cá nhân, bảo vệ họ chống lại bệnh ung thư ngay cả khi họ thường xuyên hút thuốc.

 Các tác giả của nghiên cứu khẳng định những phát hiện này đã chứng minh một cách rõ ràng rằng các đột biến trong phổi của con người tăng lên theo tuổi tự nhiên. Tuy nhiên, những người nghiện hút thuốc nặng nhất lại không chịu “gánh nặng đột biến” cao nhất. Mặc dù họ hút thuốc nhiều nhưng cơ thể lại ngăn chặn được sự tích tụ đột biến thêm nhờ có các hệ thống sửa chữa tổn thương DNA hoặc khử độc tố khói thuốc lá hiệu quả.

Hơn nữa, những phát hiện đó có thể giúp giải thích tại sao một số người không bao giờ hút thuốc vẫn phát triển các khối u.

Các nhà khoa học cho biết thêm nguy cơ ung thư cũng có thể bắt nguồn từ các yếu tố môi trường như chế độ ăn uống, vì các chất dinh dưỡng trong cơ thể có thể tác động đến sự phát triển của khối u.

Dù vậy, chính xác điều gì đã khiến cơ thể của một số cá nhân lại có khả năng sửa chữa DNA vượt trội vẫn là một câu hỏi mở. 

Nhà di truyền học Jan Vijg thuộc Khoa Di truyền, Cao đẳng Y Albert Einstein, kết luận: “Hiện chúng tôi mong muốn phát triển các xét nghiệm mới có thể đo lường khả năng sửa chữa DNA của một người nào đó để tìm ra phương pháp đánh giá nguy cơ ung thư phổi của một người”.

Xuân Chi/Báo Tin tức (Theo Sputnik)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều