Để người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt nhất

Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân luôn là mục tiêu số một của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cũng là một trong những Mục tiêu phát triển bền vững được cộng đồng quốc tế cam kết thực hiện vào năm 2030 để hướng tới tầm nhìn chung về cuộc sống khỏe mạnh cho tất cả mọi người. Hướng đến mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vào năm 2030, Việt Nam đã đạt được được nhiều thành công trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.

Chụp cắt lớp vi tính cho bệnh nhân tại khoa Cận lâm sàng, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Giải quyết các thách thức về sức khỏe

Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp trên thế giới nói chung, môi trường ô nhiễm, gia tăng các bệnh, như: ung thư, hen suyễn, tim mạch, Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2023 có chủ đề: "Sức khỏe cho mọi người" là cơ hội để nhìn lại những thành công về sức khỏe cộng đồng đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống trong bảy thập kỷ qua. Đây cũng là điều kiện để thúc đẩy hành động nhằm giải quyết các thách thức về sức khỏe của hôm nay và mai sau.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, có tới 30% dân số toàn cầu hiện không được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu. Trong khi đó, 2 tỷ người phải đối mặt với các chi phí y tế khổng lồ, với sự bất bình đẳng đáng kể ảnh hưởng tới những người sống ở những nơi dễ bị tổn thương nhất.

Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4 mang ý nghĩa to lớn đối với lĩnh vực y tế thế giới; hướng tới mục tiêu tất cả người dân, cộng đồng trên thế giới đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, hiệu quả; đồng thời nâng cao ý thức về việc bảo vệ sức khỏe như khuyến khích người dân dự phòng bệnh tật, khám sàng lọc để phát hiện bệnh sớm, điều trị khi mắc bệnh và được bảo hiểm y tế cũng như các nguồn lực xã hội hỗ trợ chi trả, nhằm giảm thiểu những rủi ro do gánh nặng tài chính cho người dân toàn cầu.

Theo người đứng đầu WHO, thế giới đang cùng lúc đối mặt nhiều thách thức về y tế, khi đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, bệnh Đậu mùa khỉ, Marburg, các dịch Sốt xuất huyết bùng phát trở lại tại nhiều nước.

Ngoài ra, những lo ngại về sức khỏe tâm thần của người dân ngày càng hiện hữu rõ nét. WHO cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, khiến hàng trăm triệu người mắc bệnh ở nhiều mức độ khác nhau. Theo nghiên cứu mới đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, tình trạng gián đoạn xã hội và giáo dục trong giai đoạn đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm mối lo ngại về sức khỏe tâm thần và hành vi tự sát của thanh thiếu niên tại nước này.

Các dịch bệnh bùng phát cùng lúc như hiện nay đang đặt ra nhu cầu cấp thiết không chỉ trong việc củng cố hệ thống y tế tại các nước, còn tăng cường sự phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế nhằm phát hiện, giải quyết các mối đe dọa tiềm tàng đối với sức khỏe người dân. Để biến mục tiêu sức khỏe cho tất cả mọi người thành hiện thực, thế giới còn chặng đường dài phía trước.

Theo WHO, các cá nhân và cộng đồng phải được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao để có thể tự chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình. Các nhân viên y tế lành nghề cần cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng, lấy con người làm trung tâm, còn các nhà hoạch định chính sách cần cam kết đầu tư vào bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Bên cạnh đó cần tập trung xử lý tận gốc những nguyên nhân dẫn đến các mối đe dọa đối với sức khỏe người dân thông qua việc mở rộng năng lực ứng phó các bệnh truyền nhiễm mới lây từ động vật sang người, bệnh có nguồn gốc từ động vật, bệnh nhiệt đới và do vật trung gian lây truyền, đồng thời ngăn chặn các nguy cơ về an toàn thực phẩm, tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Cam kết của WHO về sức khỏe cho mọi người (Health for All) đã thể hiện rõ ràng trong Hiến pháp thành lập WHO năm 1948. Sức khỏe là quyền cơ bản của mỗi người, là nền tảng cho hòa bình và an ninh của nhân loại. Qua nhiều thập kỷ, WHO đã, đang giải quyết những thách thức cơ bản cho sứ mệnh của mình: dẫn đầu các nỗ lực nhằm cải thiện các điều kiện xã hội để mọi người được sinh ra, lớn lên, làm việc, sống và già đi với sức khỏe dồi dào và tinh thần hạnh phúc. Mục tiêu đạt được "Sức khỏe cho mọi người" vẫn là một lộ trình quan trọng để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 3 của Liên hợp quốc, được củng cố bởi 16 SDG khác sẽ đạt được vào năm 2030. 

Hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vào năm 2030

Tại Việt Nam, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, đặt lên hàng đầu. Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ ngành Trung ương, địa phương, sự ủng hộ của nhân dân, ngành Y tế đã từng bước vượt khó, đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần vào thành công chung của đất nước. 

Trong năm 2022, ngành Y tế đã đạt và vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao (số bác sĩ/10.000 dân; số giường bệnh/10.000 dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế). Hoạt động khám, chữa bệnh thông thường hồi phục nhanh sau dịch COVID-19 và được triển khai hiệu quả; khám chữa bệnh từ xa, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới được tăng cường. Công tác an toàn thực phẩm được đẩy mạnh. Việt Nam được đánh giá ngày càng cao trên bản đồ y tế thế giới. Có nhiều chuyên gia, bác sĩ đầu ngành có trình độ, tay nghề cao, có uy tín tầm khu vực và quốc tế. Nhiều lĩnh vực y tế chuyên sâu, mũi nhọn của Việt Nam được thế giới đánh giá cao (phẫu thuật nội soi tuyến giáp, ghép tạng, can thiệp tim mạch, bấm huyệt, châm cứu…).

Hiện nay, Bộ Y tế đã, đang nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, triển khai một số chương trình, dự án lớn nhằm tăng cường đầu tư toàn diện cho tuyến y tế cơ sở thời gian tới. Nhờ phát triển mạng lưới y tế cơ sở, các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân Việt Nam được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình tăng từ 71,3 năm 2002 lên 73,6 năm 2022, cao hơn trung bình thế giới (73) và nhiều nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương. Chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu của Việt Nam năm 2020 đạt 70/100 điểm, cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (61 điểm) và của toàn cầu (67 điểm). Việt Nam được quốc tế đánh giá cao trong thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Hướng đến mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vào năm 2030, Bộ Y tế đang xây dựng, để trình Chính phủ dự thảo Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng và sức khỏe tốt nhất.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, so với Chiến lược giai đoạn 2011 - 2020, dự thảo Chiến lược giai đoạn đến năm 2023 có điểm mới, đột phá như: Nội dung nâng cao sức khỏe được đưa thành mục riêng và đầu tiên trong các nhiệm vụ chuyên môn của chiến lược; đề cập đầy đủ, toàn diện hơn đến các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe; nhấn mạnh dành ưu tiên cao nhất cho việc đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, coi y tế cơ sở là chìa khóa để thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong bối cảnh nguồn lực tài chính quốc gia còn hạn chế…

Dự thảo Chiến lược đề ra một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Nâng cao sức khỏe nhân dân; nâng cao năng lực phòng, chống dịch gắn với đổi mới y tế cơ sở; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh; công tác dân số và phát triển; phát triển nhân lực y tế; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển sản xuất, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế...

Với sự chuẩn bị chủ động, những giải pháp mang tính chiến lược, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân của Việt Nam sẽ có nhiều thành tựu mới, tiếp tục tạo nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội...

Theo Phúc Hằng (TTXVN/Báo Tin tức)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều