Dị ứng hải sản "lên ngôi" ngày hè

Mùa hè là mùa đi biển, hải sản cũng trở thành thực phẩm được yêu thích. Tuy nhiên, nhiều loại hải sản như cua, tôm, ghẹ, cá nhám, cá ngừ, sò, mực, ốc… có thể gây dị ứng, thậm chí ngộ độc.

 Hải sản là thực phẩm được ưa chuộng trong mùa hè, nhưng nhiều người bị dị ứng (Ảnh minh họa)

Chị Vân Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hôm trước, chị chỉ ăn có 1 con tôm nhưng sau đó người nôn nao, mề đay nổi khắp, ngứa ngáy và phát sốt. Người thân lập tức đưa chị đi cấp cứu. Sau khi uống thuốc, chị mới giảm dần các triệu chứng, nhưng nhiều ngày sau vẫn còn mệt.

Chị Vân Anh chỉ là một trong số rất nhiều người bị dị ứng với hải sản đến mức ảnh hưởng đến sức khỏe. Ghi nhận của PV cho thấy, có trường hợp nhiều thành viên trong cùng một gia đình bị dị ứng hải sản.

BS Lê Thị Hải, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, hải sản là nhóm thức ăn gây dị ứng nhiều nhất trong số các trường hợp dị ứng thực phẩm.

Dị ứng hải sản phần lớn xảy ra ở những người thiếu chất kháng histamin tự do. Khi được hấp thụ vào cơ thể từ một số hải sản như tôm, cá, bạch tuộc…, histamin sẽ được phóng thích, gây ra các biểu hiện dị ứng. Trẻ nhỏ hay những người có cơ địa nhạy cảm rất dễ bị dị ứng thức ăn nói chung, hải sản nói riêng. Khác với người lớn dị ứng thức ăn có thể biểu hiện ở cả đường tiêu hóa, da, còn ở trẻ đôi khi chỉ biểu hiện duy nhất ở đường tiêu hóa nên nhiều cha mẹ chủ quan, nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa.

Biểu hiện dị ứng hải sản cũng rất đa dạng và xảy ra nhanh chóng sau ăn khoảng vài giờ, thậm chí vài phút. Tùy vào mức độ hay loại hải sản mà người bệnh ăn phải cũng như sự tiếp nhận của cơ địa mỗi người mà mức độ dị ứng khác nhau. Nhẹ thì nổi mề đay từng vùng hoặc khắp người, ngứa, người nôn nao khó chịu, mấy giờ sau sẽ lặn. Nặng thì ngoài nổi ban và ngứa, còn phù nề mặt, khó thở, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy…, thậm chí gây biến chứng phản vệ nguy hiểm như sốc, mạch đập nhanh. Nếu không được thải độc kịp thời có thể nguy hiểm tính mạng.

Để tránh bị dị ứng hải sản, những người đã bị dị ứng với một loại hải sản nào đó nên tránh ăn lại và loại trừ tất cả những món ăn mà thành phần có loại hải sản này. Chẳng hạn, dị ứng tôm thì tốt nhất là không nên ăn tôm và các thực phẩm xào nấu có tôm. Khi đã bị dị ứng với một loại hải sản cũng nên thận trọng với các đồ biển khác vì có thể bị dị ứng chéo. Nên ăn từ từ ít một, nếu có các biểu hiện dị ứng phải ngừng lại ngay.

Theo T.L/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều