Dịch COVID-19 mới tạm lắng, dịch sốt xuất huyết đã có nguy cơ bùng phát

Dịch sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, đã ghi nhận các ca tử vong, người dân cần chủ động phòng bệnh.
 Cán bộ y tế phun thuốc diệt muỗi phòng dịch sốt xuất huyết. Ảnh: TTXVN
Nhiều ca nặng, tử vong

Theo Bộ Y tế, báo cáo từ các địa phương đến cuối tuần qua cho thấy, từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận gần 15.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 trường hợp tử vong tại: Bình Dương (3 ca), Đồng Tháp (1 ca), Tây Ninh (1 ca), Đồng Nai (1 ca). Tuy số mắc giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021, nhưng số ca tử vong tăng 1 trường hợp.

Bộ Y tế cũng dự báo trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào “mùa dịch”. Dịch sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tính đến giữa tháng 4/2022, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Thậm chí một số ca nặng trong tình trạng sốc, tổn thương đa cơ quan phải thở máy, phải lọc máu, nhất là ở trẻ em… Đang lo ngại, tỷ lệ trẻ mắc sốt xuất huyết trở nặng cao hơn COVID-19 và thời gian từ nhẹ chuyển sang nặng rất nhanh.

Dự báo năm nay dịch sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh khi cả số mắc và số ca nặng cao hơn các năm gần đây, đặc biệt là sau 2 năm thành phố dồn toàn lực cho chống dịch COVID-19.

Tại một số tỉnh, thành phố, dịch sốt xuất huyết cũng đang có xu hướng lan rộng như: Bình Dương, Bình Định, Đồng Nai, An Giang, Quảng Bình... nhất là tại Bình Dương đã có 3 ca tử vong do sốt xuất huyết.

Theo Bộ Y tế, trong khi dịch COVID-19 chưa qua, dịch sốt xuất huyết đã có nguy cơ bùng phát, lan rộng tại nhiều tỉnh thành dễ xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch” phức tạp. Trước nguy cơ bùng phát mạnh của dịch sốt xuất huyết, các chuyên gia cảnh báo, cơ quan y tế và người dân không lơ là phòng dịch. Nhất là đang trong thời điểm giao mùa, thời tiết nóng ẩm là điều kiện lý tưởng để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, phát triển.

Đặc biệt, sốt xuất huyết và COVID-19 rất dễ nhầm lẫn với nhau khi đều có các biểu hiện ban đầu như: Sốt, đau đầu, đau mỏi cơ… vì vậy người dân phải cẩn trọng, không chủ quan.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. Đặc biệt, các triệu chứng của sốt xuất huyết rất dễ nhầm lẫn với COVID-19, vì vậy nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, đồng thời yêu cầu làm xét nghiệm khẳng định, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.

Theo đó, triệu chứng của sốt xuất huyết thường gặp là: Sốt cao liên tục, kéo dài 5- 7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, mắt đỏ xung huyết... Các trường hợp nặng có dấu hiệu cảnh báo thường xuất hiện ở ngày thứ 4, 5 như: Đau bụng vùng gan, buồn nôn, tiểu ít, chân tay lạnh, có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng; ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết; người bệnh nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như: Xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Chủ động phòng bệnh

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, không để dịch bùng phát, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (15/6/2022) và triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trước mùa dịch; phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân trong phòng, chống sốt xuất huyết.

Cụ thể, các địa phương huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai у chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng bọ gậy.

Ngành y tế triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi cho 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch; đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Đồng thời, xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng chống sốt xuất huyết.

Theo Bộ Y tế, đến nay chưa có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; vì vậy biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân, mỗi gia đình hàng ngày, hàng tuần dành thời gian để vệ sinh môi trường, nơi ở. Cụ thể, trong các gia đình cần đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa trong nhà; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Hàng tuần, người dân cần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá....

Để phòng muỗi đốt, người dân cần ngủ màn, có thể mặc quần áo dài ngay cả ban ngày. Đồng thời, người dân tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch để diệt muỗi. Đặc biệt, khi bị sốt, bệnh nhân cần được đưa đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị; tránh các biến chứng nặng.

 

Theo Tạ Nguyên/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều