Dịch Covid-19: Thói quen sờ mặt khó bỏ và nguy cơ nhiễm bệnh

Một nguy cơ lây nhiễm virus gây bệnh Covid-19 là từ tay nhiễm virus sờ lên mặt. Nhưng thói quen sờ mặt lại rất phổ biến. Vậy phải xử lý như thế nào?
Một trong những đường lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 là thông qua bàn tay nhiễm virus chạm vào mặt. Các quan chức y tế đã nhắc nhở việc giảm chạm tay lên mặt có thể giúp ngăn chặn việc phát tán virus này.
Việc sờ mặt, sợ miệng là một thói quen phổ biến trong các cộng đồng dân cư trên thế giới. Ảnh: Fox3Detroit.

Hồi năm 2015, một trường đại học ở Sydney quan sát các sinh viên y khoa trên video và ghi nhận họ sờ mặt rất nhiều lần. Trung bình mỗi một người trong nhóm 26 bác sĩ tương lai này sờ tay lên mặt tới 23 lần trong một tiếng đồng hồ.

Việc không sờ mặt khó hơn ta tưởng

SARS-CoV-2 đã giết chết gần 4.000 người trên toàn thế giới. Giới chức y tế cho biết, chỉ cần một lần chạm là virus trên các ngón tay của người có thể xâm nhập vào cơ thể qua lỗ mũi, mắt và miệng.

Tiến sĩ Dawn Mueni Becker, một chuyên gia về bệnh lây nhiễm ở Gainesville, Florida (Mỹ) cho hay: “Virus lây nhiễm hệ hô hấp sẽ xâm nhập cơ thể qua các niêm mạc ở mũi, khoang miêng, và môi. Nếu vệ sinh tay mà kém, virus sẽ dễ dàng lây nhiễm qua con đường này”.

Nhưng chúng ta đã chạm tay vào mặt suốt cả đời và việc dừng thói quen này nói thì dễ nhưng thực hành thì khó hơn nhiều.

Mới đây, một video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy một quan chức y tế ở California (Mỹ) đã chạm tay vào lưỡi trong một buổi họp báo khi bà đang khuyên mọi người không chạm tay lên miệng để ngăn ngừa Covid-19 bùng phát.

Trong clip, vị quan chức y tế này nói như sau: “Bắt đầu thực hành không chạm vào mặt, bởi lẽ một con đường chính để virus lây nhiễm là khi bạn chạm tay lên miệng, mũi và mắt của chính mình”. Chính sau khoảnh khắc đó, bà đã bất giác đưa ngón tay lên miệng để liếm rồi lấy ngón tay lật trang giấy tiếp theo. Dường như khi ấy bà không ý thức được là mình vừa bất tuân chính lời khuyên của mình.

Clip đăng trên trang Metro của Anh về trường hợp nữ Tiến sĩ Sara Cody chạm tay vào lưỡi ngay sau khi cảnh báo người dân không nên làm vậy để tránh Covid-19:

Sờ mặt đôi khi là do căng thẳng

Như hầu hết các hành vi khác, việc thường xuyên sờ mặt bắt đầu từ tuổi nhỏ và dần trở thành thói quen. Người ta sờ mặt vì nhiều lý do. Một nghiên cứu của chính phủ liên bang Mỹ hồi năm 2014 cho thấy hành vi này có thể giúp giảm căng thẳng và sự khó chịu.

Nghiên cứu cho biết: “Việc tự động sờ mặt của chính mình được thực hiện nhiều lần trong mỗi ngày của tất cả mọi người, chủ yếu là trong tình huống căng thẳng. Những động tác này thường không nhằm gửi đi thông điệp gì và thường được hoàn thành khi chủ nhân không nhận thức ra điều đó hoặc chỉ ý thức một chút”.

Như vậy việc sờ mặt là rất phổ biến. Thậm chí trên mạng internet còn có một website sử dụng webcam của bạn để thông báo cho bạn khi nào bạn sờ tay lên mặt và lưu lại tần suất bạn làm việc đó.

Tổng thống Mỹ Trump chạm tay lên má. Ảnh: Getty.

Cách thức an toàn để sờ mặt

Chuyên gia Becker cho hay, việc không bỏ được thói quen này chưa phải là điều tồi tệ nhất. Vì vẫn có cách để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dù bạn chạm tay lên mặt.

Tiến sĩ Beck nói: “Nếu bạn ý thức được thói quen sờ mặt thì điều đó sẽ có ích cho bạn. Nhận diện tiếp các dấu hiệu như sổ mũi hay muốn hắt hơi. Khi đó bạn hãy chuẩn bị giấy ăn chẳng hạn và dùng giấy đó để lau chùi thay cho dùng tay trần”.

Để đối phó với dịch Covid-19, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật của Mỹ (CDC) đã khuyến cáo người dân nên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây. Nếu không có nước thì hãy dùng dung dịch rửa tay khô có chứa cồn ít nhất 60%.

Nêu ưu tiên rửa tay bằng xà phòng và nước nếu tay bạn có những vết bẩn thấy rõ, nhất là sau khi sử dụng toilet, xì mũi, ho và hắt hơi.

Hãy cảnh giác. Có vô số thứ có thể mang mầm bệnh mà con người chạm tay vào hàng ngày. Điện thoại di động, chìa khóa ô tô/xe máy, cánh cửa, thang máy, thậm chí cả ví tiền. Và rồi các vi khuẩn, virus từ các đồ vật đó có thể xâm nhập vào cơ thể bạn thông qua niêm mạc mũi, miệng và mắt, hoặc các vết xước trên mặt hay cổ của bạn mà bạn không hề hay biết./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều