Gia tăng trẻ mắc tiểu đường ​

Bốn năm gần đây, BV Nhi TƯ đã điều trị và theo dõi 450 trẻ mắc tiểu đường (TĐ) - bệnh mà hầu hết cho rằng chỉ có ở người lớn.

Ngày càng nhiều trẻ nhỏ mắc tiểu đường

Chỉ từ 23 - 29.9, có 3 trẻ nhỏ nhập khoa Nội tiết - Chuyển hoá - Di truyền, BV Nhi TƯ vì đái tháo đường type 1. Bé gái 9 tuổi, ở Hải Dương, có biểu hiện sốc, nhịp tim nhanh 150 lần/phút. Xét nghiệm thấy glucosa máu rất thấp, toan (axit) máu nặng (bình thường pH máu 7,3 - 7,4); nồng độ HbA1c: 8,94 mmol/L (bình thường khoảng 5,6 mmol/L), nước tiểu có ceton… Trước nhập viện 5 ngày, bé bị nôn sau ăn, luôn mệt mỏi và đau bụng…

Để tiện theo dõi, xin giải thích: 1. Hồng cầu có chất căn bản là Hemoglobin (Hb), màu đỏ, có chức năng vận chuyển, trao đổi oxy và cacbonic. Máu người có HbA1 (97 - 99%) và HbA2 (1 - 3%), HbA1c chiếm 80% HbA1. Khi lượng glucosa trong máu tăng cao đủ dài, glucosa sẽ phản ứng với Hb (gọi là Hb bị glycosyl hóa). Định lượng HbA1c bị glycosyl hóa sẽ biết được lượng đường máu hiện tại đến 2 - 4 tháng về trước… 2. Thiếu hụt insulin - nội tiết tố chuyển hóa đường của tụy - sẽ sinh ra nhiều chất ceton có tính axit gây toan máu và nước tiểu có ceton (bình thường không có). Toan ceton là một biến chứng nghiêm trọng của TĐ, hơi thở có mùi táo xanh và nguy cơ tử vong…

Bé trai 5 tuổi, ở Hà Nội, nhập viện khi đã sụt 2,5kg, glucosa máu cao (HbA1c:10,1mmol/L), nhưng chưa có dấu hiệu mất nước và biến chứng do đến viện sớm. Cháu đã không tiểu dầm từ 2 tuổi, nhưng tháng rưỡi nay, tiểu nhiều, tràn 2 bỉm kép; cứ nửa tiếng lại uống 1 cốc nước đầy. Gia đình nghĩ uống nhiều nên tiểu nhiều, khi thấy cháu sụt cân và nước tiểu có kiến bu nên mới đưa đi khám.

Ca thứ 3 là bé trai 6 tuổi, ở Lạng Sơn, chuyển đến từ BV tỉnh, có đường máu rất cao (22,6mmol/L) và HbA1c lên tới 14,5mmol/L. Cháu đã sụt 6kg trong 1 tháng và trong tình trạng nguy hiểm.

TS.BS Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hoá - Di truyền, Viện Nhi TƯ nói, những triệu chứng TĐ ở trẻ em không đặc trưng (nhiều bệnh khác cũng có) vì thế người nhà thường không nghi ngờ nên bệnh thường chỉ được phát hiện khi đã biến chứng trầm trọng, tính mạng nguy kịch. Bé Trần Thanh Huyền, 9 tuổi, ở Tuyên Quang luôn khát và uống nhiều nước, tiểu đêm hàng tháng, đến khi li bì phải cấp cứu, mẹ mới biết mắc TĐ. Lúc đến BV Nhi TƯ đã hôn mê, sốc; thận suy cấp, không có nước tiểu; phải lọc máu liên tục. Đến ngày thứ 21, mới có nước tiểu, tạm qua được cơn nguy biến.

BS Dũng nói, số ca TĐ ở trẻ em đang tăng rõ rệt! Cách đây 20 năm, khoảng 5 trẻ/năm, lên 15 trẻ/năm cách đây 10 năm và 5 năm trở lại đây khoảng 35 - 50 trẻ mắc mới TĐ/năm vào Viện Nhi TƯ. Có thời gian, BV Nhi đồng 1, TP.HCM theo dõi, điều trị cùng lúc khoảng 20 ca TĐ.

Trẻ sơ sinh cũng tiểu đường

Ba tuần cuối 2016 đầu 2017 có ba trẻ sơ sinh nguy kịch do TĐ nhập BV Nhi TƯ. Điển hình là bé N.Đ.L.C, 2 tháng tuổi, ở Nam Định, khi sinh bình thường. Được hơn 1 tháng, quấy khóc, bỏ bú, sốt dai dẳng, biểu hiện lờ đờ. Nhập viện Nhi TƯ đã li bì, khó thở, toan chuyển hóa và mất nước nặng, đường máu rất cao. Sau hơn 14 giờ cấp cứu, bé mới thoát khỏi tình trạng nguy hiểm.

TĐ sơ sinh (dưới 6 tháng tuổi - quy định cho TĐ) lại càng không có biểu hiện đặc trưng. Cháu N.N.P.T, gần 2 tháng, ở quận 6, TPHCM, sinh nặng 2,3kg. Đi khám do không tăng cân, vàng da sơ sinh kéo dài… Xét nghiệm máu và nước tiểu thì phát hiện TĐ.

Cháu N.T.D, 24 ngày, ở Bình Thuận. Mẹ khỏe mạnh nhưng sinh bé nặng 1,9kg, da khô, nhăn nheo, dù đủ tháng. Bé nhập viện vì sốt, ho khan, khò khè, chẩn đoán nhầm là nhiễm trùng sơ sinh. Xét nghiệm mới biết TĐ.

Cháu Đào P. U, ở Hải Phòng, sinh đủ tháng, nặng 2,5 kg, da vàng. Một tháng tuổi, bú nhiều, ăn thêm 5 lần/24h, từ 60 lên 90ml sữa/lần; tiểu nhiều. Do biểu hiện li bì, lơ mơ nên tuyến dưới nghi viêm màng não. Xét nghiệm ở Viện Nhi TƯ phát hiện TĐ.

Bé trai 36 ngày tuổi ở Hà Nội, sốt cao 390C, tiêu chảy khoảng 10 lần/24h. Khi đến BV Nhi TƯ li bì, hôn mê, khó thở, mất nước nặng, đường máu rất cao. Sau gần 40 giờ cấp cứu, mới có chuyển biến hy vọng.

Do đâu

trẻ mắc tiểu đường?

90 - 95% trẻ dưới 16 tuổi mắc TĐ type 1 do thiếu insulin, bởi tế bào tiết insulin của tụy bị hủy hoại do tự miễn dịch (cơ thể sinh kháng thể chống tế bào này!) và độ tuổi phát bệnh khác nhau. Thể bệnh này trước chỉ mắc ở người da trắng, nhưng nay trẻ Đông Nam Á mắc ngày một nhiều. Môi trường độc hại (như kết hợp khói bụi và sương mù - sương mù quang hóa) và virus đường ruột ngày càng bị nghi ngờ là nguyên nhân.

TĐ type 2 là do kháng insulin, tuy nồng độ insulin máu vẫn đủ nhưng không chuyển hóa hết đường để cân bằng, nên đường huyết ở mức cao; 95% trẻ béo phì TĐ là do kháng insulin. Số TĐ type 2 ít hơn rất nhiều so với type 1 nhưng đang tăng. Từ 2002 - 2012, trẻ TĐ type 2 thế giới tăng 4,8%. Ở Mỹ, trẻ da màu TĐ type 2 tăng 6,3%, trẻ gốc Á: 8,5% và trẻ bản xứ: 9%. Hiện Mỹ có 17% trẻ béo phì và TĐ type 2 tăng 3 lần… Năm 2014, Anh và xứ Wales có 533 trẻ TĐ type 2 (hơn 65 triệu dân), trong đó có 11 trẻ chỉ 9 tuổi trở xuống.

Gần đây, phát hiện lỗi gen KCNJ11, có vai trò điều hòa bài tiết insulin. Lỗi này có thể biểu hiện trội, lặn hoặc tiên phát (tự nhiên mắc), sác xuất mắc thấp (1/200.000 - 1/500.000, khoảng 1 - 5% người TĐ), thấy ở trẻ sơ sinh và người trưởng thành trẻ. Hiện Việt Nam chưa xét nghiệm được gen này, thường gửi mẫu đi Australia.

Nhiều nước nghiên cứu về TĐ thấy: Ngủ ít và không đúng giờ làm giảm lượng insulin máu dẫn đến TĐ (Anh và Qata); mẹ có vitamin B12 thấp (người lớn cần 2 mcg (microgam)/24h, mang thai: 2,2 mcg, cho con bú: 2,6 mcg) khi mang thai dễ sinh con nhẹ cân với cholesterol máu cao sẽ có “tính” kháng insulin cao, dễ mắc TĐ type 2 (Anh); trẻ ăn sữa bò từ rất sớm mắc TĐ nhiều hơn (trong khi một nghiên cứu khác thấy sữa bò giàu vitamin D, bảo vệ cơ thể không mắc TĐ type 1)?; mẹ dưới 25 tuổi hoặc tiền sản giật hay sản giật; trẻ mắc các hội chứng di truyền như Down hay sau điều trị ung thư…; trẻ không phải gốc Tây Ban Nha mắc TĐ type 1 phổ biến hơn và nhiệt độ trung bình trái đất tăng 10C sẽ tăng thêm 3,1 ca TĐ/10.000 người (Mỹ); bố, mẹ mắc TĐ và trẻ xem tivi hay internet trên 3h/24h mắc TĐ nhiều hơn… Có nhiều “nghi phạm” gây TĐ như thế càng chứng tỏ y học đang “bí bách”!

Làm gì để phát hiện và khống chế tiểu đường trẻ em?

Bệnh TĐ ở trẻ tuy không nhiều như ở người lớn, nhưng đang tăng, 30 năm gần đây, số trẻ TĐ thế giới tăng 3 lần. Ở Nhật hiện có 3 trẻ TĐ/100.000 trẻ/năm (gần 4.000 trẻ bệnh trên 127 triệu dân).

Khi mới mắc bệnh, TĐ type 1 thường gây nhiễm toan, mất nước nặng, dẫn đến sốc, tử vong; nhưng biểu hiện lại giống nhiều bệnh khác như đau bụng, nôn; li bì hay hôn mê; khó thở; sốt… Trẻ sơ sinh chỉ quấy khóc khi khát, tiểu nhiều không rõ rệt... Đường huyết cao làm tổn thương mao mạch nhiều cơ quan như: Búi mao mạch lọc chất độc từ máu ở cầu thận, gây suy thận; mao mạch ở võng mạc mắt, gây nhìn mờ, mù, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp; mao mạch nuôi dưỡng thần kinh, gây ngứa ran, tê hoặc đau (nhất là ở chân). Ngoài ra là nhiễm trùng, nấm ở da; trẻ gái nhiễm nấm âm đạo có thể là triệu chứng đầu tiên của TĐ; làm mật độ canxi xương thấp hơn bình thường (loãng xương). Về sau này là các bệnh mạch vành, đột quỵ, hẹp động mạch, cao huyết áp…

Phải cảnh giác khi trẻ sơ sinh nhẹ cân, vàng da sinh lý kéo dài; không hay chậm tăng cân. Với trẻ đã biết phải để ý biểu hiện: Khát nhiều; tiểu nhiều; nhanh đói; giảm cân; mệt mỏi; khó chịu hoặc ủ rũ, cáu kỉnh; hơi thở có mùi táo xanh; mờ mắt; tê; ngứa, vết thương lâu lành.

Chẩn đoán sớm TĐ ở trẻ cực kỳ quan trọng vì ngoài ngăn chặn nguy hiểm tính mạng còn nhằm kiểm soát, duy trì đường máu tối ưu để đảm bảo phát triển. Trẻ rất cần gia đình kiên trì tối đa: Dạy trẻ cách kiểm tra đường huyết, nhận biết dấu hiệu tăng, hạ đường huyết, cả cách tiêm insulin; phải trữ sẵn glucosa; thông báo cho nhà trường, bạn bè của con và những trẻ cùng bệnh để trợ giúp; thực hiện nghiêm ngặt chế độ ăn ít đường; thường xuyên đến bác sĩ để kiểm tra, đặc biệt khi trẻ bị ốm và bất cứ lý do gì.

Theo BS Văn Bình/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều