Hai bệnh nhân COVID-19 có bệnh lý nền tại TP Hồ Chí Minh và Kiên Giang tử vong

Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 vừa thông báo về các ca tử vong 73 và 74.
 Lực lượng y tế tích cực điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: BYT
Ca tử vong thứ 73: BN9830, nam, 44 tuổi, có địa chỉ tại huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh). Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 2.

Ngày 14/6, bệnh nhân xét nghiệm SARS-COV-2 có kết quả dương tính được chuyển từ Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu COVID-19 trong tình trạng tỉnh, khó thở phải thở oxy mask 15 lít/phút.

Tại đây bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực bằng thở máy qua nội khí quản, an thần, giãn cơ, kháng sinh, kháng đông, kháng viêm, insulin, thuốc vận mạch.

Tuy nhiên do bệnh nhân có bệnh nền, đáp ứng điều trị kém, bệnh diễn biến nặng dần, mặc dù đã được bệnh viện dốc sức cứu chữa nhưng bệnh không qua khỏi, bệnh nhân tử vong lúc 1 giờ 32 phút ngày 22/6.

Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi do SARS-CoV-2 nặng biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan trên bệnh nhân đái tháo đường type 2.

Ca tử vong thứ 74: BN11456, nữ, 68 tuổi, có địa chỉ tại huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang). Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, di chứng lao phổi (đã hoàn thành điều trị cách đây 10 năm).

Ngày 16/6 bệnh nhân xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả dương tính được chuyển từ Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch điều trị trong tình trạng suy hô hấp không cải thiện, hỗ trợ oxy mask liên tục.

Tại đây bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực bằng thở máy qua nội khí quản, an thần, giãn cơ, kháng sinh, kháng đông, kháng viêm, insulin, thuốc vận mạch. Tuy nhiên do tuổi cao, bệnh lý nền nặng, đáp ứng điều trị kém, bệnh diễn biến nặng dần, mặc dù đã được bệnh viện dốc sức cứu chữa nhưng bệnh không qua khỏi. Bệnh nhân tử vong lúc 0 giờ 10 phút ngày 23/6.

Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi do SARS-CoV-2 nặng biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, di chứng lao phổi.

Theo L. Sơn/Báo Tin tức

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều