Ho gà: Căn bệnh đe dọa tính mạng trẻ trong mùa đông

Mặc dù ho gà có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Ho gà là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng do một loại vi khuẩn có tên là Bordetella pertussis gây ra. Nhiễm trùng gây ho dữ dội, không kiểm soát được và có thể gây khó thở dẫn tới tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), trước khi có vắc-xin, ho gà là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em Mỹ. CDC báo cáo tổng số trường hợp mắc bệnh ho gà vào năm 2016 là dưới 18.000, với 7 trường hợp tử vong được báo cáo.

Trẻ em thường phát ra tiếng rít nghe như tiếng gà khi cố lấy hơi sau khi ho, âm thanh này ít phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh (Ảnh minh họa: Peter Dezeley / Getty Images) 

Triệu chứng ho gà

Theo CDC, thời gian ủ bệnh (thời gian từ khi nhiễm trùng ban đầu đến khi xuất hiện các triệu chứng) đối với bệnh ho gà là khoảng 5 đến 10 ngày, nhưng các triệu chứng có thể không xuất hiện trong vòng 3 tuần.

Các triệu chứng ban đầu của ho gà giống với cảm lạnh thông thường như sổ mũi, ho và sốt. Trong vòng hai tuần, ho khan và dai dẳng có thể phát triển khiến việc thở rất khó khăn.

Trẻ em thường phát ra tiếng rít nghe như tiếng gà khi cố lấy hơi sau khi ho, âm thanh này ít phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh.

Triệu chứng cũng có thể bao gồm nôn mửa, da xanh hoặc tím quanh miệng, mất nước, sốt nhẹ, khó thở. Người lớn và thanh thiếu niên thường có các triệu chứng nhẹ hơn, chẳng hạn như ho kéo dài.

Chẩn đoán và điều trị bệnh ho gà

Nếu bạn hoặc con bạn có các triệu chứng ho gà, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức, đặc biệt nếu các thành viên trong gia đình chưa được chủng ngừa.

Bệnh ho gà rất dễ lây, vi khuẩn có thể bay vào không khí khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc cười nói, và có thể nhanh chóng lây sang người khác.

Để chẩn đoán bệnh ho gà, bác sĩ sẽ khám sức khỏe và lấy mẫu chất nhầy trong mũi và cổ họng. Những mẫu này sau đó sẽ được kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn gây ho gà. Xét nghiệm máu cũng có thể cần thiết để chẩn đoán chính xác.

Khi mắc ho gà, nhiều trẻ sơ sinh và một số trẻ nhỏ sẽ phải nhập viện, trong quá trình điều trị trẻ sẽ được theo dõi và hỗ trợ hô hấp. Một số trường hợp có thể cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch  để chống mất nước nếu các triệu chứng khiến bệnh nhân không nạp đủ nước.

Các biến chứng có thể xảy ra

Trẻ sơ sinh bị ho gà cần được theo dõi chặt chẽ để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra do thiếu oxy. Các biến chứng nghiêm trọng bao gồm tổn thương não, viêm phổi, co giật, chảy máu trong não, ngưng thở (thở chậm lại hoặc ngừng thở), co giật và thậm chí là tử vong.

Trẻ lớn hơn và người trưởng thành cũng có thể gặp các biến chứng như khó ngủ, tiểu không tự chủ (mất kiểm soát bàng quang), viêm phổi, gãy xương sườn.

Các triệu chứng ho gà có thể kéo dài đến 4 tuần hoặc lâu hơn, ngay cả trong quá trình điều trị. Trẻ nhỏ và người lớn thường hồi phục nhanh chóng khi được can thiệp y tế sớm. Trẻ sơ sinh có nguy cơ tử vong liên quan đến ho gà cao nhất, ngay cả sau khi bắt đầu điều trị. 

Phòng bệnh ho gà

Tiêm chủng là chìa khóa để phòng bệnh ho gà. CDC khuyến nghị tiêm phòng ho gà cho trẻ sơ sinh tại thời điểm 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng. Cần tiêm nhắc lại cho trẻ em vào lúc 15 đến 18 tháng, 4 đến 6 tuổi và lặp lại lúc 11 tuổi.

Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày mọi người cũng nên chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân bằng cách đeo khẩu trang khi đến nơi đông người. 

Rửa tay, khử khuẩn, vệ sinh sạch sẽ nếu nghi ngờ đã tiếp xúc với những bệnh nhân mắc ho gà hoặc có triệu chứng tương tự.

(Nguồn:https://www.healthline.com)

Theo Minh Hiếu/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều