Khắc phục vướng mắc trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế

Đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cũng góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, trong đó có đề xuất liên quan giá gói thầu, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng để khắc phục vướng mắc trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế.

Cân nhắc xây dựng nguyên tắc xác định giá gói thầu, chỉ định thầu

Sáng 24/5, trong phiên thảo luận của Quốc hội ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho biết, dự thảo Luật đã nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo cử tri trong thời gian qua, đặc biệt là những người trong ngành y tế để khắc phục những vướng mắc trong việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) 

Đại biểu nêu rõ, nhiều sai phạm trong thời gian qua đều có liên quan đến giá gói thầu. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng trong xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu được quy định tại khoản 2, Điều 39.

Theo đại biểu, hiện nay việc xác định giá gói thầu được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 68 của Bộ Tài chính đang tồn tại nhiều bất cập. Một trong các phương thức đang được sử dụng là “3 báo giá” có mâu thuẫn với quy định tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) và các tiêu chuẩn thẩm định giá.

Nhấn mạnh trong dự thảo không có hướng dẫn về xác định giá gói thầu, đại biểu kiến nghị cần xây dựng nguyên tắc xác định giá gói thầu trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Về chỉ định thầu, đại biểu cho biết, chưa quy định rõ thế nào là “gói thầu cần triển khai ngay” tại Điều 23 của dự thảo Luật. Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung thêm chính sách của nhà cung cấp và quy định rõ việc nhà thầu chuyển giao quyền sử dụng không thu tiền với thiết bị y tế cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) 

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động đấu thầu thời gian tới, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) góp ý một số vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật.

Tại khoản 1, Điều 2 của dự thảo Luật, việc đấu thầu sẽ áp dụng đối với các hoạt động mua sắm có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Đại biểu đề nghị làm rõ một số nội dung liên quan đến quy định này.

Cụ thể, đại biểu nêu câu hỏi nếu các bệnh viện vay vốn thì các hoạt động liên quan đến vốn vay có phải đấu thầu hay không? Nếu bệnh viện sử dụng vốn để thuê thêm trụ sở mua các thiết bị y tế chuyên dùng đặc thù như máy xạ trị gia tốc điều trị ung thư… thì các dịch vụ này có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu (sửa đổi) hay không?

Đại biểu cho rằng, trong trường hợp này, nếu đấu thầu thì sẽ không phù hợp với đặc thù của ngành y tế, đặc biệt là khi đơn vị đang hoạt động tự chủ.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận sáng 24/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) 

Bên cạnh đó, tại Điều 23 quy định về chỉ định thầu, điểm c, khoản 1 có nêu các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế để cấp cứu người bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trong trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, được hiểu là khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế chỉ được chỉ định thầu để mua, cấp cứu người bệnh.

Tuy nhiên, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) không có quy định nào về vấn đề này. Hiện nay dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lại nêu thực hiện theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Do vậy, đại biểu đề nghị thay thế cụm từ “cấp cứu người bệnh” thành “trong tình trạng khẩn cấp, cấp bách”, đồng thời cần quy định rõ hơn về trường hợp cấp bách trong y tế, cơ quan nào xác định trường cấp bách.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) 

Đóng góp ý kiến về chỉ định thầu, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) bày tỏ nhất trí với quy định tại Điều 23 dự thảo Luật quy định về các trường hợp được chỉ định thầu, trong đó bổ sung trường hợp gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế.

Theo đại biểu, gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ duy nhất có một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu giải pháp công nghệ. Áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp này là giải pháp kịp thời đối với các trường hợp cấp bách. Tuy nhiên, để tránh bị lạm dụng, đại biểu cho rằng cần cân nhắc và quy định chi tiết tiêu chí, điều kiện áp dụng, hình thức chỉ định thầu.

Tạo sự minh bạch, môi trường bình đẳng trong đấu thầu

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cũng cho rằng dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng tích cực, phù hợp với các luật khác, song còn một số vấn đề cần làm rõ thêm. Theo đại biểu, theo quy định về hồ sơ mời thầu tại khoản 1 Điều 44, những nhà thầu có kinh nghiệm thực hiện nhiều hợp đồng trước đó sẽ có lợi thế hơn.

Tuy nhiên, để Hội đồng đấu thầu thực hiện thực sự minh bạch, có hiệu quả thì cần tạo ra môi trường bình đẳng giữa các nhà thầu, không nên chỉ hạn chế tập trung lựa chọn nhà thầu, nhà kinh doanh có kinh nghiệm mà hạn chế cơ hội cho các doanh nghiệp trẻ nhưng có sự đầu tư bài bản, hoàn toàn có đủ điều kiện thực hiện tốt gói thầu.

Do vậy, đại biểu cho rằng kinh nghiệm đã thực hiện các dự án tương tự trước đó chỉ là một trong những tiêu chí rất nhỏ trong hồ sơ mời thầu, trong đó hồ sơ mời thầu cần tập trung vào những yếu tố chính liên quan đến chất lượng, tiến độ, giá cả gói thầu. Trường hợp vẫn lựa chọn yếu tố về uy tín của nhà thầu thì cần có quy định cụ thể, cơ sở, tiêu chí xác định đánh giá uy tín của nhà thầu.

Bên cạnh đó, đại biểu nhận thấy, quy định tại khoản 2, Điều 44 chưa phù hợp bởi xuất xứ hàng hóa không phải là yếu tố tạo nên chất lượng hàng hóa. Tiêu chí đánh giá chất lượng hàng hóa thông thường dựa trên các thông số kỹ thuật, thực tế sử dụng của chính hàng hóa đó.

Theo đại biểu, quy định như vậy có thể dẫn tới việc áp dụng, áp đặt ý chí chủ quan trong quá trình đánh giá, lựa chọn nhà thầu, không bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đấu thầu.

Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) 

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thị Song An (Long An) đề nghị cần làm rõ hơn các hành vi bị cấm như “thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận”, “cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu, hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu”.

Đại biểu cho rằng, hiện nay hành vi gian lận trong đấu thầu rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết do chưa có quy định cụ thể. Việc có quy định cụ thể về các hành vi bị cấm sẽ giúp công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu được thi hành công khai, chặt chẽ và minh bạch hơn.

Theo Trung Hưng/ Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều