Lây nhiễm đột phá có thể tạo 'siêu miễn dịch' chống COVID-19 lên tới 2.000%

Một nghiên cứu mới ở Mỹ cho thấy những người mắc COVID-19 sau khi được tiêm chủng đầy đủ có thể có “siêu miễn dịch” bảo vệ cơ thể trước virus SARS-CoV-2.
 Hình ảnh đồ họa về cấu trúc của virus SARS-CoV-2. Ảnh: Reuters
Theo trang Daily Mail (Anh), “nhiễm đột phá” là các trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng vẫn mắc COVID-19. Nghiên cứu mới đã so sánh 26 nhân viên nhiễm đột phá tại Đại học Y tế và Khoa học Oregon với những người đã được tiêm phòng nhưng chưa từng nhiễm virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học nhân thấy những người nhiễm đột phá có lượng kháng thể tăng đáng kinh ngạc.

Tác giả nghiên cứu Fikadu Tafesse, Giáo sư miễn dịch học và vi sinh học phân tử tại Đại học Y tế và Khoa học Oregon, cho biết: “Mức tăng kháng thể là đáng kể, lên đến 1.000% và có người lên đến 2.000%. Vì vậy khả năng miễn dịch trong các ca nhiễm đột phá thực sự cao. Nó gần như là ‘siêu miễn dịch’”.

Tiến sĩ Monica Gandhi tại Đại học California tại San Francisco cho biết: “Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên cho thấy các ca nhiễm đột phá sau khi tiêm vaccine tạo ra khả năng miễn dịch mạnh hơn so với việc chỉ mắc bệnh trước đó hoặc chỉ tiêm vaccine”. Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng mọi người không nên cố tình tìm cách mắc COVID-19 vì không thể dự đoán được người nào sẽ mắc bệnh nặng khi nhiễm virus.

Giáo sư Tafesse cũng có quan điểm tương tự. Ông nói với tờ USA Today: “Vấn đề mấu chốt của nghiên cứu là chứng minh vaccine có thể cung cấp khả năng miễn dịch cơ bản giúp tránh những tình huống xấu xảy ra”. 

Giáo sư Shane Crotty tại Viện Miễn dịch học La Jolla, cho biết phát hiện này cho thấy hệ miễn dịch hoạt động tốt như thế nào. Mỗi khi tiếp xúc với vaccine hoặc virus, hệ miễn dịch học hỏi nhiều hơn và tốt hơn để có thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Nhiều nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng việc mắc COVID-19 sau khi tiêm một mũi vaccine sẽ giúp cơ thể tạo ra mức kháng thể cao, rất hiệu quả trong việc phòng ngừa COVID-19. Tuy nhiên, đây là một trong số ít những trường hợp được xem xét đến kịch bản ngược lại.

Theo một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học tại Viện Y tế Công cộng ở Oakland, California (Mỹ) công bố vào tháng 11, tiêm mũi vaccine tăng cường có thể cung cấp mức kháng thể cao trong việc ngăn ngừa lây nhiễm biến thể Omicron.  

Biến thể Omicron được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn các chủng virus khác. Theo dữ liệu gần đây từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ, Omicron chiếm khoảng 3% các trường hợp mắc COVID-19 trên toàn quốc và 13% các trường hợp ở khu vực New York và New Jersey. Omicron đã được ghi nhận tại nhiều bang ở Mỹ,  các ca nhiễm biến thể này gần như tăng gấp đôi chỉ trong 1 ngày vào cuối tuần trước. 

Tạp chí New York đưa tin thành phố New York hôm 18/12 đã ghi nhận ít nhất 192 ca nhiễm Omicron, thậm chí số ca nhiễm có thể còn nhiều hơn. Trong lúc đó, CDC khẳng định vaccine vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn các hậu quả tồi tệ nhất của COVID-19, như mắc bệnh nặng và tử vong. Cơ quan này cho biết Omicron có khả năng sẽ lây lan nhanh hơn so với các chủng virus SARS-CoV-2 trước đó.

“Với các biến thể khác, như Delta, vaccine vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Sự xuất hiện gần đây của Omicron càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vaccine và tiêm mũi tăng cường”, CDC cho biết.

Theo Hải Vân/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều