Lo ngại dịch sởi có thể bùng phát trong năm 2018

Dấu hiệu bệnh sởi là ban mọc theo thứ tự bắt đầu ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ, ngày thứ 2 ngực lưng cánh tay, ngày thứ 3 bụng, mông, đùi, chân, khi ban mọc tới chân hết sốt và ban bắt đầu bay.

Bệnh sởi thường hay xảy ra vào mùa đông xuân. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, bệnh xảy ra quanh năm. Thời điểm giao mùa như hiện nay, số ca mắc sởi tăng nhanh tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.

Theo số liệu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu 2018 đến nay đã tiếp nhận 44 bệnh nhân nhập viện điều trị sởi. Trong đó, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mới được 2 tháng, số còn lại từ 3 đến 5 tuổi, trong đó, ghi nhận 1 ca tử vong do sởi là bé trai N.K (sinh năm 2014, ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên).

Trên địa bàn Hà Nội, Sở Y tế thống kê từ đầu năm 2018 đến ngày 19.3, Hà Nội có 38 trường hợp mắc bệnh sởi, riêng trong tuần từ ngày 12.3-18.3 tại Hà Nội có 10 trường hợp mắc.

 

Dịch sởi năm 2014 khiến hơn 100 trẻ tử vong

Cũng thời điểm này vào năm 2014, số ca mắc sởi tại Việt Nam lên tới 8.500 và có 114 trẻ tử vong do sởi. Theo những phân tích của các chuyên gia dịch tễ thời điểm năm 2014, có nhiều lý do dẫn tới sự bùng phát dịch bệnh sởi năm 2013-2014. Trước hết, là theo quy luật về chu kỳ dịch của sởi từ 3-5 năm. Tiếp theo là tình hình thời tiết khí hậu năm vừa qua phù hợp cho việc xuất hiện và lan truyền bệnh đường hô hấp, trong đó sởi là một trong những bệnh có ái lực lây truyền cao nhất ở các nhóm trẻ em chưa có hoặc chưa đủ miễn dịch. Một lý do rất quan trọng được nhấn mạnh là việc cộng đồng dân cư, vì những lý do khách quan khác nhau, đã ngần ngại và không đưa con em mình đi tiêm chủng một số loại vaccine.

Bên cạnh đó, nguyên nhân do bệnh nhi bị lây chéo các bệnh khác.

Năm 2018, bệnh sởi bắt đầu xuất hiện những ca bệnh. PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân tích: Hiện số ca mắc sởi tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái với gần 90 trường hợp (trong năm 2017, cả nước chỉ ghi nhận 141 trường hợp mắc sởi, chủ yếu tại miền Bắc).

"Dịch sởi có thể bùng phát trong năm nay, đặc biệt với trẻ dưới 15 tuổi và dưới 9 tháng tuổi. Hơn nữa, theo quy luật cứ 4 năm dịch sởi sẽ quay lại một lần" PGS.TS Trần Như Dương lo lắng.

Cử nhân điều dưỡng Đỗ Thị Thúy Hậu – Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng.

"Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… có thể gây nên tử vong. Hiện bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu ở trẻ em. Cách chữa chủ yếu là cải thiện triệu chứng, vệ sinh cá nhân và chế độ ăn", cử nhân điều dưỡng Đỗ Thị Thuý Hậu cho hay.

Theo L.Hà/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều