Mô hình giúp hiểu rõ cơ chế lây nhiễm ban đầu của virus SARS-CoV-2

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Y Baylor (Mỹ) cho biết họ đã phát triển được một mô hình mũi người mới giúp mô phỏng cơ chế lây nhiễm ban đầu khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi.
 Trong ảnh (do Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm quốc gia Mỹ cung cấp ngày 12/3/2020): Hình ảnh virus SARS-CoV-2 (màu vàng) nổi lên bề mặt tế bào người. Ảnh: AFP/TTXVN
Nghiên cứu sử dụng hệ thống organoid mũi 3 chiều mô phỏng sự tương tác phức tạp giữa các tế bào của người và virus, được công bố mới đây trên tạp chí mBIO. Organoid là các nhóm tế bào được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm tương tự như các tế bào trong các cơ quan khác nhau của cơ thể con người. 

Với phát hiện mang tính đột phá trên, các nhà nghiên cứu đã tìm ra sự khác biệt chính giữa việc nhiễm virus SARS-CoV-2 và virus hợp bào hô hấp (RSV), một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh đường hô hấp ở trẻ em, qua đó cung cấp sự hiểu biết rõ ràng hơn về giai đoạn lây nhiễm đầu tiên khi virus xâm nhập vào mũi và có thể giúp tìm ra các liệu pháp điều trị mới. 

Để nghiên cứu về sự tương tác giữa virus SARS-CoV-2 hoặc RSV với biểu mô mũi, các nhà khoa học đã mô phỏng quá trình lây nhiễm tự nhiên bằng cách cho mỗi loại virus riêng biệt tiếp xúc với đĩa nuôi cấy organoid mũi, và quan sát những thay đổi xảy ra sau đó. Giáo sư, Tiến sĩ Pedro Piedra về lĩnh vực virus học phân tử và vi sinh vật thuộc Đại học Y Baylor cho biết với các virus gây bệnh đường hô hấp, như SARS-CoV-2 hay RSV, việc lây nhiễm thường bắt đầu từ mũi khi cơ quan này hít phải virus khi thở. Theo ông, các organoid mũi người mà nhóm nghiên cứu của ông đã phát triển cho phép tiếp cận vào tận bên trong mũi người để nghiên cứu quá trình lây nhiễm đầu tiên ở trong phòng thí nghiệm, điều mà họ chưa làm được trước đó. Ông Piedra cho biết các nhà nghiên cứu đã phát triển thành công các organoid mũi của cả người lớn và trẻ em. 

Đây là lần đầu tiên, nhóm nghiên cứu này mô tả một cách tiếp cận không xâm lấn, có thể tái tạo và đáng tin cậy để tạo ra các organoid mũi người, giúp phục vụ những nghiên cứu dài hạn. Các nhà khoa học cũng hy vọng rằng mô hình mới này sẽ được sử dụng để nghiên cứu đối với các virus gây bệnh đường hô hấp khác cũng như các vi khuẩn gây bệnh khác.

Theo Trần Quyên (TTXVN)

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều