Người Việt sống thọ hơn nhưng đối mặt với bệnh tật

Việt Nam có tốc độ già hóa dân số rất nhanh. Những năm gần đây, tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng lên nhưng thời gian được sống khỏe mạnh vẫn thấp. Tỷ lệ người cao tuổi mắc bệnh vẫn cao.

 Tuổi thọ người Việt tăng nhưng chất lượng chưa cao

Theo báo cáo của Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tại Việt Nam, 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh thấp (64 tuổi).

Việt Nam là nước có tốc già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi; chưa có hệ thống cung ứng việc làm cho người cao tuổi...

Trung bình một người cao tuổi mắc 3 bệnh và phải chịu gánh nặng bệnh tật kép. Trong đó, đã có sự thay đổi từ bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm, các bệnh mãn tính và các bệnh mới như ung thư, trầm cảm về tâm thần... Chi phí điều trị trung bình cho một người cao tuổi thường cao gấp 7-8 lần so với chi phí điều trị cho một trẻ em.

Vấn đề này đặt ra nhiều thách thức lớn đối với những chính sách liên quan công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Thực tế hiện nay, số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội chỉ chiếm gần 30%. Còn 70% số người cao tuổi còn lại không nhận được trợ cấp. Chính vì vậy, rất nhiều người cao tuổi vẫn phải tự lao động và kiếm sống.

Tuổi thọ trung bình của người Việt cũng phản ánh một phần chất lượng sức khoẻ của người dân. Từ những thực tế trên, tại Hội nghị Trung ương 6, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được xác định là vấn đề cần được quan tâm.

Theo LH/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều