Nhiều người nhập viện vì giá rét: Bác sĩ chỉ 6 nguyên tắc phòng bệnh

Trong một tuần gần đây, thời tiết miền Bắc chuyển lạnh sâu. Do vậy số lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý hô hấp nhập viện đều tăng ở các cơ sở y tế.

Nhiều người nhập viện vì giá rét

Riêng tại Khoa Bệnh phổi mãn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh liên quan mật thiết với các yếu tố môi trường tới khám tăng rõ rệt.

Thời tiết giá rét, nhiều người dân Thủ đô đốt lửa để sưởi ấm (Ảnh Internet)

Theo BS Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, trước kia, khoa điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân nội trú/tháng. Tuy nhiên, trong tháng vừa rồi số lượng bệnh nhân tăng lên 130% (khoảng 250 bệnh nhân phải điều trị).

Lý giải về vấn đề này, theo BS Thành, sự thay đổi thời tiết đột ngột là yếu tố nguy cơ đối với các bệnh lý đường hô hấp.

"Phổi là cơ quan trực tiếp "thông thương" với môi trường bên ngoài khi chúng ta hít thở. Tất cả những thay đổi bên ngoài môi trường đều ảnh hưởng tới phổi. Đặc biệt là đối với các trường hợp có sức đề kháng kém như: người cao tuổi, người có bệnh nền (điển hình như hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản... rất dễ tổn thương khi thời tiết giao mùa", BS Thành phân tích.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, khi thời tiết lạnh, việc bảo vệ tại chỗ giảm sút, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ.

“Cần biết rằng, môi trường của chúng ta có chứa rất nhiều chất độc hại vô cơ, hữu cơ, vi sinh… là những yếu tố không nhìn thấy. Hàng ngày môi trường chúng ta luôn trong tình trạng báo động ô nhiễm. Do đó, khi yếu tố bảo vệ tại chỗ bị giảm sút sẽ dẫn đến nguy cơ cao bùng phát cấp tính bệnh mãn tính, nhiễm trùng”, BS Thành cho hay.

 

Một số bệnh nhân suy hô hấp phải can thiệp thở máy (Ảnh: Thảo Nguyên)

Đa phần các trường hợp phải nhập viện tại cơ sở này tình trạng bệnh đã chuyển nặng

Ví dụ như bệnh viêm phổi bị các vi khuẩn có độc lực mạnh bùng phát gây nhiễm trùng nặng; bệnh nhân có những đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; hen cấp có tình trạng suy hô hấp phải thở máy.

“Ở Khoa Bệnh phổi mạn tính, khi bệnh nhân phải vào nhập viện, trường hợp nhẹ thì thở oxy, nặng phải thở máy. Đa số các bệnh nhân thoát đợt cấp ra viện. Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân nặng phải đặt nội khí quản và có bệnh nhân tử vong.

Chúng tôi có 55 giường bệnh lúc nào cũng kín giường. Hiện có 15 bệnh thở máy không xâm nhập, số còn lại phải thở oxy. Trên 25% bệnh nhân nặng và nguy kịch, đặc biệt thời điểm tháng 10-11 số bệnh nhân nặng tăng”, BS Thành phân tích.

6 nguyên tắc phòng bệnh khi trời rét

Theo BS Thành, với thời tiết cực đoan hiện nay, việc phòng bệnh đặc biệt là những đối tượng nguy cơ cao là rất quan trọng.

Thứ nhất, đối với các trường hợp được chẩn đoán các bệnh lý nền cần phải quản lý bệnh tốt, theo sát chuyên khoa.

Thứ hai, cần phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng. Đặc biệt ở người cao tuổi thời điểm giao mùa cần phải ăn uống đủ nâng cao sức đề kháng.

Thứ ba, người cao tuổi thường thức dậy vào đêm không cẩn thận sẽ bị nhiễm lạnh có thể gây nên các nhiễm trùng đường hô hấp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm. Do đó, cần đặc biệt chú ý việc giữ ấm, tránh sốc nhiệt. Với trẻ nhỏ, thời điểm đêm cũng cần chú ý tránh để trẻ nhiễm lạnh gây viêm phổi.

Thứ tư, cần tăng sức bảo vệ chủ động. Đối với bệnh nhân có bệnh lý nền và người không có bệnh lý nền trên 65 tuổi nên tiêm phòng vắc xin cúm nhắc lại hàng năm, tiêm phòng vi khuẩn phế cầu. 2 vắc xin này giảm nguy cơ mắc bệnh gây tổn thương phổi.

Thứ năm, khi thời tiết lạnh giá mọi người đi ra ngoài cần phải giữ ấm cơ thể bằng cách mặc ấm, đeo khẩu trang để tránh tác nhân lây qua đường hô hấp, giữ cho hơi thở ấm.

Thứ sáu, ở những vùng quê thường xảy ra tình trạng sưởi ấm bằng các chất đốt như: củi, than dễ gây ngộ độc. Do đó, cần lưu ý sưởi ấm một cách an toàn bằng thiết bị điện.

Theo Minh Tiến/Báo Đại biểu nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều