Phòng tránh lây nhiễm Covid-19 khi lấy mẫu xét nghiệm

Nhiều địa phương đang triển khai chiến dịch xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng nhằm tách F0 khỏi cộng đồng. Để tránh nguy cơ lây nhiễm khi lấy mẫu xét nghiệm, người dân và các nhân viên y tế cần thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Thành phố Hà Nội đang tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 diện rộng tại 30 quận, huyện, thị xã. Các tỉnh, thành phố là điểm nóng dịch cũng đang dồn sức tiêm chủng và xét nghiệm. Công tác xét nghiệm được thực hiện theo hai hướng chính: Xét nghiệm ở khu vực có nhiều F0 và xét nghiệm những đối tượng có nguy cơ cao. 

Lấy mẫu xét nghiệm cho nhân viên y tế tại Bệnh viện - Ảnh: DUYÊN PHAN 
Để phục vụ chiến dịch, ngành y tế đã huy động nhân lực từ các cơ sở y tế công lập và tư nhân; sinh viên các trường y; nhân viên y tế từ các tỉnh, thành phố khác. Ở các điểm lấy mẫu cộng đồng, mỗi ngày, một nhân viên y tế có thể lấy mẫu cho cả trăm người. Thông qua xét nghiệm sàng lọc, hàng nghìn ca nhiễm Covid-19 được phát hiện, cách ly y tế, điều trị. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm ở những điểm tập trung đông người, không tuân thủ đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh, nhân viên y tế chưa thực hiện tốt các nguyên tắc phòng ngừa lây nhiễm.

Theo phản ánh của người dân, tại một số điểm lấy mẫu ở TP Biên Hòa (Đồng Nai), nhân viên y tế không sát khuẩn tay sau mỗi lần lấy mẫu, có nhân viên chỉ dùng một đôi găng tay cho nhiều lần lấy mẫu. Tình trạng này cũng xảy ra ở không ít địa phương đang xét nghiệm diện rộng, trong đó có Hà Nội. Tại nhiều điểm lấy mẫu cộng đồng, người dân chưa tuân thủ khoảng cách ít nhất 2 m theo quy định, còn tụ tập đông người, trò chuyện, gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. 

Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang) phản ánh: Cha chị là ông Nguyễn Văn Bé, ở xã Tân Mỹ Chánh, TP Mỹ Tho vừa bị dương tính với Covid-19. Trong thời gian giãn cách xã hội và thời gian phong tỏa, ông đi test nhanh Covid-19 tại điểm gần nhà hai lần (ngày 21 và 24/8). Cả hai lần này đều cho kết quả âm tính. Đến ngày 25/8, ông thấy mệt nên được chuyển vào Bệnh viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang. Để được nhập viện, các bác sĩ làm xét nghiệm Realtime RT-PCR và cho kết quả dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. 

Chị Hồng cho biết: Điểm test nhanh cách nhà vài chục mét. Cha chị chỉ đi đến điểm này lấy mẫu rồi về, không đi đâu. Ngoài việc đi lấy mẫu, vợ và hai người con của ông cũng ở nhà, không tiếp xúc với người lạ mặt bên ngoài. Khi ông bị dương tính, xét nghiệm vợ và hai con của ông đều âm tính. Vì vậy, chị Hồng nghi ngờ cha mình bị dương tính là do nguồn lây tại điểm đi lấy mẫu xét nghiệm. Một số điểm lấy mẫu, người dân không giữ khoảng cách, lực lượng lấy mẫu xét nghiệm không thay găng tay… Họ đi lấy mẫu lần trước âm tính nhưng lần sau lại dương tính, mặc dù không tiếp xúc với người lạ bên ngoài. Họ nghi ngờ việc tập trung quá đông người tại các điểm lấy mẫu đã làm cho lượng vi-rút nhân lên, nguồn vi-rút của người dương tính tồn lưu và xâm nhiễm vào cơ thể của những người có sức khỏe yếu.

PGS, TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho biết: Theo Quyết định số 5188/QĐ-BYT ngày 14/12/2020 áp dụng cho các cơ sở khám, chữa bệnh thì trong quá trình lấy mẫu, nhân viên y tế phải đeo hai lớp găng tay y tế. Sau mỗi lần lấy mẫu cho từng người, nhân viên lấy mẫu phải tháo bỏ toàn bộ găng đã sử dụng, vệ sinh tay và mang găng mới nhằm bảo đảm người được lấy mẫu và nhân viên lấy mẫu không bị lây nhiễm vi-rút. Trước diễn biến dịch phức tạp, số người lấy mẫu lớn, không thể lấy mẫu tại bệnh viện, ngày 24/6/2021, Bộ Y tế có Công văn số 5063/BYT-DP hướng dẫn lấy mẫu trong cộng đồng. Tại văn bản này, Bộ Y tế quy định khi lấy mẫu, nhân viên y tế sử dụng một đôi găng tay và khử khuẩn tay bằng dung dịch cồn (nồng độ cồn từ 60 - 80%) sau mỗi mẫu bệnh phẩm; thay găng tay ngay khi găng tay bị rách, hỏng hoặc bàn tay thấy thấm dịch. Trong quá trình lấy mẫu, nhân viên y tế không thực hiện các hoạt động khác. 

Đại diện CDC Hà Nội cũng cho biết, thực hiện kế hoạch lấy gần một triệu mẫu xét nghiệm (trong đợt 2) thật sự là áp lực đối với lực lượng y tế tại các quận, huyện cho nên có thể chỗ này, chỗ khác chưa tuân thủ đúng quy trình. Người dân có quyền giám sát, nhắc nhở, yêu cầu người lấy mẫu sát khuẩn tay đầy đủ trước khi lấy mẫu cho mình. Đồng thời, CDC có các đội giám sát, hỗ trợ quận, huyện để đôn đốc, nhắc nhở tuân thủ các quy định chuyên môn.

Theo Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều