Rượu ngày Tết uống để vui hay rước bệnh

Trước, trong và sau Tết, những cảnh báo ngộ độc rượu luôn được đưa ra. Thế nhưng, số ca ngộ độc rượu trong dịp Tết Nguyên đán xảy ra không giảm mà còn tăng lên. Đặc biệt, những ca tổn hại sức khoẻ nặng nề do rượu vẫn được các bệnh viện tiếp nhận.

Bệnh nhân ngộ độc rượu được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Ùn ùn nhập viện vì rượu

Tết Đinh Dậu 2017, chỉ trong 3 ngày Tết, có tới gần 400 ca nhập viện vì ngộ độc rượu bia. Trong cả năm 2017, số vụ ngộ độc rượu tăng đột biến với 115 người phải nhập viện và 11 người tử vong. Bộ Y tế cho biết, trong 5 năm qua, toàn quốc ghi nhận 28 vụ ngộ độc rượu với 193 người mắc, 179 người đi viện và 34 người chết. Đặc biệt, xác suất tử vong do ngộ độc rượu cao gấp nhiều lần các loại ngộ độc khác liên quan tới ăn uống. Đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi trên thực tế, còn có rất nhiều người mắc các bệnh mạn tính liên quan đến rượu, bia. Tính riêng tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm điều trị hơn 2.000 bệnh nhân xơ gan do lạm dụng rượu, bia. Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 14 đến 17.2 (29 đến mồng 2 Tết), cả nước có khoảng 388 trường hợp nhập viện do ngộ độc, say rượu.

Còn ngay trước Tết tại các bệnh viện, bệnh nhân ùn ùn nhập viện vì ngộ độc rượu. Chỉ còn vài ngày là đến Tết Mậu Tuất 2018, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) đã liên tiếp tiếp nhận những ca ngộ độc rượu nặng. Trong khi mọi nhà đang hối hả chuẩn bị đón năm mới thì chị L.T. H ở huyện Mê Linh, Hà Nội đang phải chăm chồng trong viện. Chồng chị là anh T. V. L cấp cứu vào Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) vào ngày cận Tết trong tình trạng ngộ độc, nôn nhiều. Bệnh nhân L được chẩn đoán suy thận cấp, xơ gan, tiền sử đái tháo đường. Mặc dù các bác sĩ đã điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch tuy nhiên vẫn cần tiếp tục theo dõi và điều trị lâu dài.

“Mỗi ngày anh ấy uống khoảng nửa lít rượu vào bữa trưa và tối. Tình trạng này đã kéo dài hơn 10 năm nay. Vợ con ngăn, anh hứa rồi đâu lại vào đó. Sau này, mỗi lần vợ con can ngăn lại bị anh chửi, đánh thậm tệ, nên không dám khuyên can nữa”, chị H buồn rầu.

Nằm kế bên, bệnh nhân T. M. D 56 tuổi (ở Đống Đa, Hà Nội), được đưa vào bệnh viện trong tình trạng viêm gan, ung thư niệu quản. Bệnh nhân có tiền sử chức năng miễn dịch giảm do uống rượu thường xuyên. Chị L.T.Ng - vợ bệnh nhân D - cho biết: chồng chị uống rượu nhiều năm qua, mỗi ngày khoảng nửa lít. Mặc dù đã nhiều lần phải vào viện điều trị vì viêm gan do rượu với tình trạng men gan cao nhưng anh vẫn uống.

Bác sĩ Hoàng Nam, Khoa Tiêu hoá (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: thời điểm trước, trong và sau Tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia tăng cao, trong số đố chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy… Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng lạm dụng rượu kéo dài nhiều năm. Cá biệt có nhiều bệnh nhân ra vào viện 9-13 lần do xuất huyết tiêu hóa.

Những tai nạn, ngộ độc do uống nhiều rượu bia vẫn luôn là đề tài nóng trong dịp Tết Nguyên Đán, mặc dù đã được liên tục cảnh báo mối nguy hại do uống rượu bia nhiều nhưng các bệnh viện vẫn tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân bị ngộ độc rượu.

Ths Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: có những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, và đã tử vong khi đang cấp cứu do uống rượu liên tục 3 - 4 ngày trời. Xét nghiệm máu cho thấy, hàm lượng cồn công nghiệp trong máu bệnh nhân vượt quá mức nhiều lần cho phép. Thời điểm gần Tết Nguyên đán, ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc rượu. Nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu pha từ cồn công nghiệp methanol, thậm chí là lạm dụng rượu, bia đạt chuẩn cũng gây ngộ độc hoặc tổn thương gan.

Ths Nguyên cho rằng: “Không có loại rượu nào được xem là an toàn với người uống. Trước và sau Tết Nguyên đán, số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện năm nào cũng đông. Mùa rét, bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cao hơn hẳn, phần lớn là do uống rượu nhiều gây ra chảy máu, xơ gan. Rượu làm giảm số lượng bạch cầu, giảm sức đề kháng của cơ thể nên tình trạng nhiễm trùng càng nặng”.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết qua theo dõi, số người chết do ngộ độc rượu tập trung nhiều nhất vào thời gian từ tháng 2 - 4, trùng với thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Tính chung 5 năm qua, số ca ngộ độc rượu ở thời điểm tháng 2 - 4 hàng năm đều tăng vọt 40% - 50% so với các tháng còn lại.

Trước tình trạng số người bị ngộ độc rượu đang gia tăng, nhất là vào dịp Tết và lễ hội đầu Xuân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã bày tỏ sự lo ngại: “Ngộ độc rượu cấp chỉ chiếm 1% - 2% số vụ ngộ độc thực phẩm mỗi năm, nhưng số người chết do rượu lại chiếm đến 70%. Có những gia đình, sau bữa tiệc mấy người tử vong. Tết thì phải vui, nhưng mấy năm rồi năm nào cũng có người chết trong dịp lễ hội đầu năm vì uống phải rượu có pha methanol thì thật đáng lo ngại”.

Một trường hợp ngộ độc rượu được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Sự tàn phá của rượu

Chia sẻ về tác hại của rượu bia với sức khỏe, Ths Nguyễn Trung Nguyên cho hay lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu xịn, bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu bia xịn cũng vẫn là gánh nặng cho gan.

Ths Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh: Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ trở nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng mặt bệnh.

Rượu là tác nhân hàng đầu gây viêm gan, (biểu hiện tăng men gan), gan nhiễm mỡ lâu ngày dẫn đến xơ gan, rồi biến chứng hôn mê gan; Không có rượu bổ, đã là rượu thì đều nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là chức năng gan; Mỗi ngày một người chỉ dùng 1- 2 chén rượu nhỏ, tương đương 1-2 cốc bia, không lạm dụng và ỷ lại vào các thuốc giải rượu bia chưa được chứng minh tác dụng rõ rệt; Những người thường xuyên tiếp khách, phải uống rượu bia nên khám sức khoẻ định kỳ, chú ý kiểm tra men gan.

Một điều đáng nói, qua phân tích từ các vụ ngộ độc rượu cho thấy, rượu trắng pha cồn công nghiệp methanol là nguyên nhân hàng đầu gây ra ngộ độc (chiếm gần 50% số ca tử vong do rượu), tiếp đến là rượu ngâm cỏ cây rừng độc, rượu ngâm củ ấu, rượu ngâm động vật (ong đất, tắc kè, mật lợn)… Tình trạng ngộ độc do uống phải rượu pha từ cồn công nghiệp methanol có xu hướng gia tăng, trong khi các bệnh viện chưa có thuốc giải độc.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng lo ngại: nguyên nhân khiến ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng là do thị trường vẫn tồn tại rượu không đảm bảo an toàn, rượu chứa hàm lượng methanol cao, rượu giả, rượu không bảo đảm chất lượng… Bên cạnh việc người sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận mà vi phạm pháp luật, thì ý thức của người tiêu dùng vẫn còn hạn chế, công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này cũng còn khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bộ đang biên soạn và dự kiến tháng 6.2018 sẽ trình Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, sau đó sẽ trình ra Quốc hội. Đồng thời, tới đây Bộ Y tế sẽ đề xuất tăng thuế rượu bia cũng như đề nghị ngành công thương tăng cường quản lý tận gốc mặt hàng rượu, nguyên liệu cồn công nghiệp. Đặc biệt, cần khẩn trương có các quy định đưa chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp.

Thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương cho thấy, tỷ lệ điều trị tâm thần do rượu chiếm 5-6% số bệnh nhân nhập viện và đang có xu hướng gia tăng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, lạm dụng rượu, bia là nguyên nhân của 31% số vụ đánh giết nhau, 33% số vụ hiếp dâm, 18% số vụ tai nạn giao thông và là tác nhân gây ra 60 loại bệnh.

Theo Hà Lê/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều