Sinh con thuận tự nhiên: Làm con chết mẹ chịu trách nhiệm pháp luật như thế nào?

Theo luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Đoàn luật sư TP Hà Nội, việc tự ý sử dụng phương pháp sinh con thuận tự nhiên là trái quy định của pháp luật.

Mặc dù thông tin “thai phụ và con tử vong vì sinh thuận tự nhiên ở nhà" chưa được cơ quan y tế xác định nhưng trên phương diện pháp luật, luật sư Nguyễn Doãn Hùng nêu quan điểm rằng, sinh con là một sự kiện y học, ẩn chứa nhiều nguy hiểm mà người mẹ và đứa trẻ có thể gặp phải trong quá trình sinh nở. Khi sinh tại các cơ sở y tế, người mẹ được kiểm tra kỹ lưỡng, có khả năng lựa chọn giữa sinh thường và sinh mổ. 

Luật Khám bệnh, chữa bệnh áp dụng từ 1/1/2011 quy định tại Điều 70 về điều kiện áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam: Có đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị để có thể áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới; Được Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế cho phép áp dụng.

Phương pháp “Sinh con thuận tự nhiên” là phương pháp mới mặc dù có nhiều ưu điểm, tuy nhiên, Bộ Y tế chưa cho phép áp dụng. “Như vậy, việc tự ý sử dụng phương pháp sinh con thuận tự nhiên theo quan điểm của tôi là trái quy định của pháp luật” – Luật sư Nguyễn Doãn Hùng khẳng định.

Luật sư Hùng phân tích, nhiều người cho rằng, việc sinh con như thế nào, ở đâu, có nguy hiểm đến tính mạng đứa trẻ hay không là quyền của người mẹ. Tuy nhiên, khi một đứa trẻ ra đời đã phát sinh năng lực pháp luật, được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe. Việc người mẹ không tuân thủ quy định của y tế về sinh sản, chăm sóc sức khỏe của đứa trẻ mà gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nó là vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp sản phụ biết các nguy cơ, thể trạng của mình không đảm bảo để sinh đẻ tự nhiên thuận lợi mà cố tình sinh thuận tự nhiên khiến cháu bé tử vong thì hành vi của người mẹ này là hành vi vô ý làm chết người vì quá tự tin. Theo quy định tại khoản 1 Điều 128 Bộ luật hình sự 2015 về tội vô ý làm chết người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Còn trường hợp người mẹ không nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm mà rơi vào tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự thì không bị kết tội. Nếu người mẹ ở mức độ bị hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự thì có thể được Tòa án xem xét là tình tiết giảm nhẹ khi xác định hình phạt.

Cũng theo luật sư Hùng, căn cứ Khoản i điều 52 BLHS 2015 về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì nếu nạn nhân là trẻ em mới đẻ thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Vì vậy, nếu một người mẹ nhận thức bình thường vẫn cố tình thực hiện việc sinh con theo cách thức lạc hậu, từ chối can thiệp bởi qua học kĩ thuật dẫn đến hậu quả đứa bé tử vong thì người mẹ có thể bị xử lý hình sự về tội Vô ý làm chết người theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo Nguyễn Hà - Phạm Dung/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều