Thấy và nghĩ: Trà đá vỉa hè

(Mặt trận) - Tuần qua ở Bắc Bộ đã tới cao điểm của đợt nắng nóng đầu tiên, nên thấy các quán trà đá vỉa hè rất đông khách và tấp nập như vậy. Có thể nói đây là một loại hình giải khát bình dân, xuất hiện ở hầu hết các thành phố lớn, đặc biệt là những ngày mùa hè.

Vì nóng, vỉa hè nào cũng thấy người đi đường, sinh viên, công chức vào giờ nghỉ ngồi uống trà đá. Bởi vậy các nhà máy đá “cháy hàng”, vì phải cung cấp nguồn lớn cho quán bia hơi, giải khát và trà đá. Như vậy, uống trà đá như một nét sinh hoạt văn hóa rất đặc trưng của người Việt, nhất là cư dân phía Bắc, nó phổ biến với tầng lớp dân cư nghèo.

Ảnh minh họa.

Chính quyền đô thị nhiều nơi đã có những quy định về việc không lấn chiếm vỉa hè làm chỗ bán hàng, xem ra việc này chỉ trật tự quy củ vào những đợt chức năng ra quân, sau đó vỉa hè lại nhường chỗ cho nhiều loại dịch vụ trong đó có trà đá. Tuy nhiên trong những tình huống nắng nóng vừa qua, người ta có thể dễ dàng mua một cốc trà đá và giải khát ngay vệ đường, vừa nhanh vừa tiện, hợp khẩu vị và bình dân với người lao động đang nắng nóng, có lẽ trà đá cũng không phải mất trật tự, mỹ quan như chúng ta vẫn nghĩ. Các quán trà đá di động và xuất hiện bất chợt vào mùa nắng nhưng lại biến mất khi trời mưa hoặc khi các đội trật tự ra quân phản ánh mối quan hệ giữa dân gian và nhà nước, giữa quan phương và phi quan phương mà mỗi bên đều có lý cho hành vi của mình. Xã hội cần phải vận hành theo pháp luật, nhưng có những thiết chế văn hóa pháp luật rất khó với tới và phá bỏ. Nó như một dạng thỏa ước hoạt động giữa công và tư mà trà đá là một dạng điển hình như vậy.

Văn hóa trà đá vỉa hè cũng cho thấy rõ tác phong và tính chất nghề nghiệp của nhiều thành phần cư dân trong xã hội Việt ta. Người bán trà đá dân gian thường gọi là nhóm “buôn thất nghiệp, lãi quan viên”- ý nói họ không có việc chỉ ngồi bán thời gian qua ấm trà mà lãi không hề nhỏ. Trong cái lều, ô tạm bợ đó, khách hàng có thể hút thêm thuốc lá, thuốc lào, nhai kẹo lạc hoặc mua vé số của nhà nước. Bởi người bán trà lấy trà đá là mặt hàng chính nhưng kiêm nhiều mặt hàng phụ khác cũng ăn khách không kém. Còn người uống thì đủ loại từ xích lô, xe ôm cho đến sinh viên, học sinh, viên chức nhà nước... có nghĩa là khá đủ các thành phần xã hội từ trung lưu trở xuống, từ người trí thức cho đến lao động bình dân. Điều đặc biệt là dù không quen biết nhưng họ có thể trao đổi với nhau rất nhiều chuyện khi uống trà đá nếu có ai khởi hứng câu chuyện từ trận bóng cho đến các vấn đề nóng nhưng Nghị quyết Trung ương 7 vừa qua.

Người ta tự hỏi, trà đá có ngon và sạch không? Chắc chắn nhiều người khẳng định ngay rằng nó không ngon bằng trà chúng ta pha uống ở nhà và không hề có giấy chứng nhận của cơ quan y tế về vệ sinh thực phẩm. Vậy tại sao các quán trà đá vẫn tồn tại bao năm và vẫn không ngơi khách? Có lẽ vì nó tạo ra một không gian riêng và thoải mái khi ngồi một mình hoặc cùng bạn bè quanh ly trà đá. Ở đó, người ta uống trà cũng có thể vì khát, nhưng có lẽ vì nó đã tạo ra một sự gần gũi, thoải mái, giữa người với người.

Theo Hạnh Nguyên / Báo Người Công giáo Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều