TP Hồ Chí Minh: Bệnh sốt xuất huyết giảm, tay chân miệng có dấu hiệu tăng

Ngày 14/12, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần 50 giảm 14,7% so với trung bình 4 tuần trước, song vẫn ở mức cao so với cùng kỳ các năm. Trong khi đó, bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng. 

Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu).

Từ đầu năm đến ngày 11/11, toàn Thành phố ghi nhận 78.561 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng gần 7 lần với cùng kỳ năm 2021) với 1.930 ca bệnh nặng. Tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến nay là 2,46% (1.930/78.561), tăng hơn 3,2% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong tuần 50 (từ ngày 5-11/12), Thành phố có 1.100 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm 14,7% so với trung bình 4 tuần trước; trong đó, số ca nội trú giảm 18,7% và ngoại trú giảm 10,5%. Trong tuần 50, trên địa bàn ghi nhận 50 ổ bệnh sốt xuất huyết mới phát sinh ở 31 phường, xã (giảm 12 ổ bệnh mới so với tuần 49). Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 29 trường hợp, tăng 23 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Đối với bệnh tay chân miệng, tính đến ngày 11/12, Thành phố ghi nhận 18.779 trường hợp mắc. Tuần 50 có thêm 182 ca bệnh tay chân miệng, tăng 92,3% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca bệnh tăng nhiều ở cả khám ngoại trú và điều trị nội trú. Địa phương có thêm hai ổ bệnh tay chân miệng mới, nâng tổng số lên 90 ổ bệnh trong năm 2022.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, người dân khi sốt cao 39 - 40 độ C đột ngột, liên tục, cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc, điều trị phù hợp. Trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà, người chăm sóc cần lưu ý các dấu hiệu chuyển nặng để đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Khi người bệnh hạ sốt, người chăm sóc vẫn cần theo dõi sát dấu hiệu chuyển nặng.

Đối với bệnh tay chân miệng, các bác sỹ cho rằng, tình huống trẻ mắc bệnh tay chân miệng tự khỏi chiếm khoảng 90% trường hợp, còn lại có thể có biến chứng như: ảnh hưởng tới não bộ, thân não, gây suy hô hấp, ảnh hưởng tới tim gây viêm cơ tim, suy tim, gây phù phổi cấp… Do đó, nếu nghi ngờ bị tay chân miệng, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để xác định chính xác bệnh và được hướng dẫn khuyến cáo cụ thể. Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng ngừa và là bệnh lây qua đường tiêu hóa, vì vậy biện pháp quan trọng nhất vẫn là giữ vệ sinh. Phụ huynh cần thường xuyên vệ sinh các dụng cụ sinh hoạt của trẻ, những người chăm sóc cần rửa tay thường xuyên để không mang virus lây bệnh cho trẻ.

Theo Bài, ảnh: Đinh Hằng (TTXVN/Báo Tin tức)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều