Trẻ em cũng gánh hậu quả của kiểu "chữa bệnh truyền miệng"

Chưa có số liệu thống kê cụ thể những ca bệnh nặng do bỏ điều trị của bác sĩ để theo thầy lang, tự điều trị nhưng tại các cơ sở y tế vẫn liên tục tiếp nhận nạn nhân. Bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, trẻ em cũng không ngoại lệ.

 Cháu V bị hoại tử vì dùng thuốc truyền miệng

Nguy kịch vì tự dùng kim chọc vỡ nhọt

Thấy con bị mọc nhọt ở vùng mông trái kèm theo sốt, thay vì đưa con đến Trạm y tế, mẹ cháu Vàng Quáng V. (18 tháng tuổi, ở Hà Giang) đã lấy kim thêu chọc cho vỡ nhọt. Sau đó chị lấy lá cây dọc mùng và một số lá khác giã nát, đắp để chữa nhọt cho con.

Vùng nhọt của bé V. không khỏi mà còn sưng to. Khi gia đình đưa bé lên bệnh viện tỉnh, trẻ đã rơi vào tình trạng sốt cao, li bì. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị bệnh áp-xe mông trái, sốc nhiễm khuẩn. Sau 3 ngày điều trị không tiến triển, bé V. được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng. Vùng áp xe tại mông cháu bé hình thành khối mủ to.

Dù đã được chống sốc, dùng thuốc kháng sinh, truyền dịch, truyền máu và rạch dẫn lưu mủ ở vùng mông do áp-xe nhưng da vùng mông và đùi trái của trẻ tiếp tục hoại tử. Lúc này, các bác sĩ đã chỉ định mổ cắt lọc tổ chức hoại tử này.

Bác sĩ Hoàng Hải Đức, Phó trưởng Khoa Chỉnh hình Nhi (Bệnh viện Nhi Trung ương) nhớ lại: Lúc nhập viện, tổn thương hoại tử của bệnh nhi khá nặng nề, phức tạp. Do đắp lá không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh nên tình trạng viêm nhiễm da của bệnh nhi lan rộng, dẫn đến nhiễm trùng máu, gây hoại tử da trên diện rộng và các tổ chức phần mềm.

Các bác sĩ đã phải phẫu thuật 2 lần mới khống chế được vùng da hoại tử lan rộng. Tuy nhiên, vết mổ của bệnh nhân vẫn còn thiếu da, các bác sĩ tiếp tục chăm sóc, điều trị kháng sinh, chống nhiễm trùng, đợi khi thích hợp sẽ tiếp tục tiến hành ghép da cho bệnh nhi.

Người dân không biết sợ

Theo bác sĩ  Hoàng Đình Đức, thói quen chữa bệnh cho con theo kinh nghiệm dân gian hoặc bài thuốc gia truyền của các “thầy lang” rất nguy hiểm. Bởi việc tự chữa bệnh bằng đắp lá theo đồn thổi, hay dù là thuốc của “thầy lang” nhưng người chữa bệnh không được đào tạo cơ bản về chuyên khoa y tế, khó có thể nhận biết mức độ thương tổn của vết thương cũng như tình trạng bệnh lý của người bệnh để điều trị. Do đó, vết thương viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không viêm nhiễm trở nên viêm nhiễm.

Lúc này, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra viêm mủ màng tim, áp-xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí… tử vong.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, nếu bệnh nhân đến sớm, điều trị kịp thời thì hoàn toàn có thể khỏi bệnh. Nghe theo lang băm hoặc bài thuốc truyền miệng, chỉ có một người chữa khỏi truyền tai nhau cả ngàn người làm theo; còn khi có những người chết thì thường ít ai biết đến.

Theo L.Hà/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều