Trên 24.000 ca sốt xuất huyết, nhiều nơi có số người mắc tăng cao

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 24.252 ca mắc sốt xuất huyết và ba người tử vong, trong đó tại Khánh Hòa (1 ca), Phú Yên (2 ca). Con số thống kê cho thấy, trong những tuần đầu tiên của năm 2023, số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao. Tuy nhiên, từ khoảng cuối tháng 2 đến nay, số ca mắc chững lại và có dấu hiệu giảm. Đã 5 tuần liên tiếp, nước ta không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
 Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Hà Nội. Ảnh tư liệu: TTXVN

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, bệnh sốt xuất huyết diễn biến khá phức tạp, số ca mắc tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Trước tình hình trên, các địa phương đã tăng cường nhiều biện pháp tiêu hủy mầm bệnh sốt xuất huyết; tích cực xử lý, ngăn ngừa bệnh bùng phát trên diện rộng. Đối với các khu vực chưa xuất hiện dịch, các địa phương tổ chức nhiều hoạt động vệ sinh môi trường thu gom phế thải, vật dụng chứa nước, xử lý khu vực có nước đọng…; đồng thời phát tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, ao tù, nước đọng, tích cực tiêu diệt loăng quăng...

Tại tỉnh Trà Vinh, dù đang là mùa khô nhưng tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 76 ổ bệnh sốt xuất huyết với 217 ca mắc, tăng gần 7 lần so cùng kỳ năm 2022. Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Trà Vinh đã tiếp nhận 122 ca mắc bệnh sốt xuất huyết từ đầu năm tới nay, trong đó có 8 ca sốt xuất huyết Dengue với dấu hiệu cảnh báo, có 10 ca diễn biến nặng. Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhiều so cùng kỳ năm trước. Nhờ chủ động chuẩn bị cơ số thuốc, vật tư y tế, cùng với kinh nghiệm qua nhiều năm, các ca bệnh đều được điều trị khỏi.

Tại tỉnh An Giang, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.087 ca mắc sốt xuất huyết, (tăng 52 ca so với cùng kỳ năm 2022), không có ca tử vong. Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng triển khai giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch. Đồng thời, Sở chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo đầy đủ thuốc, trang thiết bị, máy móc điều trị; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, tránh tình trạng người bệnh không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời; có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch.

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Thủ đô ghi nhận 197 ca sốt xuất huyết (gấp hơn 19 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết phân bố tại 26/30 quận, huyện, thị xã; 124/579 xã, phường, thị trấn. Trong tuần qua, thành phố ghi nhận thêm một ổ dịch sốt xuất huyết mới với ba ca bệnh tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất. Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 9 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện còn một ổ dịch đang hoạt động.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết trước vào tháng cao điểm năm 2023, Bộ Y tế đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chủ động công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết trước, trong mùa dịch. Đồng thời, UBND chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Sở Y tế tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết; phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết; tổ chức, triển khai các chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (15/6) sâu rộng trên địa bàn.

Bộ Y tế yêu cầu địa phương giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền trong chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các biện pháp xử lý.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng triển khai giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bản để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo đầy đủ thuốc, trang thiết bị, máy móc điều trị; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới. Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị địa phương tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại điểm nóng, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hầu hết các ca sốt xuất huyết đều có triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Triệu chứng phổ biến nhất là sốt cao (40 độ C), thường đi kèm với hai hoặc nhiều triệu chứng như: Đau đầu; đau hốc mắt; buồn nôn, nôn mửa; nổi hạch; đau cơ, xương hoặc khớp; phát ban. Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh việc chẩn đoán sớm và chính xác, điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng, giúp giảm nguy cơ các triệu chứng bệnh trở nặng và tử vong.

Theo TTXVN/Báo Tin tức

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều