Trời rét đậm: Nhiều người nhập viện vì bệnh tim, bác sĩ khuyến cáo gì?

Thời tiết lạnh huyết áp thường tăng cao so với thời tiết trong năm khoảng 5mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng về tim mạch.

Nhiều người nhập viện vì bệnh tim

Tại các tỉnh miền Bắc hiện đang trong thời gian không khí lạnh tăng cường, khiến nhiều người phải nhập viện vì các bệnh lý tim mạch.

Mỗi ngày, tại Khoa Tim mạch và Trung tâm tim mạch - điện quang can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý tim mạch.

Trong đó, chủ yếu là người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh tim mạch trước đó, số lượng này tăng cao trong những ngày gần đây.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh, Bắc Bộ rét đậm, rét hại (Ảnh: TTXVN) 

Điển hình là trường hợp nam bệnh nhân 78 tuổi vào viện với chẩn đoán: Đợt cấp suy tim EF 30%; nhồi máu cơ tim cấp; tăng huyết áp. Bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm.

Sau đợt điều trị suy tim ổn định, bệnh nhân được tiến hành chụp động mạch vành. Kết quả chụp động mạch vành tổn thương rất nặng 3 thân động mạch vành. Sau chụp động mạch vành, bệnh nhân toàn trạng ổn định, tiếp tục về theo dõi tại Khoa Tim mạch. Dự kiến, bệnh nhân sẽ được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành.

Một trường hợp khác là nam bệnh nhân 55 tuổi, tiền sử tăng huyết áp, hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm. Bệnh nhân vào viện với bệnh cảnh đau ngực trái tính chất cơn đau điển hình, siêu âm tim không có giảm vận động vùng, men tim không tăng, điện tâm đồ không có biến đổi.

Bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán: Đau ngực không ổn định.

Ghi nhận tại Bệnh viện Hữu Nghị, tim mạch là một trong những mặt bệnh chính được ghi nhận ở những bệnh nhân đến khám trong những ngày gần đây. Bên cạnh đó, cơ sở y tế này cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân đến khám vì bệnh đường hô hấp.

Nguyên tắc phòng bệnh tim khi trời rét đậm

Theo TS Vũ Quỳnh Nga - Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, thời tiết lạnh huyết áp thường tăng cao so với thời tiết trong năm khoảng 5mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng về tim mạch.

"Thời tiết xuống thấp, các Catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Đa số người dân không biết hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp của mình. Theo thống kê thì chỉ có khoảng 1/3 trong số bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị và trong số những người được điều trị chỉ có 1/3 kiểm soát được huyết áp bằng thuốc", TS Nga cho hay.

Bên cạnh đó, khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên, ngoài ra mức huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi đi tắm rửa,...

Nếu huyết áp tối đa quá 180mmHg là điều rất đáng lo ngại. Nhiều người có tiền sử tăng huyết áp, lúc đó huyết áp sẽ tăng mạnh đến 200mmHg, nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời có thể gây vỡ mạch máu não và tử vong.

Do đó, chuyên gia này khuyến cáo, vào mùa lạnh, cơ thể cần được giữ ấm, đặc biệt với người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc bệnh tim mạch hay cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành. Hạn chế ra ngoài trời lạnh đột ngột vào buổi sáng. Khi tắm cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và sử dụng nước ấm để tránh việc tăng huyết áp đột ngột.

Người dân cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhất là các trường hợp tăng huyết áp.

Đối với trẻ có bệnh lý tim bẩm sinh rất hay mắc phải các bệnh như viêm họng, viêm đường hô hấp, viêm phổi. Chính vì vậy cần giữ ấm cổ và cơ thể, hạn chế ra ngoài trời lạnh. Trong trường hợp có dấu hiệu của bệnh, cần đến ngay cơ sở chuyên khoa về tim mạch để được thăm khám.

Theo Minh Tiến/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều