Vì sao phun hóa chất diện rộng mà Hà Nội vẫn nhiều muỗi?

Số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội vẫn gia tăng do không diệt được tất cả ổ bọ gậy.

Cuối giờ chiều 25/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch sốt xuất huyết. Tham gia cuộc họp có đại diện các Bộ, ngành liên quan, Sở Y tế Hà Nội, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ.

Tại đây, Bộ Y tế cho biết, trong khi dịch bệnh sốt xuất huyết chưa giảm thì dịch bệnh tay chân miệng đã bùng phát. Bộ cũng đề nghị Hà Nội làm rõ nguyên nhân vì sao phun hóa chất diện rộng mà muỗi vẫn nhiều, dịch bệnh vẫn ở mức cao.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp.

Không chỉ nhiều muỗi sau khi phun hóa chất, Hà Nội còn ghi nhận hơn 3.000 bệnh nhân sốt xuất huyết trong tuần qua. Lý giải nguyên nhân, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hóa chất vẫn phát huy hiệu lực diệt muỗi trưởng thành, nhưng do việc xử lý bọ gậy chưa triệt để nên khoảng 30 phút sau khi phun, hóa chất hết tác dụng, bọ gậy lại phát triển thành muỗi.

Trong khi đó, chỉ có 60% đội xung kích diệt bọ gậy hoạt động có hiệu quả. Chẳng hạn tại phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai) chỉ số bọ gậy trước khi diệt là 26%, sau khi đội xung kích và người dân tự diệt vẫn còn 12%. Tại phường Thanh Lương (Hà Đông) tỷ lệ này là 40% và 30%, tại phường Khương Thượng (Đống Đa) là 20% và 7%.

Trước thực tế này, kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ: “Hiệu quả của Đội xung kích diệt bọ gậy khi kiểm tra mới thấy là chưa phát huy được hiệu quả. Thành lập đấy nhưng chỉ là trên giấy tờ. Chính vì vậy mà mọi người đặt câu hỏi: vì sao sốt xuất huyết vẫn gia tăng? Hóa ra là vì chúng ta không diệt được tất cả ổ bọ gậy.

Nếu không diệt được ổ bọ gậy thì dịch sốt xuất huyết không thể giảm được, mà diệt bọ gậy lại chủ yếu bằng Đội xung kích, bằng sự tham gia của người dân, bằng sự chỉ đạo của các cấp chính quyền chứ không thể có phương pháp nào khác”.

 

Phun mù nhiệt.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng lưu ý Hà Nội về việc số ca mắc sốt xuất huyết chuyển từ gia tăng trong nội thành sang ngoại thành. Đồng thời yêu cầu Sở Y tế Hà Nội coi các phường, xã, quận huyện đang có nhiều bệnh nhân là những ổ dịch lớn để tập trung phun hóa chất diệt muỗi, “hạ hỏa” dịch bệnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc phun hóa chất phải áp dụng tổng thể phun bằng máy công suất lớn, phun bằng sương, phun mù nhiệt. Ông khuyến cáo và kêu gọi người dân hợp tác trong việc phun mù nhiệt trong nhà, bởi vì phun mù nhiệt sẽ biết thuốc đi đến đâu.

Ví dụ phun tầng 1, tầng 2 thì khói sẽ lên được tầng 3, tầng 4, chỉ cần mở cửa ra vào của các tầng trên. Sau khi phun, cố gắng đóng cửa càng lâu càng tốt để hiệu quả diệt muỗi được nhiều hơn. Phun mù nhiệt rất có lợi thế, vì nếu phun sương thì muỗi đậu ở dưới gầm bàn sẽ không chết nhưng khi phun mù nhiệt thì kể cả muỗi đậu ở đâu khói cũng len vào được và diệt chết.

Số ca mắc sốt xuất huyết trong cả nước từ đầu năm đến nay đã vượt con số 100.000 người, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 26 ca tử vong. Hà Nội dẫn đầu cả nước về số ca bệnh. Nếu không xử lý triệt để dịch sốt xuất huyết ở Thủ đô có thể tạo ra các ổ dịch mới tại các địa phương khác. Trong khi đó, dịch sốt xuất huyết chưa giảm thì dịch bệnh tay chân miệng lại bùng phát.

Từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 51.000 ca mắc trên toàn quốc, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó dịch cúm A/H7N9 vẫn có nguy cơ xâm nhập từ Trung Quốc và dịch cúm A/H5N1 có thể lây từ đàn gia cầm trong nước sang người.

Theo Văn Hải/VOV-Trung tâm Tin

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều