Vụ ngộ độc thực phẩm Minh Chay: Ngộ độc botulinum thuộc loại nặng, kéo dài và dễ tử vong

Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho 2 ca ngộ độc botulinum sau khi sử dụng sản phẩm pate Minh Chay. Bác sĩ cho biết botulinum thuộc loại rất độc, tuy nhiên có thể bị phá hủy ở nhiệt độ cao.
 

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân ngộ độc botulinum. Ảnh: LH

Ngày 31/8, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã thông tin về tình hình các ca ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum có trong sản phẩm pate Minh Chay.

Theo đó, hiện tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho 2 vợ chồng bệnh nhân Đ.G.T (nam, sinh năm 1950) và T.T.B.L (nữ, sinh năm 1952) ở Hoài Đức, Hà Nội, bị ngộ độc sau khi sử dụng sản phẩm pate Minh Chay. Ngoài 2 ca bệnh nặng đang điều trị, tại Bệnh viện Bạch Mai cũng có 4 bệnh nhân có triệu chứng nhẹ sau khi sử dụng Pate Minh Chay tới khám.

Theo khai thác tiền sử của 2 bệnh nhân nặng, khoảng tháng 7/2020, hai bệnh nhân này đã mua và sử dụng sản phẩm pate Minh Chay. Khi sử dụng đến hộp pate thứ hai, bệnh nhân thấy có mùi khác thường. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện nhanh các triệu chứng như: Đau họng, khó nuốt, sụp mi, nói khó, tay chân yếu…

Hai bệnh nhân đã đi khám và ngày 18/8, được chuyển từ Bệnh viện Lão khoa Trung ương tới Trung tâm chống độc với chẩn đoán theo dõi ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum.

BS. Nguyễn Trung Nguyên cho biết: “Hai bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm chống độc trong tình trạng bệnh nhân L. không tự ngồi được, liệt nhẹ cơ hô hấp, bệnh nhân T. liệt cơ gần như hoàn toàn, còn vận động nhẹ bàn tay, bàn chân, phải thở máy. Cả 2 bệnh nhân đều tỉnh táo và không có rối loạn cảm giác, dịch não tủy và hình ảnh cộng hưởng từ sọ não không có gì đặc biệt. Đến nay, sau gần 2 tuần điều trị, bệnh nhân L. đã tự ngồi dậy, tuy nhiên bệnh nhân T. vẫn liệt cơ gần như hoàn toàn, còn vận động nhẹ bàn tay, bàn chân và phụ thuộc thở máy, tiên lượng liệt có thể kéo dài điều trị nhiều tháng”.

Nói về ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum, BS. Nguyễn Trung Nguyên cho biết: Đây là loại ngộ độc nặng, kéo dài, dễ tử vong. Với các trường hợp bệnh nhân phải thở máy sẽ phải thở máy kéo dài, thậm chí tới 2- 10 tháng; chưa kể trong quá trình thở máy sẽ có nhiều biến chứng. Sau đó, quá trình hồi phục cũng phải mất rất nhiều tháng.

Đặc biệt, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum không xảy ra thường xuyên và thuốc giải độc cũng rất hiếm. Việt Nam cũng chưa có thuốc giải độc tố botulinum. Vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai phải liên hệ với Trung tâm Chống độc tại Bangkok, Thái Lan mới nhập được thuốc giải độc botulinum để điều trị cho 2 ca bệnh nặng này.

BS. Nguyễn Trung Nguyên cũng khuyến cáo, dù độc tố botulinum rất độc nhưng có thể bị phá hủy ở nhiệt độ cao. Vì vậy, với các loại thức ăn được sử dụng ngay sau khi đun chín đều loại bỏ được độc tố này.

Theo các chuyên gia, ngộ độc botulinum như các trường hợp vừa qua là ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum typ B. Đây là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong. 

Vi khuẩn này có thể tấn công các dây thần kinh của cơ thể, ngăn chặn sự truyền tín hiệu của chúng dẫn đến tê liệt các cơ. Các triệu chứng ban đầu khi khởi phát bao gồm: Mệt mỏi, chóng mặt, chán ăn, tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa và các triệu chứng viêm dạ dày ruột khác... Nếu độc tố của vi khuẩn tiếp tục xâm nhập vào các dây thần kinh sọ ngoại biên sẽ gây tổn thương liên quan đến mắt với biểu hiện: Nhìn mờ, nhìn đôi, sụp mí, giãn đồng tử, không phản xạ ánh sáng; ảnh hưởng các cơ hàm mặt với biểu hiện: Liệt mặt, rối loạn tiết nước bọt, khô miệng, khó nuốt, nói khó, nói khàn...

Theo Tạ Nguyên/báo Tin tức

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều