WHO: Tới năm 2030, dự báo có tới 56 triệu trẻ em dưới 05 tuổi tử vong vì dịch bệnh

Một con số vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra thu hút sự chú ý của dư luận, đó là năm 2017 vừa qua, có khoảng 6,3 triệu trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do các nguyên nhân có thể dự phòng hoặc điều trị được; nói cách khác, trung bình 05 giây có 01 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong.

 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của LHQ

Theo một báo cáo của WHO, được phối hợp thực hiện cùng Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Văn phòng Dân số của LHQ và Nhóm công tác của Ngân hàng Thế giới (WB), nhờ sự nỗ lực của thế giới nói chung và từng Chính phủ nói riêng, số trẻ em tử vong mỗi năm có chiều hướng giảm đi. Nếu năm 1990, số trẻ em dưới 05 tuổi tử vong ghi nhận là 12,6 triệu em, từ 5 – 14 tuổi là 1,7 triệu em; thì năm 2017, tương ứng giảm xuống còn 5,4 triệu em và dưới 01 triệu em. Với thành tựu trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, thanh thiếu niên; hỗ trợ các nhóm trẻ sơ sinh, trẻ em và bà mẹ dễ bị tổn thương... đã giúp nhiều Chính phủ trên thế giới đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của LHQ.

Đi sâu vào nghiên cứu số liệu, có thể thấy ý nghĩa của việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, thanh thiếu niên mà thế giới đã đạt được, khi biết: Khoảng 5,4 triệu trường hợp tử vong xảy ra trong 05 năm đầu đời, trong đó trẻ sơ sinh chiếm khoảng một nửa số ca tử vong; trẻ em tại các quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất có nguy cơ tử vong cao gấp 60 lần trong 05 năm đầu đời so với trẻ em các quốc gia có tỷ lệ tử vong thấp nhất; trung bình tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 05 tuổi ở khu vực nông thôn cao hơn 50% so với trẻ em ở khu vực thành thị; trẻ em sinh ra từ các bà mẹ trình độ học vấn thấp có nguy cơ tử vong cao gấp đôi so với trẻ em có mẹ trình độ từ trung học trở lên; năm 2017, 50% số ca tử vong của trẻ em dưới 05 tuổi trên thế giới xảy ra ở châu Phi cận Sahara, 30% ở Nam Á. “Nếu không có các hành động kịp thời” – đại diện WHO cảnh báo – “Từ nay tới năm 2030, dự báo có tới 56 triệu trẻ em dưới 05 tuổi tử vong, mà một nửa trong số đó là trẻ sơ sinh”.

Rất đau lòng vì nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này lại do các nguyên nhân có thể dự phòng hoặc điều trị được và hoàn toàn có thể cải thiện tình hình bằng các giải pháp đơn giản như nâng cao khả năng tiếp cận của trẻ em với các dịch vụ y tế cơ bản, thuốc và vật tư y tế, vắc-xin tiêm chủng, vệ sinh, nước sạch, điện... và chế độ dinh dưỡng. Bởi hầu hết trường hợp trẻ em dưới 05 tuổi tử vong do biến chứng khi sinh, viêm phổi, tiêu chảy, nhiễm trùng huyết sơ sinh, sốt rét, chết đuối... và tai nạn giao thông. Không chỉ vậy, về mặt An sinh xã hội, thực trạng này đe dọa đến nền tảng cơ bản để xây dựng nguồn nhân lực quốc gia, củng cố đời sống và ngân sách gia đình, bảo đảm quyền được lao động và thụ hưởng thành quả lao động của mỗi người, mỗi gia đình.

Theo BS.Phan Kim/Tạp chí Bảo hiểm Xã hội

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều