10 sự kiện quốc tế nổi bật 2018

Năm 2018 chứng kiến những diễn biến ngoại giao tích cực, song cũng là năm mà nhiều mối quan hệ quốc tế rơi vào khủng hoảng.

1. Chuyển động bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên

Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 27.4 được xem là dấu mốc quan trọng trong lịch sử bán đảo Triều Tiên. Gần 2 tháng sau, ngày 12.6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đặt bút ký một thỏa thuận chung mang tính lịch sử trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo 2 quốc gia thù địch này tại Singapore. Theo đó, hai bên cam kết thiết lập mối quan hệ mới, nỗ lực xây dựng hòa bình lâu dài, hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Những chuyển biến mang tính lịch sử này được xem như bước khởi đầu vô cùng quan trọng trong hành trình hướng tới hòa bình và ổn định lâu dài trên một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân.

2. Mỹ tuyên bố rút khỏi Syria và Afghanistan

Ngày 18.12, Tổng thống Trump đã gây chấn động khi tuyên bố Mỹ sẽ rút quân khỏi Syria trong từ 60 - 100 ngày, đồng thời ra lệnh ngay lập tức rút các quan chức ngoại giao về nước. Chưa đầy 72 giờ sau đó, ông Trump tiếp tục thông báo kế hoạch rút 7.000 quân Mỹ ở Afghanistan về nước.

Quyết định trên không chỉ dẫn đến sự ra đi ngay lập tức của chủ nhân Lầu Năm Góc James Martis mà kéo theo sự chỉ trích của các nghị sĩ đảng Cộng hòa, quan chức Bộ Quốc phòng cũng như các đồng minh quốc tế của Washington. Sự kiện này cũng được đánh giá sẽ tạo ra những phân nhánh địa chính trị bất thường ở Trung Đông, gây lo ngại về sự trỗi dậy của IS và Taleban.

3. Dấu mốc quan trọng trong lịch sử Cách mạng Cuba

Ngày 19.4, Quốc hội Cuba đã bầu ông Miguel Diaz - Canel Bermudez giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba. Sự kiện này đánh dấu quá trình chuyển giao quyền lực quan trọng ở Cuba với việc ekip lãnh đạo mới sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Cách mạng và tiến trình cập nhật mô hình kinh tế đã đề ra.

Cuối tháng 7, Quốc hội Cuba đã thông qua dự thảo Hiến pháp mới với những thay đổi lớn, bao gồm những thay đổi đáng kể về chính trị, kinh tế và xã hội Cuba kể từ năm 1959. Cụ thể, Cuba sẽ công nhận thị trường và quyền tư hữu là thành phần của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

4. Tương lai CPTPP

Ngày 9.3, 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã ký vào văn bản cuối cùng của Hiệp định này tại Chile; thể hiện quyết tâm cao đi đến một thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các thành viên.

 

Sau khi có hiệu lực, CPTPP sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại với thị trường lên tới 500 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 10.000 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn cầu và chiếm 15% tổng thương mại toàn cầu. Cùng với đó, việc loại bỏ một số điều khoản của TPP, đặc biệt là những điều khoản liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong khu vực, CPTPP đang hấp dẫn các nền kinh tế trong khu vực.

5. Sự kiện lịch sử mở đường cho Brexit

Các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên EU chính thức thông qua các điều khoản của Thỏa thuận Brexit với Anh và Tuyên bố chính trị về tương lai quan hệ EU - Anh hậu Brexit. Đây được xem là sự kiện mở đường cho việc nước Anh chấm dứt tư cách thành viên EU sau 44 năm. Tuy nhiên, thỏa thuận Brexit vẫn cần phải được Nghị viện châu Âu và Nghị viện Anh phê chuẩn mới có hiệu lực. Đây thực sự sẽ là một thách thức lớn với Thủ tướng Anh Theresa May trong năm 2019.

6. Tư tưởng Tập Cận Bình được đưa vào điều lệ Đảng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) hôm 24.10 đã nhất trí đưa tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình vào Điều lệ Đảng. Trước đó, chỉ hai nhân vật trong lịch sử Trung Quốc có tư tưởng được đưa vào Điều lệ Đảng với tên riêng là cố lãnh đạo Mao Trạch Đông, người sáng lập đất nước Trung Quốc hiện đại và ông Đặng Tiểu Bình - kiến trúc sư trưởng của công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc. Với việc Điều lệ Đảng xác lập tên tuổi ông Tập Cận Bình gắn liền với tư tưởng về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, vị thế của ông Tập đã được tôn vinh sánh ngang các bậc tiền bối từng gây dựng nền tảng đất nước Trung Quốc hiện đại. Động thái này, theo giới quan sát, sẽ củng cố vị thế của ông Tập Cận Bình như một nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất trong nhiều thập kỷ, và nhiều khả năng ông sẽ duy trì được vị thế này trong nhiều năm nữa.

7. Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Ngày 9.5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Theo thỏa thuận này, Iran chấp nhận hạn chế đáng kể chương trình hạt nhân của mình trong ít nhất một thập niên và một số chương trình còn bị hạn chế lâu hơn, và đồng ý tăng thêm đáng kể sự giám sát của cộng đồng quốc tế. Việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận không chỉ khiến quan hệ giữa hai nước ngay lập tức trở nên căng thẳng mà còn phá vỡ một trong những nỗ lực quốc tế quan trọng nhất thúc đẩy giải quyết hồ sơ hạt nhân Iran,

8. Cuộc khủng hoảng Áo vàng ở Pháp lan rộng ra châu Âu

Phong trào biểu tình “Áo vàng” ở Pháp bùng lên từ tháng 11 với ý định ban đầu là phản đối quyết định tăng thuế nhiên liệu, rất nhanh sau đó đã trở thành cuộc nổi dậy chống Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron. Ngày 4.12, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã công bố tạm dừng chính sách tăng thuế nhiên liệu vào năm tới, động thái được cho là để xoa dịu tình hình bạo loạn của phe biểu tình “Áo vàng”. Tuy nhiên, cho đến nay, phong trào này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại với số người thiệt mạng đã lên đến hơn chục người.

 

Phong trào này sau đó đã lan rộng sang nhiều nước châu Âu. Hàng nghìn người hôm 15.12 tuần hành ở Thủ đô Rome (Italy), để phản đối luật chống nhập cư mới của chính phủ. Tại Áo, khoảng 17.000 người ở Thủ đô Vienna đã đổ xuống đường để phản đối chính sách di cư, giảm ngày làm việc…

9. Kết thúc triều đại Merkel

Ngày 29.10, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà sẽ không tái tranh cử làm Chủ tịch đảng, và nhiệm kỳ Thủ tướng thứ tư sẽ là nhiệm kỳ cuối cùng của bà, chấm dứt thời kỳ kéo dài 13 năm bà chi phối chính trị châu Âu. Bà Merkel, 64 tuổi, là Chủ tịch đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) từ năm 2000 và là Thủ tướng Đức từ năm 2005. Bà nổi bật trên chính trường châu Âu sau khi giúp dẫn dắt EU đi qua cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro. Chính vì vậy, sự kết thúc của triều đại Merkel cũng đặt ra câu hỏi về vai trò lãnh đạo EU của Đức trong tương lai.

10. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Từ khơi mào đến đình chiến

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang từ tháng 4 khi Mỹ “bắn phát súng khai cuộc” với mức thuế 25% đối với khối hàng hóa trị giá 50 tỷ USD mà nước này nhập khẩu từ Trung Quốc. Đến tháng 9, Mỹ tiếp tục tăng thêm 10% thuế quan lên 200 tỷ USD sản phẩm nhập khẩu Trung Quốc. Trung Quốc cũng trả đũa với mức thuế 25% trên 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và tiếp đó là mức thuế từ 5 - 10% trên 60 tỷ USD hàng nhập khẩu khác của Mỹ.

 

Tuy nhiên, tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Thủ đô Buenos Aires của Argentina ngày 1.12, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí “đình chiến” thương mại trong 90 ngày để đàm phán. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong năm mới.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều