40 năm Việt Nam là thành viên chính thức của Liên hợp quốc

Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ảnh: UN

Liên hợp quốc là một tổ chức quốc tế được thành lập năm 1945. Hiện nay, tổ chức này có 193 quốc gia thành viên. Sứ mệnh và hoạt động của LHQ được định hướng rõ ràng bởi những mục đích và nguyên tắc có trong Điều lệ thành lập hay còn gọi là Hiến chương Liên hợp quốc. Từ những quyền hạn được nêu trong Hiến chương và đặc điểm riêng biệt mang tính quốc tế của tổ chức này, LHQ hành động vì những vấn đề mà con người phải đối mặt trong thế kỷ XXI như hòa bình, an ninh, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, nhân quyền, giải trừ quân bị, khủng bố, nhân đạo và các vấn đề sức khỏe, bình đẳng giới, sản xuất lương thực và nhiều vấn đề khác.

LHQ cung cấp một diễn đàn cho các thành viên thể hiện quan điểm của họ trong Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế và Xã hội cùng các cơ quan và ủy ban khác thuộc LHQ. Bằng cách tổ chức các cuộc đối thoại giữa các thành viên và tổ chức các cuộc đàm phán, LHQ đã trở thành nơi mà chính phủ các nước tìm kiếm sự thỏa thuận và cùng nhau giải quyết các vấn đề chung.

Việt Nam chính thức gia nhập LHQ ngày 20/9/1977, sau hơn 30 năm kiên trì đấu tranh. Ngày 14/1/1946, chỉ 4 ngày sau khi LHQ họp khóa đầu tiên tại London, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nộp đơn xin gia nhập tổ chức. Để có được thành công sau 31 năm bền bỉ đề đạt nguyện vọng được tham gia LHQ, Việt Nam đã trải qua những dấu mốc đáng ghi nhớ. Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, khẳng định “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam”. Tháng 7/1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, một Nghị quyết được 123 nước bỏ phiếu thuận, đề nghị Hội đồng Bảo an xem xét ngay việc Việt Nam tham gia LHQ. Dù chưa được là thành viên chính thức của LHQ trong năm đó nhưng Việt Nam đã được Đại Hội đồng LHQ và cộng đồng quốc tế hoan nghênh, ủng hộ. Tiếp tục 2 năm kiên trì vận động, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 149 của LHQ.

Kể từ khi gia nhập LHQ, quan hệ của Việt Nam với LHQ ngày càng được cải thiện và phát triển. Hiện nay, LHQ đã đặt trụ sở tại Việt Nam tại số 304 Kim Mã, Hà Nội. Tòa nhà xanh là nơi làm việc của các cơ quan LHQ tại Việt Nam, như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan phụ nữ LHQ (UN WOMEN), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC).

Ngay sau khi tham gia LHQ, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên LHQ để Đại hội đồng LHQ khóa 32 (1977) thông qua Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh. Việt Nam cũng đã chủ động và tích cực phối hợp với các nước Không Liên Kết và đang phát triển để đấu tranh và bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ như nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ các nước, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực..., đồng thời và bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Trong giai đoạn đầu mới tham gia tổ chức, Việt Nam đã nhận được viện trợ hơn 500 triệu USD từ LHQ, khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh và tổ chức khôi phục lại nền kinh tế. Rất nhiều tổ chức, chương trình của LHQ đã tài trợ cho Việt Nam trong các hạng mục phát triển xã hội, y tế, chăm sóc bảo vệ bà mẹ và trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, giáo dục và đào tạo như UNDP, Chương trình Lương thực thế giới (WFP), UNICEF, Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), Cao Ủy LHQ về Người tị nạn (UNHCR), và WHO.

Từ 1991 đến nay, vị thế của Việt Nam tại Liên hợp quốc từng bước được cải thiện và nâng cao cả về chiều rộng và chiều sâu. Việt Nam tham gia tích cực và chủ động hơn trên nhiều lĩnh vực liên quan đến hoà bình an ninh, giải trừ quân bị cũng như phát triển kinh tế xã hội, dân số và bảo vệ môi trường. Sự tham gia đóng góp và vị thế của Việt Nam tại LHQ phù hợp với chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, sẵn sàng là bạn là đối tác tin cậy của các nước. Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Công ước Cấm vũ khí hóa học năm 1998; một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996; thành viên của Hội nghị Giải trừ quân bị năm 1996. Việt Nam đã tham gia vào một số chức vụ và ứng cử vào một số cơ quan của LHQ, như: Phó Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ năm 1997, 2000 và 2003, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp khóa 33 (2005-2007); thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội của LHQ (1998-2000); thành viên Ủy ban nhân quyền (2001-2003), thành viên của Hội đồng điều hành của Chương trình Phát triển và Quỹ Dân số nhiệm kỳ 2000-2002 và thành viên của Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 1979-1983; Phó Chủ tịch Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2001-2003. 

Trụ sở Liên hợp quốc tại New York. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Ngoài ra, Việt Nam cần sớm tham gia vào quá trình chuẩn bị cho các hội nghị lớn như: Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 2000, năm 2005, năm 2010; Hội nghị về chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí nhỏ năm 2001, năm 2003... Đặc biệt, trong khoá họp thứ 62 Đại Hội đồng LHQ, Việt Nam đã được bầu vào cương vị thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của LHQ về hoà bình, an ninh quốc tế trong bối cảnh Hội đồng Bảo an phải xử lý khối lượng công việc đồ sộ do xuất hiện nhiều vấn đề an ninh phức tạp, thêm vào đó là những thách thức an ninh toàn cầu mới và tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu trầm trọng nhất lịch sử thế giới hiện đại. Việt Nam đồng thời là thành viên Hội đồng Điều hành của Chương trình Phát triển và Quỹ Dân số LHQ; thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội LHQ nhiệm kỳ 2016 - 2018; thành viên Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014 - 2016). Tháng 6/2014, Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ và đang tích cực vận động ứng cử vào Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 - 2021. Hiện nay, hướng ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức LHQ được thể hiện bằng việc đạt được các mục tiêu chính nêu trong Khuôn khổ Hỗ trợ phát triển LHQ (UNDAF). Những mục tiêu này được xây dựng trên cơ sở một quá trình tham vấn có sự tham gia của Chính phủ, các Tổ chức LHQ và các đối tác phát triển khác. Báo cáo Đánh giá chung của LHQ về Việt Nam (CCA) được xuất bản năm 2004, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ cùng các kế hoạch hành động ra đời từ Chiến lược này đã cung cấp tư liệu phân tích cho quá trình hình thành UNDAF.

Phương thức phát triển dựa trên quyền trong báo cáo CCA cũng được áp dụng trong cách tiếp cận phân tích của UNDAF. Bảng tổng hợp kết quả UNDAF bao gồm ba chủ đề, đó là: các chính sách kinh tế của Chính phủ hỗ trợ quá trình tăng trưởng mang tính công bằng, hòa nhập và bền vững hơn; nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ xã hội và an sinh xã hội cũng như khả năng tiếp cận công bằng với các dịch vụ này; các chính sách, luật pháp và cơ cấu quản trị quốc gia hỗ trợ cho phương thức phát triển dựa trên quyền nhằm thực hiện các giá trị và mục tiêu của Tuyên bố Thiên niên kỷ. Những vấn đề liên ngành bao gồm tính công bằng và sự hòa nhập của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương; thanh niên Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi; sự tham gia, trao quyền và trách nhiệm giải trình; và thách thức về HIV/AIDS. Ngoài ra, vấn đề giới cũng được lồng ghép vào trong toàn bộ văn kiện UNDAF nhằm đề cập đến những khuôn mẫu truyền thống về vai trò của phụ nữ và nam giới, và cải thiện các số liệu và thông tin được phân tách theo giới một cách có hệ thống về các vấn đề giới cụ thể.

Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng sự trợ giúp có giá trị về mặt vật chất và tinh thần từ LHQ trong 40 năm qua. Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn coi mối quan hệ hợp tác với LHQ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Trong sự kiện kỷ niệm 40 năm gia nhập LHQ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã khẳng định: Việt Nam sẽ tăng cường tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ và hỗ trợ nỗ lực cải cách của LHQ hướng tới hiệu quả, minh bạch và dân chủ trong mọi hoạt động. Việt Nam cam kết thúc đẩy các nguyên tắc cơ bản của Chương trình LHQ và luật pháp quốc tế cũng như quan hệ bình đẳng, thân thiện và hợp tác giữa các quốc gia, đảm bảo lợi ích hợp pháp của tất cả các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều