​60 năm Phong trào Không liên kết: Ý nghĩa lịch sử và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay

Trải qua chặng đường 60 năm (1961 - 2021), với không ít chông gai và thăng trầm, Phong trào Không liên kết là một trong những phong trào lớn nhất thế giới đấu tranh cho quyền tự quyết dân tộc, quyền bình đẳng trong quan hệ quốc tế cũng như cho hòa bình, an ninh và phát triển. Đến nay, trước cục diện thế giới có những thay đổi mang tính bước ngoặt, Phong trào Không liên kết tuy vẫn giữ nguyên “tinh thần Băng-đung”(1) và vai trò là diễn đàn đa phương đi đầu trong xây dựng, bảo vệ các nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong quan hệ quốc tế, song cũng đang đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức không dễ vượt qua.
 Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev chủ trì cuộc họp cấp cao kỷ niệm 60 năm thành lập Phong trào Không liên kết tại Belgrade, Serbia_Nguồn: newsfounded.com
Sáu mươi năm thúc đẩy và bảo vệ quyền của các nước đang phát triển, chủ động tham gia giải quyết nhiều vấn đề quốc tế trọng đại

Các nước đang phát triển chủ yếu thuộc khu vực châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh (còn được gọi là “phương Nam” để khu biệt với phương Bắc chủ yếu thuộc về các nước tư bản phát triển), rất khác nhau về thể chế chính trị, văn hóa, tín ngưỡng, trình độ phát triển kinh tế - xã hội..., là chủ nhân của những nền văn minh rực rỡ nhất của nhân loại từ thời cổ đại. Tuy nhiên, trải qua nhiều thế kỷ, đông đảo các dân tộc phương Nam phải nằm dưới ách thống trị hà khắc, tàn nhẫn, phi nhân tính của đế quốc thực dân Âu - Mỹ. Trước tình cảnh lầm than đó, các dân tộc phương Nam đã nuôi dưỡng khát vọng mãnh liệt, ý chí quật cường và quyết tâm tranh đấu để giành lấy “quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(2). Những cuộc đấu tranh gian khổ, ngoan cường hàng thế kỷ ấy cuối cùng đã thành công. Đến nửa đầu thế kỷ XX, nhiều nước phương Nam trở thành các quốc gia độc lập, trong đó thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám của nhân dân Việt Nam năm 1945 là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, những nền độc lập giành được bằng xương máu của nhiều thế hệ ấy vẫn rất mong manh. Chủ nghĩa đế quốc không muốn mất đi nguồn lợi to lớn từ các nước thuộc địa nên đã nhanh chóng chuyển sang thực hiện cái gọi là “chủ nghĩa thực dân mới”. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ thiết lập các liên minh quân sự trước hết nhằm chống phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc lên cao ở khu vực này. Những diễn biến đó đã khiến các nhà lãnh đạo các nước phương Nam quan ngại sâu sắc về những nguy cơ mới đang đe dọa sự tồn tại và phát triển của quốc gia, dân tộc mình cũng như của nhân loại. Với những kinh nghiệm, bài học xương máu được đúc rút từ mấy trăm năm chống ách thống trị của các nước đế quốc, thực dân, đặc biệt là từ hai cuộc chiến tranh thế giới thảm khốc; với thực trạng là những nước có thế và lực yếu, khó có thể tự chống đỡ trước liên minh của các nước đế quốc giàu mạnh, các nước phương Nam nhận thức sâu sắc rằng cần dựa trên sự trùng hợp về những lợi ích quốc gia để tập hợp lực lượng thì mới có thể tạo nên sức mạnh lớn hơn nhiều. Theo đó, những nhà lãnh đạo xuất sắc ở phương Nam, trước hết là Thủ tướng Ấn Độ G. Nê-ru (nhà hoạt động chính trị lỗi lạc trong thế kỷ XX) đã trăn trở tìm kiếm những phương thức hợp tác để giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc quý giá của mỗi nước, cũng như góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì hòa bình, an ninh và phát triển. Đó là những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn tới các cuộc gặp gỡ của một số nhà lãnh đạo các nước châu Á vào cuối những năm 40, đầu những năm 50 của thế kỷ XX, những cuộc gặp tạo tiền đề dẫn tới Hội nghị của các nhà lãnh đạo 23 nước châu Á, 6 nước châu Phi vào tháng 4-1955 tại Băng-đung (In-đô-nê-xi-a).

Là cuộc gặp đa phương, quy mô lớn đầu tiên trong lịch sử các nước Á - Phi, Hội nghị Băng-đung có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với phong trào giải phóng dân tộc của các nước đang phát triển phương Nam mà còn đối với đời sống quan hệ quốc tế hiện đại. Dấu ấn đặc biệt của Hội nghị là đã thông qua “Mười nguyên tắc Băng-đung” nổi tiếng, trong đó có các nguyên tắc: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; không can thiệp công việc nội bộ của nước khác; không xâm lược, đe dọa xâm lược hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất cứ quốc gia nào; giải quyết mọi xung đột bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc; tôn trọng luật pháp quốc tế; bình đẳng giữa tất cả các quốc gia - dân tộc... Đây là lần đầu tiên trên thế giới, các quốc gia - dân tộc yếu thế chẳng những mạnh mẽ bày tỏ tiếng nói của mình, bày tỏ khát vọng tập hợp lực lượng để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh cho “những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm” của dân tộc, mà còn thể hiện tầm nhìn vượt thời gian đối với nhiều vấn đề quốc tế trọng đại. Đây thực sự còn là sự thức tỉnh của các nước đang phát triển về vai trò, vị trí mà họ xứng đáng phải có, phải được thừa nhận trong đời sống chính trị thế giới. Vốn bao đời bị các nước đế quốc, thực dân khinh miệt, bị coi là những dân tộc “hạ đẳng”, nay họ muốn bước ra vũ đài quốc tế không chỉ với tư cách là những quốc gia - dân tộc độc lập thật sự, có quyền tự quyết định vận mệnh của mình, mà còn với tư cách là những chủ thể pháp lý quốc tế có quyền chính đáng được sống trong hòa bình, bình đẳng và hợp tác cùng có lợi với các quốc gia - dân tộc khác. Có thể nói, Hội nghị Băng-đung năm 1955 là mốc son lịch sử, điểm khởi đầu cho cuộc đấu tranh chung của các nước đang phát triển phương Nam chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, đòi xóa bỏ trật tự quốc tế đầy rẫy bất công mà các nước giàu có phương Bắc áp đặt đối với nhóm nước này và để kiến tạo một kiểu quan hệ quốc tế mới về chất. Hội nghị Băng-đung đã tạo tiền đề dẫn tới Hội nghị cấp cao lần thứ nhất của các nhà lãnh đạo 25 nước (11 nước châu Á, 11 nước châu Phi, cùng với Nam Tư, Síp và Cu-ba)tại Thủ đô Ben-grát (Liên bang Nam Tư cũ) để khai sinh Phong trào Không liên kết (KLK, viết tắt tên tiếng Anh là NAM), lấy ngày khai mạc Hội nghị (ngày 1-9-1961) làm ngày thành lập. Đây cũng là sự khởi đầu một kỷ nguyên mới về hợp tác, đoàn kết giữa các nước đang phát triển.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 Phong trào Không liên kết, năm 2009.  

Là con đẻ của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Nam và ra đời trong hoàn cảnh thế giới “hai phe, hai cực” đối đầu, Phong trào KLK là một lực lượng chính trị quốc tế độc lập. Nhưng với lịch sử dẫn đến sự thành lập Phong trào như trên, Phong trào KLK không thể là lực lượng đứng ngoài cuộc đấu tranh nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc đặt ra trong từng thời kỳ cụ thể. Thủ tướng Ấn Độ G. Nê-ru từng nhấn mạnh: “Không liên kết là không tham gia các khối quân sự, nhưng không chỉ là tách khỏi chính sách đối ngoại của các nước thực dân đã thống trị mình và của các nước đế quốc khác, mà còn phải tích cực chống chính sách xâm lược của chúng”; “chúng ta phải đứng vững trên hai chân của mình và hợp tác với những ai sẵn lòng hợp tác”. Về sau, Tổng thống Nam Phi N. Man-đê-la (nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, trong mấy chục năm liên tục đấu tranh không khoan nhượng cho độc lập dân tộc của Nam Phi, cho quyền quản lý đất nước của người da đen) khẳng định: “Chúng ta không liên kết với đói nghèo, bất công và bạo lực, mà liên kết với nhau để phát triển”. Như vậy, tôn chỉ của Phong trào KLK chính là hợp tác, liên kết với nhau để chống đế quốc, thực dân, giành và bảo vệ độc lập dân tộc; chống chính sách xâm lược, nền chính trị cường quyền, chính sách phân biệt chủng tộc; đấu tranh cho quyền tự quyết dân tộc, quyền bình đẳng trong quan hệ quốc tế; mục tiêu giải trừ quân bị, bảo vệ hòa bình thế giới... Đây vốn là nguyện vọng cháy bỏng của các dân tộc phương Nam, nên từ 25 nước ban đầu, hiện nay Phong trào KLK có 120 nước thành viên (chủ yếu thuộc khu vực Á - Phi - Mỹ La-tinh, ngoài ra có thêm Bê-la-rút, A-déc-bai-gian, Phi-gi, Papu-Niu-Ghinê, Va-nu-a-tu). Đây là tập hợp lực lượng chính trị lớn, quy tụ đa số các nước đang phát triển, có số lượng thành viên chiếm gần 2/3 số lượng thành viên của Liên hợp quốc, chiếm khoảng 55% dân số thế giới.

Kể từ khi thành lập đến nay, Phong trào KLK đã có những đóng góp quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc của Phong trào nói riêng, của thế giới nói chung. Phong trào KLK đã ủng hộ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc ở các khu vực Á - Phi - Mỹ La-tinh, đóng vai trò quan trọng trong “kỳ tích” đưa thế kỷ XX đi vào lịch sử với tư cách “Thế kỷ Giải phóng” (ở nửa sau của thế kỷ này, hơn 100 nước phương Nam đã trở thành quốc gia độc lập). Phong trào KLK cũng góp phần đáng kể vào sự kết thúc Chiến tranh lạnh cũng như kết quả của nhiều hội nghị quốc tế lớn do Liên hợp quốc tổ chức; ghi dấu ấn trong cuộc đấu tranh nhằm thiết lập trật tự chính trị - kinh tế thế giới và quan hệ giữa các quốc gia - dân tộc theo hướng công bằng, bình đẳng, phù hợp với các nguyên tắc trong Hiến chương Liên hợp quốc. Đến nay, Phong trào KLK đã tiến hành 18 hội nghị thượng đỉnh. Những năm gần đây, qua nội dung các hội nghị thượng đỉnh, các hội nghị cấp bộ trưởng ngoại giao cũng như hoạt động của Phong trào thông qua Ủy ban phối hợp, có thể thấy, Phong trào KLK không chỉ tập trung vào những tôn chỉ, mục tiêu, nguyên tắc ban đầu, mà còn nỗ lực tìm kiếm những phương sách để vừa tận dụng những cơ hội do toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đem lại, vừa đối phó với những thách thức đặt ra trong từng thời điểm. Trước những mặt trái của toàn cầu hóa, các nước Phong trào KLK chú trọng đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, dù hiện có số lượng thành viên đông đảo, nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nguyên nhân nội tại của từng quốc gia cũng như áp lực từ bên ngoài, mà chủ yếu là sự khác biệt về lợi ích, Phong trào KLK chưa phải là một cơ chế hợp tác mạnh, chưa tạo dựng được ảnh hưởng đáng kể trên trường quốc tế. Vì vậy, không ít quốc gia tỏ ra không mặn mà với Phong trào, thậm chí có những nước đã rời bỏ để gia nhập Liên minh châu Âu (EU) hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)(3). Song nhìn lại lịch sử 60 năm của Phong trào KLK, trong bối cảnh thế giới có những thay đổi mang tính bước ngoặt và Phong trào phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức, vẫn có thể thấy một “tinh thần Băng-đung” bất diệt, mãi tỏa sáng, các nguyên tắc Băng-đung vẫn có giá trị vượt thời gian.

Đại diện các nước thành viên tham dự cuộc họp cấp cao kỷ niệm 60 năm thành lập Phong trào Không liên kết tại Belgrade, Serbia_Nguồn: AP 
Nỗ lực trở thành một cơ chế hợp tác hiệu quả và hiện thực hóa các mục tiêu, nguyên tắc cơ bản của Phong trào trong bối cảnh hiện nay

Do tác động của nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, thế giới hiện nay đang thay đổi rất phức tạp với những xu hướng vận động trái chiều. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là một xu thế lớn của thời đại, nhưng hiện tại đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức chưa từng có; cách mạng khoa học - công nghệ có những bước phát triển nhảy vọt, toàn cầu hóa tiếp tục tiến triển và vẫn là xu thế khách quan, song sự bất công, bất bình đẳng trong quan hệ kinh tế - thương mại quốc tế lại gia tăng, khoảng cách giàu - nghèo và khoảng cách trình độ phát triển đang giãn rộng; sự tùy thuộc lẫn nhau trở nên tất yếu, hội nhập quốc tế là một tiến trình không thể đảo ngược, song thế giới đang chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi, vị kỷ, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn... Đối với các nước Phong trào KLK, trong khi ý thức độc lập tự chủ, tự lực, tự cường trỗi dậy mạnh mẽ đi đôi với tăng cường hội nhập quốc tế thì không ít nước đang đứng trước thách thức từ chính sách đối ngoại cường quyền, áp đặt, can thiệp thô bạo hoặc tinh vi vào công việc nội bộ; trừng phạt, cấm vận đơn phương vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; nạn phân biệt chủng tộc tuy không phổ biến nhưng vẫn tồn tại dai dẳng ở không ít nước phát triển... Cùng với đó là sự gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu đáng báo động; dịch bệnh hiểm nghèo, hiện tại là đại dịch COVID-19 đang tạo ra “cú sốc lịch sử” và làm bộc lộ rõ hơn bao giờ hết sự bất công, bất bình đẳng đối với các nước trên thế giới.

Thực trạng thế giới hiện nay cho thấy, các nước đang phát triển vẫn cần có Phong trào KLK như một hình thức tập hợp lực lượng đáng kể để tạo lập tiếng nói chung thống nhất trong đấu tranh nhằm hiện thực hóa những mục tiêu và nguyên tắc Băng-đung; để bảo vệ lợi ích, gia tăng tiếng nói của nhóm nước này; để góp phần giải quyết những vấn đề toàn cầu quan trọng và cấp bách. Nhận thức chung về sự cần thiết của Phong trào KLK thể hiện khá rõ trong chủ đề các kỳ hội nghị gần đây, như:“Nêu cao các nguyên tắc Băng-đung nhằm bảo đảm ứng phó đầy đủ và phối hợp xử lý các thách thức của thế giới đương đại” (Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 18, tháng 10-2019); “Đoàn kết ứng phó đại dịch COVID-19” (Hội nghị cấp cao Phong trào KLK lần đầu tiên diễn ra theo hình thức trực tuyến, tháng 5-2020); “Băng-đung+65: Phong trào Không liên kết đoàn kết, hiệu quả và phù hợp hơn để chống lại các thách thức toàn cầu, trong đó có COVID-19” (Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng, tháng 10-2020); “Không liên kết, trung tâm của nỗ lực quốc tế ứng phó với các thách thức toàn cầu” (Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng, tháng 7-2021).

Tuy nhiên, hiện nay Phong trào KLK đang đối mặt với những thách thức khá nan giải: Một là, nguồn lực tài chính hạn chế. Do đa số thành viên là những nước nghèo, hơn nữa do Phong trào không phải là một khối, một tổ chức gắn kết nên chưa có được nguồn lực tổng thể, và cho dù có được thì tổng GDP của 120 nước thành viên chỉ chiếm khoảng 7% GDP toàn cầu. Hai là, sự thiếu kết dính giữa các nước thành viên. Do hầu hết các nước phụ thuộc ở những mức độ khác nhau vào các nước phát triển về nguồn lực, đồng thời cho đến nay, Phong trào KLK vẫn chưa có bước tiến nào đáng kể về mặt thể chế, vẫn chỉ là một diễn đàn, nên các nước thành viên không bị ràng buộc vào các cam kết của Phong trào. Ba là, quá trình gia tăng sự liên kết của các nước thành viên còn chậm. Do các nước thành viên Phong trào KLK còn tham gia nhiều tổ chức liên kết khu vực, tiểu khu vực có tính năng riêng biệt, những tổ chức trên thực tế đem lại nhiều lợi ích hơn nên không thể dành ưu tiên cho Phong trào. Bốn là, xu thế đa cực, đa trung tâm trong đời sống quốc tế. Sự xuất hiện các trung tâm quyền lực mới cạnh tranh với Mỹ đã dẫn đến việc các cường quốc lôi kéo các nước Phong trào KLK và cả việc các nước Phong trào KLK cạnh tranh với nhau (về nguồn lực đầu tư, về thị phần...), thậm chí đối đầu nhau do tác động của các nước lớn. Hệ quả là sự phân hóa trong Phong trào KLK trở nên sâu sắc, việc tìm kiếm sự đồng thuận trở nên khó khăn hơn(4). Trong cuộc “đại khủng hoảng” do đại dịch COVID-19 gây ra hiện nay, ngoài những thách thức nêu trên, các nước thành viên Phong trào còn đứng trước nhiều vấn đề nan giải khác, đặc biệt là an ninh con người theo cả nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng.   

Để Phong trào trở thành một cơ chế hợp tác thật sự hiệu quả trong việc hiện thực hóa các mục tiêu và nguyên tắc Băng-đung, gia tăng vai trò, vị trí, tiếng nói của Phong trào trong đời sống quốc tế hiện nay cũng như trong giải quyết những vấn đề toàn cầu cấp thiết, các nước thành viên cần:

Thứ nhất, tiếp tục kiên định các nguyên tắc Băng-đung, bởi vẫn như trước đây, thúc đẩy hòa bình và an ninh, tiến bộ và công bằng xã hội đã, đang và sẽ luôn là những mục tiêu mà Phong trào KLK theo đuổi. Phong trào cần đóng vai trò chủ động và tích cực hơn trong việc thúc đẩy các cam kết, thỏa thuận quốc tế như Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu; phối hợp chặt chẽ hơn, đấu tranh mạnh mẽ hơn trên các diễn đàn, tổ chức quốc tế đa phương (đặc biệt là Liên hợp quốc) để cải tổ cơ bản và toàn diện các cấu trúc ra quyết định ở cấp độ toàn cầu theo hướng dân chủ, minh bạch hơn, có sự tham gia nhiều hơn, thực chất hơn của các nước đang phát triển. Các nước thành viên Phong trào cần tạo lập được tiếng nói chung thống nhất trong những vấn đề quan trọng và cấp thiết đối với các nước đang phát triển, hướng đến việc tái cấu trúc trật tự kinh tế quốc tế theo hướng công bằng hơn.

Thứ hai, điều cơ bản và mang tính quyết định là từng nước thành viên trước hết phải tìm được phương sách giải quyết những vấn đề của mình, từ đó nâng cao được nội lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia. Theo đó, các nước thành viên Phong trào KLK cần thực thi chính sách đối nội cũng như đối ngoại đúng đắn, sát hợp với hiện trạng từng nước và tình hình quốc tế, trong đó có những phương sách, biện pháp tận dụng hiệu quả những cơ hội mà xu thế toàn cầu hóa, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế đem lại. Đồng thời, nỗ lực phát huy các điểm tương đồng về lợi ích quốc gia (kinh tế, chính trị, an ninh, phát triển...) của các nước thành viên, trên cơ sở đó đưa ra các phương thức đoàn kết, hợp tác quốc tế thiết thực nhằm đối phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu, khu vực.

 Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Serbia tại cuộc họp cấp cao kỷ niệm 60 năm thành lập Phong trào Không liên kết ở Belgrade, Sebia, ngày 12-10-2021_Nguồn: baoquocte.vn
Thứ ba, để Phong trào KLK đóng vai trò lớn hơn, có vị trí xứng đáng hơn trong cục diện chính trị thế giới hiện nay, đã đến lúc cần cải tổ diễn đàn này để trở thành một tổ chức quốc tế thật sự, một cơ chế hợp tác hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng, yêu cầu và lợi ích chính đáng của các nước đang phát triển, chứ không chỉ là một hình thức tập hợp lực lượng lỏng lẻo như hiện tại. Trước mắt cần thay đổi cách thức hoạt động của Phong trào. Các cuộc họp ở các cấp cần hướng vào những nội dung cụ thể và thực chất hơn, đặc biệt là tìm ra các phương sách thực thi hiệu quả. Việc Hội nghị cấp cao trực tuyến (ngày 4-5-2020) nhất trí thành lập nhóm Đặc trách Không liên kết để xây dựng cơ sở dữ liệu chung của các nước thành viên trong phòng, chống đại dịch COVID-19 là tín hiệu đáng mừng, song quan trọng hơn là hiệu quả của cơ chế này.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác Nam - Nam, tăng cường đối thoại Nam - Bắc để vừa tận dụng hiệu quả mặt tích cực của xu thế hội nhập quốc tế, vừa giảm thiểu tối đa sự bất bình đẳng hiện nay. Ngoài ra, cần có những cuộc gặp gỡ thường xuyên nhằm trao đổi thực chất, thẳng thắn về những vấn đề nổi cộm đang đặt ra, qua đó tăng cường sự tin cậy lẫn nhau. Việc các nước Phong trào KLK kịp thời chia sẻ với nhau những bài học kinh nghiệm thành công trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước, hiện tại là những kinh nghiệm trong phòng, chống đại dịch COVID-19 cũng là điều rất đáng được khuyến khích.

Thứ tư, để thực hiện được những mục tiêu trên, bài học thực tiễn thành công của nhiều cơ chế, tổ chức hợp tác quốc tế, trong đó có Phong trào KLK trước đây, là thường có một hay một vài thành viên đóng được vai trò dẫn dắt hoạt động của cơ chế đó. Vì vậy, cần tìm kiếm một hay một vài quốc gia nòng cốt, có vị thế quốc tế, tầm ảnh hưởng đáng kể trong cộng đồng quốc tế, có khả năng và uy tín để tập hợp, quy tụ, tạo dựng được sự gắn kết các quốc gia thành viên, gánh vác trọng trách dẫn dắt việc cải tổ Phong trào, để từ đó cùng cộng đồng quốc tế hiện thực hóa những mục tiêu cao cả của nhân loại tiến bộ là hòa bình, an ninh, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội.

Đối với Việt Nam, chính thức trở thành thành viên của Phong trào KLK năm 1976, Việt Nam đã ghi những dấu ấn trong quá trình phát triển của Phong trào. Trong những năm qua, Việt Nam luôn nhất quán coi việc tham gia Phong trào KLK là một phần của chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy, thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn nỗ lực đấu tranh cho các mục tiêu và nguyên tắc Băng-đung; kiên trì việc giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất và tích cực tham gia các hoạt động của Phong trào, trong đó có việc triển khai hiệu quả cơ chế hợp tác Nam - Nam thông qua Liên hợp quốc... Bên cạnh đó, Việt Nam chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của Phong trào KLK thông qua việc đóng góp xây dựng nội dung các văn kiện hội nghị các cấp; đưa ra các khuyến nghị cụ thể nâng cao vai trò của Phong trào trên các diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại Liên hợp quốc... Đồng thời, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(5). Thành tựu này của Việt Nam đã đóng góp những kinh nghiệm quý báu cả về lý luận lẫn thực tiễn cho các nước phương Nam trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Chúng ta tin tưởng rằng, với tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế hiện có, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ nâng cao hơn nữa vai trò trong Phong trào KLK để cùng các nước thành viên hiện thực hóa những mục tiêu cao cả là độc lập dân tộc đi đôi với hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội./.

Theo PGS, TS. HÀ MỸ HƯƠNG - TS. NGUYỄN THỊ TÚ HOA/Tạp chí Cộng sản

 

--------------

(1) Hội nghị Băng-đung của các nước đang phát triển tổ chức năm 1955 đã ra tuyên bố về “Mười nguyên tắc Băng-đung” nổi tiếng, được gọi là “tinh thần Băng-đung”
(2) Là những quyền được ghi rõ trong Tuyên ngôn độc lập của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (ngày 4-7-1776)
(3) Ngoài Ác-hen-ti-na (gia nhập NAM năm 1973) đã rút khỏi Phong trào KLK từ lâu, Síp từng là một trong những nước sáng lập Phong trào KLK năm 1961 thì năm 2004 đã ra khỏi Phong trào để gia nhập EU (cùng với Man-ta cũng từng là thành viên của Phong trào KLK từ năm 1971). Sau khi Nam Tư giải thể, một số nước độc lập từ Nam Tư cũ chỉ là quan sát viên của Phong trào KLK, riêng 4 nước đã lần lượt trở thành thành viên của NATO: Xlô-vê-ni-a (năm 2004), Crô-át-ti-a (năm 2009), Môn-tê-nê-grô (năm 2017), Bắc Ma-xê-đô-ni-a (năm 2020)
(4) Xem: Đỗ Sơn Hải: “Phong trào Không liên kết: Những thách thức cần vượt qua trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay”, Tạp chí Cộng sản, số 887, 2016
(5) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 25

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều