7 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2017

Thế giới năm 2017 tiếp tục chứng kiến nhiều sự kiện gây tác động, làm thay đổi từ nhận thức đến quan điểm của người dân cũng như tương quan lực lượng đối với các vấn đề có thể làm thay đổi cục diện thế giới. Năm 2017 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump, là năm ghi dấu thắng lợi trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cũng là năm căng thẳng trên bán đảo triều Tiên lên đến đỉnh điểm hay sự bùng phát trở lại căng thẳng Israel - Palestine. Có thể lựa chọn 7 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2017:

1. Năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump

Ngày 20-01-2017, tỷ phú Donald Trump chính thức nhậm chức, trở thành tổng thống 45 của nước Mỹ.

Ngày 20-01-2017, tỷ phú Donald Trump chính thức nhậm chức, trở thành tổng thống 45 của nước Mỹ sau cuộc bầu cử đầy bất ngờ. Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Tổng thống Donald Trump tương đối nhất quán trong thực hiện cương lĩnh tranh cử. Việc thực thi chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông là một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm hàng đầu của thế giới trong năm 2017. Sau khi nhậm chức vào tháng 01-2017, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra một loạt quyết sách "đảo ngược" những gì mà người tiền nhiệm Barack Obama từng ấp ủ cũng như dày công xây dựng, như tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định về di trú quốc tế và rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Tổng thống Donald Trump cũng công bố việc xây dựng lại bức tường biên giới Mỹ và Mexico; hạn chế người nhập cư và đưa ra một số động thái với xu hướng bảo hộ thương mại như tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Chính sách "xoay trục châu Á" bị Donald Trump bãi bỏ, làm các đồng minh châu Á bối rối. Những lời đe dọa liên tục của Donald Trump với Triều Tiên châm ngòi cuộc ăn miếng trả miếng với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, gây lo sợ về nguy cơ chiến tranh. Cuối năm, Donald Trump thổi bùng quan hệ phức tạp nhiều năm Israel - Palestine khi bất ngờ tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô nhà nước Do Thái, gây phẫn nộ cho người Hồi giáo.

Việc Tổng thống Donald Trump quyết liệt thực thi chính sách "Nước Mỹ trên hết" đã khiến nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ trên thế giới thấp thỏm, bối rối, bất bình, chỉ trích trong suốt cả năm.

Về đối nội, mặc dù được hậu thuẫn bởi Đảng Cộng hòa, chiếm đa số trong lưỡng viện Quốc hội Mỹ nhưng những sắc lệnh hành chính của Tổng thống Donald Trump gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở khi liên tục bị hệ thống tư pháp Mỹ ngăn cản.

"Gây bối rối và đối đầu có lẽ là những từ tốt nhất để mô tả chính sách đối ngoại của Trump", Walter Pincus, chuyên gia phân tích chính trị Mỹ, bình luận. "Chính điểm này khiến vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ bị suy giảm đáng kể trong thế giới hiện nay".

2. Kinh tế thế giới năm 2017 có đà tăng trưởng vững vàng hơn

 

Triển vọng kinh tế toàn cầu đang sáng hơn nhờ các nền kinh tế lớn tăng trưởng ổn định trong năm 2017.

Triển vọng kinh tế toàn cầu đang sáng hơn nhờ các nền kinh tế lớn tăng trưởng ổn định trong năm 2017. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 và 2018 lần lượt lên mức 3,6% và 3,7%, cao hơn đáng kể so với mức 3,2 của năm 2016. Khoảng 75% các nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm nay. Đây là sự tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế toàn cầu trong gần 10 năm qua.

Kinh tế Mỹ đang trong chu kỳ tăng trưởng dài nhất trong lịch sử, còn kinh tế Trung Quốc là động lực tăng trưởng toàn cầu trong những thập niên gần đây vẫn đang trong xu hướng đóng góp nhiều hơn. Kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 2,5% trong cả năm 2017 và 2018, cao hơn so với các dự báo đưa ra hồi tháng 9-2017, nhưng bằng với mức của năm 2016, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm xuống còn 3,9% trong năm 2018.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc đạt được những kết quả ấn tượng trong năm 2017. Duy trì được đà tăng trưởng ổn định, nước này đã cải thiện được chất lượng tài sản, giảm rủi ro nợ và tạo được động lực mới cho tăng trưởng dài hạn và bền vững. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc lần thứ tư trong năm nay, lên 6,8% năm 2017 và 6,5% năm 2018.

Trong khi đó, kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cuối cùng cũng tăng trưởng với nhịp độ trung bình sau nhiều năm "ì ạch" và các quốc gia mới nổi được cho là sẽ phục hồi sau suy thoái. Các dự báo tăng trưởng trong năm 2017 với một số nền kinh tế đã được nâng lên, nhất là với Eurozone và Nhật Bản. Điều này đã mang đến sự lạc quan cho một số nhà kinh tế, khi cho rằng tăng trưởng kinh tế của toàn cầu có khả năng tự lực mạnh hơn nhiều so với bất kỳ thời điểm nào trong 20 - 30 năm qua.

3. Căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên

 
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này đã thành một cường quốc hạt nhân.

Năm 2017, chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên đã có những bước tiến vượt bậc. Ngày 03-9, Triều Tiên thử bom hạt nhân tương đương 120 kiloton, mạnh nhất trong lịch sử 6 lần thử trước đó. Ngày 29-11, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15, lần đầu tiên được các chuyên gia phương Tây thừa nhận là có thể tấn công đến toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un long trọng tuyên bố nước này đã thành một cường quốc hạt nhân. Trong thông điệp năm mới 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên nêu rõ: "Toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trong tầm bắn của các vũ khí hạt nhân nước ta, và một nút hạt nhân luôn nằm trên bàn của tôi. Đây là sự thật, không phải lời đe dọa. Năm nay chúng ta cần tập trung sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo để triển khai hoạt động. Những vũ khí này sẽ chỉ được sử dụng nếu an ninh nước chúng ta bị đe dọa."

Việc đẩy mạnh thực thi chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên vấp phải sự phản ứng của cộng đồng quốc tế. Liên hợp quốc đã áp đặt những lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với Triều Tiên. Ngay cả Trung Quốc, một trong những bạn hàng truyền thống và quan trọng của Triều Tiên cũng thực thi các biện pháp siết chặt giao thương, năng lượng với nước này.

Tâm điểm trong căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là quan hệ giữa một bên là Triều Tiên với bên kia là Mỹ và Hàn Quốc. Mỹ và Hàn Quốc liên tục các cuộc tập trận với quân lực và khí tài đông đảo nhất, và đáp lại, Triều Tiên liên tục tiến hành thử hạt nhân và tên lửa. Cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un bị đẩy lên cao với những đe dọa chiến tranh quyết liệt và liên tục. Mức độ căng thẳng gia tăng từng ngày và là nghiêm trọng nhất kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953.

Nga và Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế, xuống thang, trong đó, Mỹ và Hàn Quốc tạm dừng các cuộc tập trận, còn Triều Tiên tạm dừng thử hạt nhân, tên lửa để tạo điều kiện cho các tiến trình ngoại giao giải quyết khủng hoảng. Tuy nhiên, trong bầu không khí nóng hiện nay, chưa có dấu hiệu khả thi nào cho giải pháp tháo gỡ khủng hoảng bằng đàm phán hòa bình.

4. Nga khẳng định vai trò trong cuộc chiến chống IS

 

Nước Nga dưới thời của Tổng thống V. Putin ngày càng khẳng định là một cường quốc có vai trò quan trọng trong các vấn đề quốc tế.

Xóa sổ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên thực địa sau gần 4 năm chiến đấu khốc liệt là thành quả không chỉ của Iraq và Syria mà còn cả Mỹ và Nga và nhiều nước khác. Tuy nhiên, trong cuộc chiến này, Nga khẳng định vai trò là một cường quốc có vai trò quan trọng trong các vấn đề quốc tế. Hoàn thành sứ mệnh tiêu diệt khủng bố ở Syria sau hơn hai năm, Nga đồng thời làm thay đổi cuộc chơi chính trị ở quốc gia Trung Đông, giúp chính quyền Bashar al-Assad duy trì quyền lực, xoa dịu cuộc xung đột với phe đối lập, trở thành trung gian uy tín khiến Mỹ phải kiêng nể, nâng cao tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.

Nhà nước Hồi giáo tự xưng bị xóa sổ trên thực địa không có nghĩa là cuộc chiến này đã kết thúc. Việc mất lãnh thổ trên thực địa khiến IS chuyển hướng sang xây dựng một vương triều ảo, chiêu mộ chiến binh qua mạng để tiến hành tấn công nhỏ lẻ của những "con sói đơn độc" ở các nước phương Tây. Những chiến binh của IS từng tham chiến ở Syria, Iraq nay quay trở lại các nước phương Tây cũng như tìm cách xây dựng căn cứ mới ở những nước khác. Những chiến binh hay những kẻ thân IS đã thực hiện hàng loạt vụ lao xe, nổ bom tự chế, đâm dao và xả súng ở Mỹ, Anh, Nga trong năm 2017, làm hàng chục người chết và bị thương. Phá vỡ được Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Trung Đông không đồng nghĩa với việc loại bỏ được tận gốc mối đe dọa mà chúng gây ra.

Còn ở Syria, khi những tiếng súng lắng xuống cũng là lúc cuộc chiến mới nhằm tái thiết đất nước bắt đầu. Hàng triệu người dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh cần được khôi phục cuộc sống, mâu thuẫn giữa các phe phái, sắc tộc cần được giải quyết và tư tưởng cực đoan mà IS gieo rắc suốt những năm qua cần phải bị xóa sổ hoàn toàn.

5. Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh

 
Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh chưa có dấu hiệu tìm ra lối thoát.

Cuộc khủng hoảng vùng Vịnh bùng phát khi có tới 9 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đột ngột cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vào ngày 05-6-2017. Các nước đã triệu hồi các đại sứ, áp đặt lệnh cấm vận đường hàng không, đường biển, đường bộ với Qatar. Các quốc gia này ngoại trừ Ai Cập - quốc gia có hơn 250.000 người lao động đang làm việc ở Qatar - đã yêu cầu công dân mình rời khỏi nước này trong vòng 48 giờ.

Các nước đồng minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã chỉ trích Qatar vi phạm thỏa thuận Riyadh 2014 khi can thiệp vào công việc nội bộ của một số nước trong khu vực, gây mất ổn định; cáo buộc Qatar hỗ trợ các tổ chức cực đoan bao gồm Anh em Hồi giáo (MB), tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và tổ chức khủng bố al-Qaeda, bằng việc kích động qua các kênh phương tiện truyền thông Al Jazera cũng như có chính sách tăng cường quan hệ với Iran và Israel. Tuy nhiên, Qatar đã bác bỏ cáo buộc này và cho rằng đây là những cáo buộc thiếu căn cứ.

Trong khi đó, theo các nhà phân tích, nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng là do sự cạnh tranh thế lực giữa các nước trong khu vực. Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh sẽ và không bao giờ muốn chấp nhận để Qatar đứng ngoài những “chuẩn mực” của khu vực, trong đó trọng tâm là việc chống lại tầm ảnh hưởng của Iran. Nhiều nhà phân tích cho rằng, khủng hoảng vùng Vịnh chỉ có thể được giải quyết khi Mỹ làm trung gian, nhất là khi nước này được cho là đã “bật đèn xanh” để căng thẳng bùng phát.

Vào năm 2014, các nước đã từng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar suốt 9 tháng và chỉ lắng dịu sau khi Qatar buộc các thành viên của Nhóm Anh em Hồi giáo ra khỏi nước này. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hiện nay được cho là vượt quá xa, khác xa cuộc khủng hoảng năm 2014. Do đó, căng thẳng có thể còn kéo dài.

6. Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel

 
Những người biểu tình ở Beirut, Lebanon phản đối quyết định của ông Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 06-12 tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đánh dấu sự thay đổi chính sách của Washington sau gần 70 năm. Bầu không khí tương đối yên tĩnh ba năm qua, kể từ khi Israel và Palestine đạt thỏa thuận ngừng bắn, bị thay bằng bạo lực. Hàng loạt cuộc tuần hành phản đối, biểu tình nổ ra tại Palestine và các nước Hồi giáo.

Quy chế của Jerusalem là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Palestine và Israel. Quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt Mỹ vào một bên trong mối quan hệ này, vô hình chung tước bỏ vai trò trung gian hòa giải của Mỹ trong đàm phán giữa Palestine và Israel; được đánh giá sẽ đẩy lùi tiến trình hòa bình, gia tăng xung đột ở Trung Đông. Mỹ đã nhận một đòn ngoại giao nặng nề khi 128 nước bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc phản đối quyết định của ông Trump.

"Jerusalem có ý nghĩa tôn giáo và tình cảm vô cùng thiêng liêng với tất cả người Do Thái, người Cơ Đốc và người Hồi giáo. Quyết định của Mỹ coi Israel sở hữu toàn bộ Jerusalem là sự khoét sâu hơn vết thương chưa lành và chắc chắn sẽ thổi bùng ngọn lửa bạo lực", tuyên bố của 170 học giả Do Thái của các trường đại học Mỹ viết.

Làn sóng bạo lực mới bùng lên này ở Trung Đông có thể bị các tàn dư khủng bố như al-Qaeda và IS lợi dụng để gieo rắc tư tưởng cực đoan, tuyển mộ chiến binh nhằm tấn công các mục tiêu thân Mỹ.

7. Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc

 
Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh dấu một bước phát triển mới của công cuộc xây dựng, hiện đại hóa đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (từ ngày 18 đến 24-10-2017) với chủ đề “Không quên tâm nguyện ban đầu, ghi nhớ sứ mệnh, giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, phấn đấu không ngừng thực hiện giấc mơ Trung Quốc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa” đánh dấu một bước phát triển mới của công cuộc xây dựng, hiện đại hóa đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, đánh dấu một giai đoạn mới trong tiến trình lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đại hội đưa ra những quyết sách chiến lược trên cơ sở đổi mới tư duy, cách tiếp cận và sự sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước, xây dựng Trung Quốc thành một “cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, tươi đẹp”.

Đại hội bầu ra ban lãnh đạo mới và vạch ra hướng đi của Trung Quốc trong nhiều năm tới. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục cương vị, tái khẳng định quyết tâm đưa Trung Quốc trở nên giàu có vào năm 2020, công khai tham vọng trở thành siêu cường hàng đầu thế giới vào năm 2050, dẫn đầu cả về kinh tế, văn hóa xã hội lẫn quân sự. Báo cáo chính trị mà Tổng Bí thư Tập Cận Bình đọc tại Đại hội cho thấy Trung Quốc muốn chuyển từ triết lý "náu mình chờ thời" mà nước này áp dụng từ năm 1990 sang "tiến vào trung tâm thế giới".

Theo TCCSĐT

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều