Ấn Độ sắp trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới

Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2030, vượt qua Nhật Bản và Đức.

Ấn Độ là một trong những trung tâm sản xuất thuốc lớn nhất thế giới. Ảnh: AFP

Theo S&P Global và Morgan Stanley, Ấn Độ sẽ vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới - CNBC đưa tin.

Dự báo của S&P dựa trên dự đoán tăng trưởng GDP danh nghĩa hàng năm của Ấn Độ sẽ ở mức trung bình 6,3% cho đến năm 2030. Tương tự, Morgan Stanley ước tính GDP của Ấn Độ có thể tăng hơn gấp đôi so với mức hiện tại vào năm 2031.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley do Ridham Desai và Girish Acchipalia đứng đầu viết trong báo cáo: “Ấn Độ có các điều kiện sẵn sàng cho sự bùng nổ kinh tế nhờ hoạt động thuê ngoài, đầu tư vào sản xuất, quá trình chuyển đổi năng lượng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến của đất nước. Những động lực đó sẽ đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế và thị trường chứng khoán lớn thứ 3 thế giới trước cuối thập kỷ này”.

Ấn Độ công bố mức tăng trưởng hàng năm là 6,3% trong quý từ tháng 7 đến tháng 9, cao hơn một chút so với dự báo của Reuters là 6,2%. Trước đó, Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng 13,5% từ tháng 4 đến tháng 6 so với một năm trước, nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ.

Quốc gia này đã đạt mức tăng trưởng kỷ lục 20,1% hàng năm trong ba tháng tính đến tháng 6 năm 2021, theo dữ liệu của Refinitiv.

Dự báo của S&P xoay quanh việc tiếp tục tự do hóa thương mại và tài chính của Ấn Độ, cải cách thị trường lao động, cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực của Ấn Độ.

“Đây là một kỳ vọng hợp lý từ Ấn Độ, quốc gia có nhiều thứ để bắt kịp về tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người” - Dhiraj Nim, nhà kinh tế Ngân hàng ANZ nói.

Ấn Độ được dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2030. Ảnh: AFP

Trung tâm xuất khẩu

Theo các nhà phân tích của S&P, chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành trung tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như một cường quốc sản xuất, và phương tiện chính để làm điều đó là thông qua Chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLIS) để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.

PLIS - được giới thiệu vào năm 2020 - cung cấp ưu đãi cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước dưới hình thức giảm thuế và cấp giấy phép, cùng các biện pháp kích thích khác.

Các nhà phân tích của S&P viết: “Rất có khả năng chính phủ đang tin tưởng vào PLIS như một công cụ giúp nền kinh tế Ấn Độ định hướng xuất khẩu nhiều hơn và liên kết với nhau nhiều hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Tương tự, Morgan Stanley ước tính tỉ trọng GDP của ngành sản xuất Ấn Độ sẽ “tăng từ 15,6% GDP hiện tại lên 21% vào năm 2031” - điều này ngụ ý rằng doanh thu sản xuất có thể tăng gấp ba lần từ mức 447 tỉ USD hiện tại lên khoảng 1.490 tỉ USD.

Theo Morgan Stanley, các công ty đa quốc gia đang lạc quan hơn bao giờ hết về việc đầu tư vào Ấn Độ và chính phủ đang khuyến khích đầu tư bằng cả việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp đất cho các nhà máy.

Còn theo Sumedha Dasgupta, nhà phân tích cao cấp của Economist Intelligence Unit, Ấn Độ có nhiều lợi thế, bao gồm lao động giá rẻ dồi dào, chi phí sản xuất thấp, cởi mở với đầu tư, các chính sách thân thiện với doanh nghiệp và dân số trẻ với xu hướng tiêu dùng mạnh mẽ. Những yếu tố này khiến Ấn Độ trở thành một lựa chọn hấp dẫn để thành lập các trung tâm sản xuất cho đến cuối thập kỷ này.

Các yếu tố rủi ro

Các điểm nổi bật có thể thách thức dự báo của Morgan Stanley bao gồm suy thoái kinh tế toàn cầu đang tiếp diễn, do Ấn Độ là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại với gần 20% sản lượng được xuất khẩu.

Các yếu tố rủi ro khác bao gồm việc cung cấp lao động lành nghề, các sự kiện địa chính trị bất lợi và các lỗi chính sách có thể phát sinh từ việc bỏ phiếu trong một “chính phủ yếu hơn”.

Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết, sự suy giảm toàn cầu có thể làm giảm triển vọng kinh doanh xuất khẩu của Ấn Độ.

Sonal Varma - nhà kinh tế trưởng tại Nomura - nhận định, mặc dù tổng GDP của Ấn Độ đã cao hơn mức trước COVID-19, nhưng tăng trưởng trong tương lai sẽ yếu hơn nhiều so với các quý trước.

“GDP thực tế hiện cao hơn 8% so với mức trước COVID-19 xét về tốc độ tăng trưởng, nhưng xét về tầm nhìn tương lai, có những cơn gió ngược từ các điều kiện tài chính toàn cầu” - Varma nói.

Tương tự, Dhiraj Nim cũng cho rằng có thể ưu tiên hơn cho đầu tư vào con người thông qua giáo dục và y tế. Ông nói, điều này đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế hậu đại dịch, nơi mà sự gián đoạn lớn hơn đối với khu vực phi chính thức đồng nghĩa với việc gia tăng sự bất bình đẳng về kinh tế và giàu nghèo. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động giảm, đặc biệt là ở phụ nữ, là điều đáng lo ngại.

Theo Song Minh/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều