Ấn Độ ứng phó ra sao trước nạn nắng nóng cực đỉnh?

Cả tỉ người ở Ấn Độ, Pakistan đang phải trải qua đợt nắng nóng đỉnh điểm và tình hình sẽ còn tệ hơn.
 Ấn Độ đang trải qua đợt nắng nóng đỉnh điểm. Ảnh: Getty Images
Tháng 5 tại New Delhi là mùa của màu sắc. Những rặng anh đào đỏ và vàng tràn ngập đường phố. Nhưng năm nay chẳng mấy người có hứng thú dừng lại để ngắm hoa. Thay vào đó, ai cũng cố tìm cách nán lại trong nhà, để hưởng gió mát từ điều hòa, quạt điện. Nắng nóng đã bao trùm Ấn Đọ trong nhiều tuần qua. Ngày 30/4, nhiệt độ tại thủ đô New Delhi lên tới 43,5 độ C, kéo dài trong ba ngày liên tiếp.

Nắng nóng năm nay đến sớm hơn thường lệ. Tháng 3 vừa qua trở thành tháng 3 nóng nhất tại Ấn Độ kể từ năm 1901. Nắng nóng ảnh hưởng tới một khu vực rộng lớn, bao gồm cả các vùng, các bang ở duyên hải vốn thường có khí hậu dịu mát hơn. Tại Ấn Độ và Pakistan, hơn một tỷ người đang đối mặt với nắng nóng cực đoan.

Tại sao lại xuất hiện hiện tượng này và cách thức ứng phó của Ấn Độ ra sao? Theo Friederike Otto, chuyên gia về khí hậu tại Đại học Oxford, các đợt nắng nóng trên toàn cầu ngày càng phổ biến, với nền nhiệt ngày một cao hơn. Nguyên nhân là  do tác động của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ sẽ còn nóng hơn cho đến khi nào loài người ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch.

Nhiệt độ trên toàn cầu hiện cao hơn từ 1,1-1,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và số lượng các ngày nắng nóng (được định nghĩa là nhiệt độ cao nhất cao hơn mức nhiệt độ trung bình 5 độ C) mà Ấn Độ phải trải qua cũng tăng nhanh, từ 413 ngày trong thập kỷ 1990 lên 600 ngày trong thập kỉ 2020.

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên hợp quốc dự báo đến cuối thể kỷ này có khoảng 50% dân số toàn cầu đối mặt với nguy cơ nguy hiểm tính mạng do nắng nóng, độ ẩm. Tác động khủng khiếp nhất là ở các thành phố, nơi có mật độ xây dựng cao, hiệu ứng nhựa đường, bê tông hấp thụ nhiệt, thiếu các địa điểm làm mát tự nhiên nhờ cây xanh.

Các thành phố sẽ phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho kịch bản này. Tại Ấn Độ thành phố Ahmedabad thuộc bang miền tây Gujarat, đang đi đầu trong lĩnh vực này. Năm 2010, thành phố trải qua đợt nóng nắng đỉnh điểm hiếm thấy, làm 1.344 người thiệt mạng. Giới chức chính quyền lập tức lên “kế hoạch hành động về nhiệt độ”, được triển khai trên thực tế từ năm 2013 và thường xuyên được cập nhật.

Theo đó, hệ thống cảnh báo sớm sẽ phát thông báo tới người dân về các đợt nắng nóng sẽ xuất hiện. Nhân viên y tế được yêu cầu chuẩn bị cho tình huống gia tăng các trường hợp nhập viện vì nắng nóng. Khi nền nhiệt lên mức cao theo đúng tiêu chí, nhà chức trách yêu cầu mở cửa công viên, vườn hoa để lấy bóng mát. Các địa điểm phun nước, trung tâm y tế bổ sung cũng được lắp đặt, đưa vào vận hành.

Thông qua truyền thông, tin nhắn văn bản, bảng quảng cáo ngoài trời, cư dân sẽ tiếp cận được thông tin về cách thức đối phó với nắng nóng và khi nào cần tới trợ giúp y tế. Kể từ năm 2017, chính quyền địa phương cũng mở rộng điều phối, hợp tác với trường học, doanh nghiệp, giúp nhân viên phải hoạt động trong điều kiện ngoài trời chuyển ca làm việc, lao động trong quãng thời gian nhiệt độ thấp hơn.

Một nghiên cứu cho thấy cách làm của Ahmedabad giúp cứu sống 2.400 người trong mùa hè năm 2014, 2015 – thời điểm thành phố phải đối mặt với nhiều đợt nắng nóng cực đoan. Một số thành phố khác sau đó cũng tự lập ra các kế hoạch chống nắng nóng theo hướng dẫn của chính phủ. Những nơi đã lập được cơ chế đối phó với thảm họa thiên nhiên, như tại bang Odisha, cũng thường là những địa phương có được sự chuẩn bị tốt nhất về khắc phục, thích ứng với nắng nóng.

Nắng nóng sẽ còn nghiêm trọng hơn và việc thích ứng với hình thái thời tiết cực đoan này cũng sẽ khó khăn hơn trừ khi phát thải khí nhà kính trên phạm vi toàn cầu trở về ngưỡng 0. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, vài thập kỷ tới người dân ở một số nước như Ấn Độ hay Pakistan có thể sẽ phải dành ít thời gian hơn trong điều kiện ngoài trời trong những ngày nắng nóng.

Ngày 1/5 vừa qua, thành phố Chennai ở vùng duyên hải phía đông Ấn Độ, đã trải qua hình thái “nhiệt độ bầu ướt” (được định nghĩa là nền nhiệt độ thấp nhất mà một vật có thể tự làm mát khi độ ẩm bốc hơi hết) hơn 32 độ C, ngưỡng nhiệt khiến cơ thể khó làm mát thông qua cơ chế ra mồ hôi và nguy hiểm đối với hoạt động lao động ngoài trời. Con người gần như không thể tồn tại được nếu “nhiệt độ bầu ướt” trên 35 độ C. Mùa xuân hoa anh đào tại Ấn Độ vì thế vẫn sẽ không thu hút được sự chú tâm của người dân trong những năm tới.

Theo Hoài Thanh/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều