APEC 2017 CEO Summit: Nước Mỹ và lợi ích kinh tế chiến lược

Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo nền kinh tế số một thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017 (CEO Summit 2017) được cộng đồng quốc tế cho là sẽ giúp định hình chính sách của chính phủ Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong 30 phút ngắn ngủi, Tổng thống D. Trump đã bày tỏ quan điểm trên các vấn đề kinh tế, đối ngoại và an ninh đối với khu vực.

 Tổng thống Mỹ D.Trump phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 (CEO Summit 2017). Ảnh: TTXVN

Bảo đảm lợi ích “công bằng”

Khi đề cập đến vấn đề kinh tế, “công bằng”, “tôn trọng quy tắc” và “lợi ích chung” là ba cụm từ được Tổng thống D. Trump sử dụng nhiều nhất trong bài phát biểu. Đây có lẽ là ba tiêu chí cơ bản mà Tổng thống D. Trump muốn sử dụng làm nền tảng để xây dựng “trật tự” nền kinh tế thế giới trong thời gian tới. Dường như Tổng thống D. Trump muốn đưa hệ thống kinh tế thế giới trở về mô hình kinh tế thị trường với học thuyết “bàn tay vô hình” nổi tiếng của nhà kinh tế học Adam Smith. Theo đó, các thành viên của nền kinh tế thế giới sẽ trao đổi thương mại với nhau và tự điều chỉnh theo quy luật cung - cầu, hạn chế tối đa sự can thiệp từ bên ngoài của các chính phủ hay những tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực.

Tổng thống D. Trump cho rằng, Mỹ đang chịu nhiều thiệt thòi và bị đối xử bất công trong nền kinh tế thế giới hiện tại. Trong khi Mỹ từng bước mở cửa thị trường với các chính sách như giảm/xóa thuế, gỡ bỏ rào cản thương mại, lưu thông hàng hóa tự do, thúc đẩy nền kinh tế tư nhân thì một số chính phủ lại áp dụng các biện pháp “không công bằng”, như bán phá giá, trợ giá, trợ vốn, thao túng tỷ giá và đặc biệt là các chính sách ép buộc bàn giao công nghệ để đổi lấy quyền tham gia thị trường…

Tổng thống D. Trump tuyên bố sẽ không để Mỹ tiếp tục bị “thiệt thòi” và sẽ có các biện pháp ngăn chặn. Theo đó, Mỹ yêu cầu những quốc gia, đối tác có trao đổi kinh tế với Mỹ phải tuân thủ những quy tắc/luật chơi đã được xác lập để bảo đảm công bằng lợi ích cho cả hai; các quốc gia có quan hệ thương mại với Mỹ phải mở cửa thị trường ở mức độ “cân bằng tương ứng” như Mỹ đã làm và các chính phủ không tham gia, can thiệp vào quá trình đầu tư công nghiệp mà sẽ do nền kinh tế tư nhân tự điều tiết.

Tổng thống D. Trump một lần nữa khẳng định Mỹ không tham gia các hiệp định, hợp tác kinh tế đa phương mới vì những “bất công” mà Mỹ phải chịu đựng. Trong các tổ chức kinh tế đa phương còn tồn tại những quốc gia thành viên vi phạm luật chơi “chung”, song không bị trừng phạt do các tổ chức này thiếu cơ chế, biện pháp trừng phạt hữu hiệu. Thay vào đó, từ nay trở đi, Mỹ sẽ chú trọng các hợp tác thương mại song phương trên cơ sở “công bằng, có đi, có lại”, tập trung ký kết và triển khai trao đổi thương mại với riêng từng quốc gia.

Ưu tiên lợi ích kinh tế. Tổng thống D. Trump đề cập về “Giấc mơ Ấn Độ - Thái Bình Dương”, bao gồm “các quốc gia độc lập có chủ quyền, đa dạng về văn hóa và ước mơ, cùng phát triển trong sự tự do và hòa bình”. Mặc dù vẫn đề cao các yếu tố “tự do, dân chủ, công bằng…” nhưng Tổng thống D. Trump cũng tuyên bố tôn trọng chủ quyền, độc lập và sự đa dạng giữa các quốc gia. Ông cho rằng, các giá trị mới trong quan hệ quốc tế, bao gồm công bằng, có đi, có lại, tôn trọng luật pháp và quyền tự do cá nhân, đặc biệt đề cao nguyên tắc tự do hàng hải, hàng không và các tuyến đường vận tải biển tại khu vực Thái Bình Dương là cơ sở để xây dựng một môi trường quốc tế ổn định, an toàn và thịnh vượng.

Mỹ mong muốn có các đối tác “phát triển, giàu có và độc lập” tại khu vực. Do vậy, Mỹ sẽ thúc đẩy Ngân hàng Thế giới (WTO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao, từ đó, gia tăng phát triển kinh tế. Về phần mình, chính phủ Mỹ cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để giới doanh nghiệp tư nhân Mỹ đầu tư ra nước ngoài, giúp các quốc gia có nhiều lựa chọn nguồn vốn đầu tư, tránh các cam kết bất lợi cho quốc gia mình.

Về an ninh, Tổng thống D. Trump cho rằng, duy trì môi trường ổn định là điều kiện tiên quyết để các quốc gia tại khu vực phát triển. Theo đó, tất cả các quốc gia phải có trách nhiệm và cần chung tay giải quyết các vấn đề an ninh trong khu vực, trong đó có vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Đối với các nhóm khủng bố và tư tưởng Hồi giáo cực đoan, Tổng thống Mỹ cho rằng, cần tước bỏ nguồn tài chính tài trợ cũng như địa bàn hoạt động của những nhóm này. Ngoài ra, một số vấn đề khác ảnh hưởng tới an ninh khu vực cũng được đề cập tới như các nhóm tội phạm có tổ chức, nạn buôn người, ma túy, tham nhũng, tin tặc và mở rộng lãnh thổ.

Khẳng định ưu tiên chiến lược

Sau gần một năm cầm quyền, bài phát biểu của Tổng thống D. Trump tại APEC 2017 CEO Summit một lần nữa khẳng định về chiến lược phát triển và ưu tiên chính sách của chính quyền Mỹ.

Một là, an ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia của Mỹ. Tổng thống D. Trump thể hiện quan điểm duy trì ưu thế kinh tế là yếu tố then chốt để bảo đảm an ninh quốc gia. Mỹ cần tiếp tục duy trì và gia tăng khoảng cách lợi thế vốn có của mình trước các đối thủ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Tổng thống D. Trump mong muốn xóa bỏ các hình thức bảo hộ kinh tế để tăng cường xuất khẩu các mặt hàng của Mỹ, đồng thời ngăn chặn các quốc gia khác tiếp cận công nghệ mới để duy trì lợi thế chiến lược trong sản xuất. Việc phát triển các hiệp định hợp tác kinh tế song phương giúp Mỹ có nhiều lợi thế trong quá trình đàm phán, bảo đảm hai tiêu chí “mở cửa thị trường công bằng” và “cán cân thương mại cân bằng”.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này của Tổng thống D. Trump đặt ra một số vấn đề cho Mỹ trong dài hạn. Việc từ bỏ các hiệp định, hợp tác thương mại quốc tế khiến Mỹ mất khả năng định hình luật chơi trong nền kinh tế thế giới. Để Mỹ có được vị trí siêu cường ngày hôm nay không thể không kể tới những lợi ích mà Mỹ đã thu được từ các hệ thống, tổ chức kinh tế tài chính toàn cầu do Mỹ chủ trì thành lập trong quá khứ như Hệ thống Bretton Woods, WTO, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… Mặt khác, một nền kinh tế thế giới tự do, trong đó, Mỹ chỉ theo đuổi thuần túy lợi ích kinh tế, bỏ qua các vấn đề địa chính trị, ngoại giao và lợi ích của đối tác khiến các quốc gia giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, điều Mỹ có thể gặp bất lợi trong tương lai.

Hai là, ngoài việc đề cao yếu tố kinh tế trong quan hệ quốc tế, bài phát biểu của Tổng thống D. Trump thể hiện sự nhượng bộ của chính quyền Trump trên các vấn đề thể chế, giá trị. Trên thực tế, đây là một xu hướng tất yếu. Quá trình toàn cầu hóa với sự phát triển của công nghệ thông tin đã làm xóa nhòa ranh giới giữa các quốc gia, thu hẹp khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển. Theo đó, người dân trên thế giới nhìn nhận khách quan hơn về những hạn chế, cũng như ưu điểm của từng mô hình phát triển, quản lý xã hội. Những tư tưởng, giá trị và hệ thống xã hội của phương Tây, cụ thể giấc mơ Mỹ, đã dần giảm độ hấp dẫn, thay vào đó là sự chấp nhận và hưởng ứng đối với các mô hình phát triển khác. Một cuộc thăm dò nghiên cứu của Trung tâm thống kê Pew Global được thực hiện tại 37 nước vào quý I-2017 cho thấy, số người trên thế giới nhìn nhận tích cực về tính dân chủ và ủng hộ việc tuyên truyền các giá trị của Mỹ ra quốc tế giảm còn 49% so với mức 64% trước đây.

Ba là, tiếp tục thể hiện vai trò trong việc duy trì an ninh, ổn định trong khu vực. Tuy không dành nhiều thời gian trong bài phát biểu nhưng Tổng thống D. Trump cho rằng, vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiền là cấp thiết, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới có chung một lập trường và tiếp tục gây sức ép lên chính quyền Kim Jong-un. Mặt khác, Tổng thống D. Trump cũng đã tái khẳng định quyết tâm và trách nhiệm của Mỹ trong việc bảo đảm quyền tự do hàng hải trong khu vực.

Qua bài phát biểu tại APEC 2017 - CEO Summit, Tổng thống D. Trump một lần nữa thể hiện tính xuyên suốt của chiến lược và chính sách của mình. Theo đó, khía cạnh lợi ích kinh tế chiếm vai trò chủ đạo, bao trùm tất cả các mặt từ an ninh, quốc phòng đến ngoại giao. Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống D. Trump có thể hiểu là lợi ích kinh tế của từng người dân Mỹ sẽ tạo nên sức mạnh quốc gia và “an ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia”. Qua phát biểu này có thể thấy, Tổng thống D. Trump cho rằng, kinh tế là chìa khóa để giải quyết những vấn đề khác mà Mỹ đang phải đối mặt. Chính vì vậy, việc phát triển kinh tế trong nước và thương mại, đầu tư quốc tế là ưu tiên số một trong chính sách của chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống D. Trump.

Mặc dù nội các vẫn chưa được kiện toàn sau gần 10 tháng cầm quyền nhưng các chính sách của chính quyền Trump về cơ bản đã hình thành. Thay vì tìm lời giải mã “hiện tượng Donald Trump” hay chờ đợi có một sự điều chỉnh trong chính sách từ Mỹ, có lẽ các quốc gia sớm tìm cách thích ứng với tình hình mới hiện nay.

Theo Tuấn Minh/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều